Những cuộc biểu tình ôn hòa khiến truyền thông thế giới nể phục

13/06/18, 10:45 Trung Quốc

Biểu tình thường được xem là lời phản đối của người dân trước quyết định của chính phủ và gắn liền với bạo lực. Tuy nhiên trên thực tế, có một số cuộc biểu tình tỏ ra vô cùng ôn hòa, khiến giới truyền thông nể phục.

Những cuộc biểu tình ôn hòa khiến truyền thông thế giới nể phục.1
Phong trào dù vàng ở Hong Kong. (Ảnh: internet)

Cuộc biểu tình Ô dù

“Biểu tình Ô dù”, “Cách mạng Ô” hay “Phong trào Ô dù” là một cuộc biểu tình diễn ra tại Hong Kong vào năm 2014. Cội nguồn của nó nằm ở việc những người bảo vệ dân chủ mong muốn rằng cuộc bầu cử thị trưởng Hong Kong trực tiếp đầu tiên vào năm 2017 được thực sự tự do. Sau khi Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Trung Quốc đưa ra nghị quyết liên quan tới việc thay đổi hệ thống bầu cử tại Hong Kong, cuộc biểu tình nổ ra.

Ban đầu người biểu tình tại Hong Kong sử dụng chiếc dù để che mưa, nắng. Nhưng khi cảnh sát dùng đạn hơi cay, và bình xịt hơi cay, chiếc dù được dùng để bảo vệ bản thân người biểu tình. Cuộc biểu tình tại Hong Kong từ đó còn được gọi là “Cách mạng Ô dù”. Những người phản đối đã mang theo cả đống dù, phát không, ngủ dưới đó và viết khẩu hiệu lên đó.

Những cuộc biểu tình ôn hòa khiến truyền thông thế giới nể phục.2
Người biểu tình “Ô dù” đứng trật tự, ngay ngắn tại một điểm biểu tình. (Ảnh: internet)

Bên cạnh hình tượng chiếc ô, các dải ruy băng vàng được người biểu tình cột vào hàng rào, đeo lên trên áo và trang hoàng các trang mạng xã hội tại Hong Kong vì nó được coi là biểu tượng của khát vọng dân chủ. Họ chọn ruy băng vàng vì họ vẫn hy vọng vào chiến thắng trong một cuộc chiến không cân sức, không phải bằng bạo lực mà bằng tình yêu.

Trong khi đó, đối lập lại thiện chí của người biểu tình, một cuộc phản biểu tình đã được tổ chức, nghi ngờ có sự thúc đẩy của chính quyền Trung Quốc. Vào ngày 6/10/2014, đài BBC chiếu một đoạn phim của Hong Kong TV network về việc những người phản biểu tình được thuê mướn và chở tới nơi biểu tình. Báo South China Morning Post cũng tường thuật những cáo buộc là những người từ những khu nghèo khổ đã nhận tới 800 đô-la Hong Kong một ngày để tấn công vào người biểu tình ở khu vực Vượng Giác.

Về phía chính quyền, cả các quan chức Trung Quốc và Hong Kong đều cho rằng cuộc biểu tình Ô dù là “bất hợp pháp”, truyền thông liên tục phát đi thông tin cho rằng cuộc biểu tình này có sự “xúi bẩy” của phương Tây. Việc chính quyền Hong Kong sử dụng cảnh sát để giải quyết biểu tình đã làm cho uy tín về sự trung thực và không thiên vị của lực lượng cảnh sát Hong Kong suy giảm, đồng thời khiến họ bị chỉ trích là đã trở thành công cụ chính trị trong tay nhà cầm quyền, phá hủy sự thượng tôn pháp luật.

Báo Mỹ New York Times mô tả cuộc biểu tình ở Hong Kong dù không có một nhà lãnh đạo cụ thể nào nhưng có tính tổ chức cực cao. Người biểu tình hành xử rất lịch thiệp và hòa bình. Hoàn toàn không có hiện tượng đập phá, hôi của, xả rác… như ở nhiều nơi khác. Trong bài viết “Những điều chỉ có thể xảy ra trong biểu tình ở Hong Kong”, tờ BBC kể lại những trải nghiệm đáng nhớ của phóng viên trong cuộc biểu tình:

  • Các sinh viên đi biểu tình vẫn chăm chỉ làm bài tập về nhà;
  • Những người treo biểu ngữ cũng đồng thời treo lời xin lỗi vì đã làm phiền người khác;
  • Dưới làn hơi cay, những chiếc ô vẫn giơ lên kiên trì và nhẫn chịu;
  • Những người biểu tình giúp đỡ lẫn nhau, quan tâm tới sức khỏe của nhau;
  • Người biểu tình tuân thủ những quy định dù là nhỏ nhất, như “không dẫm lên thảm cỏ”.
  • Và đặc biệt là, BBC ca ngợi những người biểu tình “sạch sẽ quá độ”.
Những cuộc biểu tình ôn hòa khiến truyền thông thế giới nể phục.3
Các sinh viên tham gia biểu tình miệt mài làm bài tập. (Ảnh: từ vam.ac.uk)

Rõ ràng, phong trào biểu tình Ô dù không phải chỉ là những người chỉ có lý tưởng, họ là những người hoạt động chính trị hiểu biết mà còn hiểu được rằng ôn hòa bất bạo động sẽ mang đến những thắng lợi, cả hữu hình lẫn vô hình.

