Những năm tháng lưu đày và cái chết của cựu hoàng Duy Tân

19/06/20, 08:02 Góc nhìn Lịch sử

Vua Duy Tân (chữ Hán: 維新 19 tháng 9 năm 1900 – 26 tháng 12 năm 1945), tên khai sinh là Nguyễn Phúc Vĩnh San (阮福永珊), là vị hoàng đế thứ 11 của nhà Nguyễn, ở ngôi từ năm 1907 đến năm 1916, sau vua Thành Thái. Khi vua cha bị thực dân Pháp lưu đày, ông được người Pháp đưa lên ngôi khi còn thơ ấu. Tuy nhiên, ông dần dần khẳng định thái độ bất hợp tác với Pháp. Năm 1916, lúc ở châu Âu có cuộc Đại chiến, ông bí mật liên lạc với các lãnh tụ Việt Nam Quang phục Hội như Thái Phiên, Trần Cao Vân dự định khởi nghĩa. Dự định thất bại và Duy Tân bị bắt ngày 6 tháng 5 và đến ngày 3 tháng 11 năm 1916 ông bị đem an trí trên đảo Réunion ở Ấn Độ Dương.

Những năm tháng lưu đày và cái chết của cựu hoàng Duy Tân - Ảnh 1
Vua Duy Tân lúc mới lên ngôi

Về cuộc đời lưu đày của cựu hoàng (CH) Duy Tân, sách báo viết rất nhiều, phần lớn dựa vào các câu chuyện kể, vào nhiều nguồn tư liệu khó kiểm chứng, vì thế các tình tiết đan xen nhau, trái ngược nhau, thậm chí phủ nhận nhau là điều khá phổ biến. Ngay cả những con cháu trực hệ của hai cựu hoàng Thành Thái – Duy Tân, với hàng trăm người đang sống cả trong và ngoài nước (nay đã tới chữ lót Quý, Định), sự thống nhất ý kiến hoàn toàn về những gì đã xảy ra trong cuộc đời hai vị cũng không dễ có được.

Lâu nay, việc đánh giá mức độ chính xác của các thông tin về lịch sử dựa chủ yếu vào chính sử (Đại Việt sử ký, Đại Nam thực lục, Đại Nam liệt truyện …), các loại sử liệu khác (dã sử, ngoại sử, tư liệu, hồi ký cá nhân …) nếu có những khác biệt hay mâu thuẫn với chính sử, hoặc mâu thuẫn giữa chúng với nhau thì chỉ nên được xem là có giá trị tham khảo trong lúc tiếp tục tìm ra sự thật còn ẩn khuất đâu đó.

Viết lên điều này không thừa, vì qua nhiều trao đổi, thảo luận về các sự kiện hay nhân vật lịch sử trên diễn đàn này, mình vẫn thấy rằng nhiều người có thói quen phủ nhận những gì khác biệt với điều họ đã biết, đã định hình trong đầu óc họ, thường là những “kiến thức” xuất phát từ một chế độ giáo dục nhồi sọ lâu dài. Vì thế, các thảo luận hay tranh luận bị chi phối bởi một thái độ chủ quan, không cầu thị chỉ dẫn tới sự bế tắc. Thậm chí có người bằng cấp đầy mình, tốt nghiệp tiến sĩ, thạc sĩ từ trời Âu, trời Mỹ, xách bàn phím đi còm dạo, cũng chỉ nhằm nói lên những lời lẽ khó nghe nhằm chứng tỏ mình và chế nhạo hay triệt hạ quan điểm của người khác một cách vô tội vạ.
Dài dòng như thế để muốn thưa lại với các bạn rằng điều hành một diễn đàn với lòng mong muốn có sự “tử tế” tối thiểu là điều không dễ, nhất là khi phải buộc lòng dập tắt những mầm mống của sự cật vấn, mỉa mai, khích bác, thậm chí lăng mạ lẫn nhau, làm xấu mặt những người tử tế đang tham gia diễn đàn chung.