Phong trào ‘Hoa Hướng Dương’ làm thay đổi chính trường Đài Loan

Những cuộc biểu tình ôn hòa khiến truyền thông thế giới nể phục.4
Phong trào Hoa Hướng Dương ở Đài Loan năm 2014. (Ảnh: internet)

Phong trào sinh viên “Hoa Hướng Dương”, nổ ra vào ngày 18/03/2014, khi đó có khoảng 200 sinh viên và nhà hoạt động đã vượt qua hàng rào an ninh, xông vào chiếm đóng tòa nhà Quốc hội Đài Loan trong suốt 24 ngày, trong khi hàng ngàn người ủng hộ họ tuần hành liên tục trên đường phố Đài Bắc.

Sở dĩ có cái tên “Phong trào sinh viên Hoa hướng dương” là vì các sinh viên biểu tình dùng hoa hướng dương như một biểu tượng của niềm hy vọng. Thuật ngữ này đã được phổ biến sau khi những người trồng hoa đóng góp 1000 hoa hướng dương cho các sinh viên bên ngoài tòa nhà Lập pháp để thể hiện tinh thần ôn hòa, theo châm ngôn “một nhành hoa thay cho nòng súng”.

Phong trào này nổ ra do chính phủ Đài Loan bị xem là đã bí mật thương lượng một hiệp định tự do mậu dịch với Bắc Kinh. Những người biểu tình chỉ ngưng chiếm đóng tòa nhà Quốc hội sau khi chủ tịch Quốc hội Đài Loan hứa là sẽ không xem xét hiệp định về dịch vụ cho đến khi nào đưa ra một luật về việc giám sát những hiệp định thương mại như vậy với Trung Quốc.

Nỗi bất bình về hiệp định này cũng phản ánh mối quan ngại của dư luận Đài Loan trước việc Đài Bắc cải thiện quan hệ với Bắc Kinh quá nhanh chóng từ khi Tổng thống Mã Anh Cửu lên nắm quyền vào năm 2008.

Mặc dù việc cải thiện quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan đã thúc đẩy trao đổi thương mại song phương và du lịch từ Hoa lục đến Đài Loan, nhưng một số người cảm thấy người dân thường chẳng được hưởng lợi bao nhiêu và ngày càng có nhiều người lo ngại về ảnh hưởng của Bắc Kinh.

Cho tới nay, Bắc Kinh vẫn xem Đài Loan là một bộ phận của lãnh thổ Trung Quốc, sớm muộn gì cũng phải được thống nhất với Trung Quốc, đồng thời không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực nếu Đài Bắc tuyên bố độc lập. Do vậy người Đài Loan cho rằng bản hiệp định này sẽ gây ảnh hưởng bất lợi cho quốc gia họ. Đỉnh điểm vào ngày 30/3 có đến khoảng 120.000 người Đài Loan đã tham gia cuộc biểu tình tại trung tâm Đài Bắc để phản đối hiệp định.

Trước một phong trào biểu tình rầm rộ như vậy, tổng thống Mã Anh Cửu đã đồng ý với yêu cầu của các sinh viên. Sau ba tuần Quốc hội bị sinh viên Đài Loan chiếm giữ, ngày 06/04/2014, chủ tịch Quốc hội Vương Kim Bình cam kết sẽ không chủ trì các cuộc thảo luận mới nào ở Quốc hội cho đến khi nào đưa ra một đạo luật về việc giám sát các hiệp định thương mại với Trung Quốc

Cuộc thỉnh nguyện ôn hòa lịch sử ngày 25/4

Cách đây 19 năm, thế giới cũng từng chứng kiến một cuộc thỉnh nguyện lịch sử tại Trung Quốc, đất nước nổi tiếng độc tài, không có tự do nhân quyền.

Vào ngày 25/4/1997, hơn 10.000 người không biểu ngữ, không khẩu hiệu đã lặng lẽ thỉnh nguyện ở Văn phòng Kháng cáo Trung ương, Bắc Kinh, với hi vọng chính phủ Trung Quốc tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân và trả tự do cho những người bị bắt giữ trái phép trước đó. Họ là những học viên Pháp Luân Công, một môn tu luyện của Phật gia theo nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn. Sự kiện này được gọi là cuộc thỉnh nguyện ngày 25 tháng 4.

Những cuộc biểu tình ôn hòa khiến truyền thông thế giới nể phục.5
Các học viên Pháp Luân Công thỉnh nguyện ở Văn phòng Kháng cáo Trung ương, Bắc Kinh, với hi vọng chính phủ Trung Quốc tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng. (Ảnh: internet)

Nhiều phương tiện truyền thông đã đưa tin về cuộc thỉnh nguyện ôn hòa này. Họ chứng kiến cả vạn người đứng yên lặng trên vỉa hè, không khẩu hiệu, la hét hay cư xử thô lỗ. Một số đọc các sách Pháp Luân Công trong khi những người khác luyện các bài công pháp.