Bài đăng hôm nay về những năm tháng sống lưu đày của cựu hoàng Duy Tân dựa vào nhiều nguồn tư liệu khác nhau, chủ yếu là những công bố vào đầu thập niên 2000 của hai con cựu hoàng là Georges Vĩnh San (Nguyễn Phước Bảo Ngọc – 1933) và Yves Claude Vĩnh San (Nguyễn Phước Bảo Vàng -1934), cũng hứa hẹn đón nhận nhiều thông tin hay quan điểm dị biệt, mong sao chúng ta luôn trao đổi, thảo luận trên tinh thần cầu thị, biết tôn trọng quan điểm của người khác, vì đó là tính cách tối thiểu của một đời sống tử tế mà chúng ta hằng mong muốn vươn tới.

Trân trọng

Những năm tháng lưu đày và cái chết của cựu hoàng Duy Tân - Ảnh 2
Ông Goerges Vĩnh San (Nguyễn Phước Bảo Ngọc – 1933), người con trai trưởng của cựu hoàng Duy Tân.

Cuộc sống lưu đày

Chuyến lưu đày bắt đầu vào ngày 3.11.1916, từ Cap Saint-Jacques (Vũng Tàu), 17 ngày sau thì đến Réunion, hòn đảo nằm trên Ấn Độ dương, vào thời kỳ đó là một tỉnh hải ngoại của Pháp. Một chuyến tàu hỏa với toa đặc biệt dành cho viên Thống đốc được phái từ thủ phủ Saint-Denis ra cảng Le Port để đón hai cựu hoàng và gia quyến, trên tàu có De La Vigne Sainte-Suzanne, Tổng thư ký Phủ Thống đốc, Đại úy Deroche và một số viên chức địa phương. Gia đình hai cựu hoàng có 16 người, trong đó có ba bà phi của cựu hoàng Thành Thái và một bà phi của cựu hoàng Duy Tân. Ngày hôm sau, tờ nhật báo tại địa phương loan báo sự kiện này với nội dung như sau:

“…..Họ (gia đình hai cựu hoàng-ND) mang theo 10m3 hành lý…..Trong số những hành lý đó có một két sắt mà theo yêu cầu của cựu hoàng, nó được mang từ Le Port đến Saint-Denis dưới sự trông coi của một người giúp việc. Cũng có một chiếc va li mà ông hoàng Bửu Lân (tức cựu hoàng Thành Thái-ND) không muốn rời xa. Từ 10 giờ rưởi,một đám đông đã xâm chiếm quảng trường của Phủ Thống Đốc. Đến 12 giờ trưa, họ đã mất kiên nhẫn….12 giờ rưởi trưa, một hồi còi vang lên. Ông hoàng Bửu Lân và người con trai thứ hai (tức cựu hoàng Duy Tân-ND) mặc Âu phục (màu trắng). Ông hoàng khác và các bà vợ thì mặc quốc phục (quần rộng và áo dài). Các bà đeo đầy nữ trang.Chính phủ trợ cấp ông Bửu Lân 30.000 franc, ông Vĩnh San 15.000 franc. Cả hai đều nói được ngôn ngữ của chúng ta (tức tiếng Pháp-ND)…”

Từ năm 1917, sau cú sốc về cuộc khởi nghĩa bất thành và quyết định lưu đày của thực dân Pháp, cựu hoàng Duy Tân lấy dần lại sự bình tâm. Ông không ngừng học hỏi, đam mê âm nhạc, văn chương, sớm gia nhập vào thế giới thượng lưu ở Réunion. Năm 1923, ông được Hàn lâm viện Réunion trao tặng giải nhất về bài thơ “Variations sur une lyre brisée” (Khúc biến tấu về một cây đàn tan vỡ). Ông thường tham gia vào những buổi họp mặt công cộng và được công nhận là một tay vĩ cầm (violoniste) xuất sắc. Ông cũng rất đam mê kỹ thuật vô tuyến điện, về sau là một trong những người đầu tiên sử dụng máy phát sóng vô tuyến trên đảo Réunion. Máy phát tín hiệu vô tuyến của ông phát sóng đi khắp toàn cầu.

Trong sinh hoạt hàng ngày, ông thích cưỡi ngựa, câu cá và những chuyến đi dã ngoại với con cái. Năm 1936, Mặt trận Bình dân do đảng Cộng sản và các đảng cánh tả thành lập tại Pháp, chủ trương những cải cách xã hội rộng lớn, cựu hoàng Duy Tân xem đây là cơ hội tốt để đề cập đến quyền tự chủ của đất nước. Ông tham gia vào cuộc mít tinh của Mặt trận tổ chức tại cảng La Pointe des Galets, phát biểu tại diễn đàn, sau lưng là lá cờ búa liềm. Cũng trong năm này, cựu hoàng yêu cầu Bộ trưởng thuộc địa Pháp trả tự do và chuyển ông đến sống tại Paris, nơi đang diễn ra những trào lưu tư tuởng tiến bộ nhất. Đáng tiếc là yêu cầu này đã không được đáp ứng. Năm 1938, dưới sức ép của những biến động từ bên ngoài, Mặt trận bình dân tự giải tán, giấc mơ thay đổi tình thế của cựu hoàng cũng tan biến theo.

Những năm tháng lưu đày và cái chết của cựu hoàng Duy Tân - Ảnh 3
Cựu hoàng Duy Tân nuôi ngựa đua

Năm 1939, Đại chiến thế giới lần thứ hai bùng nổ, trục phát xít Đức-Ý-Nhật nuôi tham vọng thống trị toàn cầu, nước Pháp nhanh chóng rơi vào ách thống trị của Đức Quốc xã. Nhờ năng khiếu đặc biệt về ngành vô tuyến điện, cựu hoàng Duy Tân là người đầu tiên – đúng hơn là người duy nhất – nghe được những tin tức liên quan đến tình hình chiến sự ở châu Âu. Đặc biệt là vào ngày 18.6.1940, ông nghe được lời kêu gọi nhân dân Pháp tham gia cuộc kháng chiến chống xâm lược do tướng De Gaulle đọc tại Luân Đôn.

Trong con mắt cựu hoàng Duy Tân lúc bấy giờ có hai nước Pháp: một nước Pháp thực dân đang đặt ách đô hộ lên đất nước yêu quý của ông và một nước Pháp – nạn nhân của bọn xâm lược và diệt chủng, đang đứng về phía chính nghĩa để chống lại kẻ hung tàn. Và cựu hoàng đã tạm thời đứng về phía nước Pháp thứ hai.

Không được chấp nhận tham gia vào quân đội Pháp (của chính phủ Pétain), ông chọn cách đứng cạnh hàng ngũ những người sáng lập tổ chức France Libre (Nước Pháp tự do) của tướng De Gaulle. Ông liên tiếp gửi đi những bức điện với tín hiệu gọi là FR8VX, nội dung như sau:
“ Đây là…………………………………………..FR 8 VX (3 lần)
Gửi tất cả tàu Anh và tàu của nước Pháp tự do. Để chuyển đến chính quyền Pháp (3 lần).Đây là nội dung bản văn: (1 lần)
”Trong lúc toàn bộ đế chế Pháp đang chiến đấu bên cạnh các quốc gia liên hiệp để giải phóng nhân loại, ở đây, tại đảo Réunion, chúng tôi đang chịu đựng một chính sách thân Đức đáng xấu hổ. Chúng tôi gửi đi tín hiệu S.O.S, đòi hỏi vinh dự được cầm súng bên cạnh những người bạn đồng minh sáng suốt của chúng tôi…..”

Cựu hoàng gửi đi nhiều bức điện khác có nội dung tương tự và khắc khoải chờ đợi hồi âm. Và bỗng nhiên hồi âm đã tới:
“Báo đốm sẽ đón Hoa Cúc”.

Nhận được bức điện, cựu hoàng giải thích cho các thân hữu biết như thế có nghĩa là chiếc tàu phóng ngư lôi Léopard sẽ tiếp quản đảo Réunion và việc cập bến đã gần kề. Ông tiếp tục liên lạc với lực lượng đồng minh, chuyển đến họ tin tức ghi nhận được trên đảo Réunion và truyền đạt cho công chúng trên đảo những tin tức mới mẻ từ bên ngoài. Việc làm này buộc ông phải trả giá qua việc bị nhà cầm quyền địa phương (thuộc chính quyền Pétain) bắt giữ vào ngày 7.5.1942 và giam tại trại giam Lazaret ở Saint-Denis. Một tháng sau, ông được trả tự do, nhưng máy móc, dụng cụ bị tịch thu cả. Về sau, ông gầy dựng lại những phương tiện kỹ thuật này và tiếp tục các hoạt động liên lạc vô tuyến.

Những năm tháng lưu đày và cái chết của cựu hoàng Duy Tân - Ảnh 4
CH Duy Tân thích tìm tòi về vô tuyến điện

Gia nhập lực lượng kháng chiến Pháp

Ngày 28.11.1942, một ngày sau khi đảo Réunion tham gia vào tổ chức France Libre, cựu hoàng Duy Tân chính thức gia nhập lực lượng kháng chiến Pháp. Ông làm chuyên viên vô tuyến điện báo trên tàu Léopard, chiếc tàu phóng ngư lôi đã nhận được các bức vô tuyến điện của ông và đã trả lời như trên. Tuy nhiên chỉ 22 ngày sau, do bị bệnh, cựu hoàng phải rởi tàu Léopard. Sau khi bình phục, ông muốn tiếp tục tham gia vào lực lượng kháng chiến Pháp, nhưng ý nguyện này bị từ chối vì nhà cầm quyền Pháp vẫn có ý dè chừng ông.

Mãi đến ngày 3.1.1944, ông mới được thu nhận vào trại lính Lambert với tư cách một người lính trơn. Ngày 15.2.1944, ông được thăng hạ sĩ. Sau khi được cử đến Madagascar, ông nổi tiếng qua việc thuyết phục và đưa trở lại hàng ngũ một tiểu đoàn gồm 1.600 lính Đông Dương nổi loạn chống lại các cấp chỉ huy của họ.

Tháng 6.1945, ông đến Paris và sau khi chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc, ông có mặt tại Đức với cấp bậc tiểu đoàn trưởng.

Cuộc đời binh nghiệp của cựu hoàng kéo dài đến cuối năm 1945. Suốt thời gian đó, Bộ thuộc địa Pháp đã ngăn chặn mọi ý định giao phó cho ông những trọng trách trong quân ngũ. Mãi đến thời điểm cuối cùng của cuộc chiến, họ mới cử ông theo học tại một trường huấn luyện sĩ quan của Anh. Cũng vì thế mà các cấp bậc của ông trong quân đội kháng chiến mãi đến năm 1945 mới được hợp thức hóa bằng sắc lệnh ngày 29.10.1945 của tướng De Gaulle, với nội dung như sau:
– Cấp bậc Thiếu úy ngày 5.12.1942
– Cấp bậc Trung úy ngày 5.12.1943
– Cấp bậc Đại úy ngày 5.12.1944
– Tiểu đoàn trưởng (tương đương thiếu tá) ngày 25.9.1945

Tháng 3.1945, ông được thưởng huân chương kháng chiến với lời ghi chú như sau:
“Ông hoàng Vĩnh San, bằng thái độ dũng cảm, sự quyết tâm và qua việc giúp cho nhiều thính giả nghe được các đài phát thanh của nước Pháp tự do hoặc của các nước đồng minh, những đài bị cấm ngặt việc theo dõi, đã góp phần vào việc duy trì mãi trên đảo Réunion lá cờ kháng chiến và niềm tin vào thắng lợi cuối cùng….”

Ngày 29.8.1945, trên làn sóng của đài phát thanh Radio-Tananarive, cựu hoàng Duy Tân đọc bản tuyên bố chính trị đầu tiên kể từ ngày ông bị lưu đày. Bản tuyên bố gửi đến nhân dân Việt Nam đang chống lại quân phiệt Nhật, xác định rằng tương lai của đất nước chỉ có thể đạt được bằng mối quan hệ hữu nghị và hợp tác với nước Pháp. Bản tuyên bố chủ trương một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, hợp tác với Pháp và tạm thời ủy thác cho nước này hai bộ Ngoại giao và Quốc phòng. Một điều cần nhắc lại là từ giữa thập niên 1930 đến sau này, cựu hoàng nhiều lần bày tỏ ý muốn sang Pháp sinh sống nhưng không hề được thực dân Pháp thỏa mãn. Người ta đọc thấy trong văn khố của Bộ thuộc địa Pháp ở Aix-en-Provence một văn bản đề ngày 3.12.1945 với nội dung như sau:
“Ông Soustelle (có lẽ là một quan chức Bộ thuộc địa Pháp-ND) đồng ý để ông hoàng quay về Réunion. Nhằm chuẩn bị cho tương lai, Bộ quyết định là ông Hoàng Vĩnh San vẫn giữ qui chế quân sự cho đến khi có lệnh mới”.

Nội dung văn kiện này có thể hiểu theo nghĩa đây là một lệnh buộc cựu hoàng quay lại Réunion, sau một thời gian nấn ná ở lại Pháp.

Cuộc hội kiến với tướng De Gaulle và cái chết đầy nghi vấn của cựu hoàng Duy Tân

Các tài liệu được công bố gần đây không nêu rõ chi tiết cuộc gặp gỡ giữa cựu hoàng Duy Tân và tướng De Gaulle, linh hồn của cuộc kháng chiến Pháp. Người ta chỉ biết rằng cuộc hội kiến diễn ra vào ngày 14.12.1945 và mục đích chính là bàn việc đưa cựu hoàng trở lại ngôi vị hoàng đế Việt Nam (lúc này Cách mạng Tháng tám đã thành công và vua Bảo Đại đã thoái vị, giao lại ấn kiếm cho Chính phủ lâm thời Việt Nam).

Người ta đọc thấy những dòng sau đây trích trong cuốn Mémoires de guerre (Hồi ký chiến tranh) của tướng De Gaulle, nêu lên những nhận định của ông về cựu hoàng Duy Tân và đề cập đến cuộc gặp gỡ giữa hai người:

“Nhằm những mục tiêu có thể được xem là hữu ích, tôi nuôi một ý định bí mật. Đó là cung cấp cho cựu hoàng đế Duy Tân những phương tiện để tái xuất hiện, nếu người kế tục và người bà con với ông là Bảo Đại cuối cùng rồi cũng bị các biến động vượt qua. Duy Tân bị chính quyền Pháp truất phế vào năm 1916, trở lại với cương vị ông hoàng Vĩnh San và bị đưa đến đảo Réunion, tuy nhiên, trong lúc cuộc chiến này diễn ra, ông đã phục vụ trong quân đội của chúng ta. Ông đã mang cấp bậc thiếu tá. Đó là một nhân cách mạnh mẽ. Khoảng 30 năm lưu đày không xóa nhòa trong tâm hồn dân tộc Việt Nam kỷ niệm về vị vua này. Ngày 14.12, tôi sẽ tiếp ông để cùng nhau xét xem chúng tôi có thể làm gì với nhau. Nhưng cho dù chính phủ của tôi có tiếp xúc để thỏa hiệp với bất cứ ai, tôi cũng trù định việc gắn chặt họ ở Đông Dương, trong guồng máy trang trọng nhất khi thời cơ đến..”
(Sách đã dẫn, Quyển III, trang 230 – Nhà xuất bản Plon – Paris 1959)

Về phần cựu hoàng Duy Tân, ông đã tuyên bố về cuộc gặp gỡ với De Gaulle như sau:
”Điều đó đã quyết, chính phủ Pháp đặt tôi trở lại ngai vàng Annam. De Gaulle sẽ tháp tùng tôi khi tôi trở về. Ông ta dự kiến là vào những ngày đầu tháng 3.1946. Từ đây đến đó, người ta chuẩn bị dư luận, cả ở Pháp lẫn quốc tế và Đông Dương.Cần thiết lập một loạt thỏa hiệp được hai chính phủ thông qua..”

Người ta tự hỏi điều gì đã khiến cho cựu hoàng tin tưởng ở một giải pháp do De Gaulle nghĩ ra, khi mà nền quân chủ không còn đất sống trong một xã hội đang hừng hực khí thế đấu tranh. Có lẽ do ông nhìn thấy ở De Gaulle hình ảnh của một nhà lãnh đạo kháng chiến đáng khâm phục; 30 năm sống trên xứ người ít nhiều đã làm cho nhãn quan của ông thay đổi. Không loại trừ trường hợp ông không nắm vững thông tin về Việt Nam lúc bấy giờ. Chỉ 12 ngày sau cuộc gặp với De Gaulle, ngày 26.12.1945, ông tử nạn máy bay trên vùng trời nước Cộng hòa Trung Phi, tại một địa điểm cách thủ đô Bangui 100 km.

Cái chết của ông đến nay vẫn còn được đánh giá là ẩn chứa nhiều uẩn khúc chưa được giải tỏa, nhất là khi nó xảy ra chỉ một thời gian ngắn sau cuộc gặp gỡ giữa ông và tướng De Gaulle. Ngay cả những chi tiết cụ thể về hành trình của chuyến bay ngộ nạn cũng không có sự thống nhất trong các tư liệu. Trước đây, một số sách báo Việt Nam viết rằng cựu hoàng là phi công trong quân đội Pháp và đã tự tay lái máy bay về thăm nhà ở đảo Réunion, nhưng qua những tư liệu do con trai ông là Claude Vĩnh San công bố cùng nhiều tư liệu khác, không hề thấy có sự liên hệ nào giữa cựu hoàng với ngành không quân Pháp. Tài liệu của Claude Vĩnh San viết về chiếc máy bay ngộ nạn như sau:

”Máy bay Lockheed Lodester, kiểu C-60, tên đăng ký F.BALV, được khai thác bởi Mạng lưới các đường hàng không Pháp, tổ chức dịch vụ chính thức trong thời gian diễn ra chiến sự và sau khi chiến tranh kết thúc đã đảm bảo việc nối liền các đường hàng không Pháp, về dân sự cũng như quân sự, trên có chở ông hoàng Vĩnh San (nguyên văn: qui transportait le Prince Vinh San), đã rơi vào ngày 26.12.1945 lúc 18 giờ 30. giờ GMT, gần M’BAIKI thuộc Cộng hòa Trung Phi….”

Những chi tiết trên cho thấy chuyến bay Lockheed Lodester trên là một chuyến vận tải hành khách thông thường và cựu hoàng Duy Tân chỉ là một hành khách trên đó. Một tài liệu khác nêu rõ chiếc máy bay ngộ nạn bay từ Fort Lamy, thủ đô của Tchad (thuộc địa của Pháp tại châu Phi) hướng về Bangui, thủ đô của nước Cộng hòa Trung Phi. Thi hài của cựu hoàng đựoc an táng tại nước này.

Trở về quê hương

Năm 1987, với sự đồng tình của chính phủ Việt Nam và sự hỗ trợ tích cực của Thủ tướng Pháp lúc bấy giờ là ông Jacques Chirac, việc khai quật hài cốt cựu hoàng đã hoàn tất tốt đẹp tại Trung Phi, sau đó hài cốt được chuyển về Pháp. Ngày 28.3.1987, một buổi lễ cầu siêu theo nghi thức Phật giáo được tổ chức trọng thể tại ngôi chùa ở Vincennes, thủ đô Paris, với sự hiện diện của ông Jacques Foccart, đai diện Thủ tướng J. Chirac, ông đại diện Đại sứ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Pháp, các tướng lãnh Pháp A. de Boissieu, Simon, Chủ tịch Hiệp hội những người Pháp tự do và nhiều viên chức, sĩ quan cao cấp thuộc quần đảo Réunion. Sau đó linh cửu cựu hoàng được đưa về an táng tại Huế, nơi ông đã sinh ra, lớn lên và chỉ sống có 16 năm ngắn ngủi trong đời.

Ngày 3.8.2000, một buổi lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cựu hoàng được thân nhân ông tổ chức tại một biệt thự dành cho những chiến sĩ của lực lượng Pháp tự do. Sau đó, ông Michel Chambat, nhà sản xuất kiêm phân phối phim ảnh, đã công bố ý định thực hiện một bộ phim về cựu hoàng Duy Tân. Một hợp đồng đã được ký giữa Chambat và con trai của cựu hoàng là Claude Vĩnh San, tác giả quyển sách viết về cuộc đời của bố ông. Bộ phim dự kiến sẽ được quay trong nhiều tuần lễ liền tại quần đảo Réunion. Đến nay không thấy ai nhắc đến bộ phim này nữa.

Những năm tháng lưu đày và cái chết của cựu hoàng Duy Tân - Ảnh 5
Ông Yves Claude Vĩnh San (Nguyễn Phước Bảo Vàng -1934), người con trai thứ 2 của CH Duy Tân

Lê Nguyễn, 6/6/2020

Lê Nguyễn (tên thật là Lê Văn Cẩn), là một nhà nghiên cứu sử học với nhiều bút danh khác như Hoàng Chi, Minh Chiếm, Nhật Nam… Ông là cây bút quen thuộc trên các tờ báo, tạp chí: Kiến thức ngày nay, Thế giới mới , Khoa học phổ thông, Khoa học và đời sống, Tài hoa trẻ, Doanh nhân Sài Gòn cuối tuần…

Đăng dưới sự cho phép của tác giả

Ad will display in 09 seconds

Tiết lộ chấn động con người đến từ đâu?

Ad will display in 09 seconds

Quả báo diệt Phật bi thảm trong lịch sử Trung Hoa

Ad will display in 09 seconds

Những câu chuyện đáng ngẫm: Lấy vợ cho Hà Bá

Ad will display in 09 seconds

Các nhà khoa học vĩ đại nói gì về tôn giáo và Thần học?

Ad will display in 09 seconds

Sự nghịch lý trong bài tập chống 'chết chìm' của hải quân SEAL

Ad will display in 09 seconds

Kẻ xấu xí vì sao đắc quả La Hán?

Ad will display in 09 seconds

Vì sao hòa thượng cướp dâu?

Ad will display in 09 seconds

Tội ác này đã gây diệt vong cả một thành phố cổ đại

Ad will display in 09 seconds

Những linh hồn ở Đại Kim Tự Tháp Giza tiết lộ điều gì?

Ad will display in 09 seconds

Bị đánh bom nguyên tử, vì sao người Nhật vẫn kính trọng tướng Mỹ ?

  • Tiết lộ chấn động con người đến từ đâu?

    Tiết lộ chấn động con người đến từ đâu?

  • Quả báo diệt Phật bi thảm trong lịch sử Trung Hoa

    Quả báo diệt Phật bi thảm trong lịch sử Trung Hoa

  • Những câu chuyện đáng ngẫm: Lấy vợ cho Hà Bá

    Những câu chuyện đáng ngẫm: Lấy vợ cho Hà Bá

  • Các nhà khoa học vĩ đại nói gì về tôn giáo và Thần học?

    Các nhà khoa học vĩ đại nói gì về tôn giáo và Thần học?

  • Sự nghịch lý trong bài tập chống 'chết chìm' của hải quân SEAL

    Sự nghịch lý trong bài tập chống 'chết chìm' của hải quân SEAL

  • Kẻ xấu xí vì sao đắc quả La Hán?

    Kẻ xấu xí vì sao đắc quả La Hán?

  • Vì sao hòa thượng cướp dâu?

    Vì sao hòa thượng cướp dâu?

  • Tội ác này đã gây diệt vong cả một thành phố cổ đại

    Tội ác này đã gây diệt vong cả một thành phố cổ đại

  • Những linh hồn ở Đại Kim Tự Tháp Giza tiết lộ điều gì?

    Những linh hồn ở Đại Kim Tự Tháp Giza tiết lộ điều gì?

  • Bị đánh bom nguyên tử, vì sao người Nhật vẫn kính trọng tướng Mỹ ?

    Bị đánh bom nguyên tử, vì sao người Nhật vẫn kính trọng tướng Mỹ ?

x