Sau đó, Thủ tướng Chu Dung Cơ đã gặp mặt các học viên Pháp Luân Công. Khi hiểu ra sự tình, ông khẳng định chính phủ không phản đối Pháp Luân Công và hứa rằng các học viên Thiên Tân bị chính quyền giam giữ sẽ được thả tự do. Sau khi biết tin, hơn 10.000 học viên đang tập trung tại Trung Nam Hải đã nhanh chóng giải tán một cách trật tự.

Ông Vưu sinh sống ở huyện Nghi Lan sau khi đọc bản tin về cuộc thỉnh nguyện ngày 25/ 4 đã nói: “Tôi nhớ là khi đề cập tới cuộc thỉnh nguyện ôn hòa của các học viên Pháp Luân Công, bài báo có nói rằng không hề có tiếng la hét, không có loa phóng thanh và không có ném trứng. Bài báo cũng đề cập rằng khi các học viên rời đi, họ không để lại bất kỳ mẩu rác nào. Ngay cả những mẩu thuốc lá còn lại của cảnh sát cũng họ cũng nhặt đi. Điều đó khiến tôi kinh ngạc. Tôi nghĩ tôi phải tìm hiểu xem Pháp Luân Công thực chất là gì?”

Cựu phóng viên Đài phát thanh Thiểm Tây Mã Hiểu Minh từng nói về cuộc biểu tình: “10.000 người tập Pháp Luân Công tham gia cuộc kháng nghị ngày 25/4 đã khai sáng cho phong trào thỉnh nguyện nhân quyền hòa bình. Đây quả là một sự kiện phi thường hiếm thấy, thực sự khiến người ta phải kinh ngạc. Có tới hai ba vạn người tới Trung Nam Hải kháng nghị, mà lại hết sức trật tự, tôi còn nghe nói khi họ rời đi rồi thì không để lại một mẩu giấy nào trên mặt đất, quả thực là một cuộc kháng nghị quá đỗi hòa bình, quá đỗi lý trí!”

Ông bày tỏ sự ngưỡng mộ sâu sắc tinh thần bảo vệ quyền lợi hòa bình trước bạo lực trấn áp của những người tập Pháp Luân Công: “Cuộc đấu tranh kiên cường bất khuất của những người tập Pháp Luân Công, cho dù là đối với cuộc phản kháng bạo chính hay phản kháng chế độ thống trị chuyên chế của người dân Trung Quốc, thì đều có tác dụng thúc đẩy và khuyến khích”.

Tuy nhiên, họ không ngờ biểu đạt này lại trở thành cái cớ cho lãnh đạo Trung Quốc đương thời Giang Trạch Dân phát động một cuộc đàn áp đẫm máu kéo dài từ 20/7/1999 đến tận ngày nay.

Thế nhưng, những người tập Pháp Luân Công cho dù phải chịu bức hại tàn khốc 19 năm qua vẫn luôn kiên trì niềm tin ‘Chân – Thiện – Nhẫn’, không lấy bạo lực đáp trả bạo lực, trước sau vẫn giải quyết dựa trên pháp luật cũng như các phương thức phi bạo lực, lý tính và ôn hòa.

Sự kiện này đã khai sáng ra một phương thức dùng pháp chế và lý tính để giải quyết các vụ xâm hại nhân quyền nghiêm trọng trong lịch sử Trung Quốc”, ông Mã Hiểu Minh cho biết.

Hoàng An (t/h)

Ad will display in 09 seconds

Tinh Hoa kể chuyện: Lý Ký trảm xà

Ad will display in 09 seconds

LÀM GÌ KHI ĐỐI DIỆN VỚI KHÓ KHĂN ?

Ad will display in 09 seconds

Sự biến mất 13 hộp sọ kì dị nhất thế giới

Ad will display in 09 seconds

Chỉ cần không lo, không sợ thì đã là người quân tử rồi sao

Ad will display in 09 seconds

Vì sao chiều chuộng cháu mình nhưng người em lại bị anh trai kiện

Ad will display in 09 seconds

Vì sao TT Trump bị một số người gọi là “kẻ ngốc”?

Ad will display in 09 seconds

Vì sao Phật chỉ nhận cúng dường của cô gái nghèo

Ad will display in 09 seconds

Lấy của người giàu chia cho người nghèo là tốt hay là xấu?

Ad will display in 09 seconds

Luân hồi 3 kiếp: "Cuối cùng tôi cũng được thân người"

Ad will display in 09 seconds

Ác nghiệp khi phá thai, xem xong đừng khóc!

  • Tinh Hoa kể chuyện: Lý Ký trảm xà

    Tinh Hoa kể chuyện: Lý Ký trảm xà

  • LÀM GÌ KHI ĐỐI DIỆN VỚI KHÓ KHĂN ?

    LÀM GÌ KHI ĐỐI DIỆN VỚI KHÓ KHĂN ?

  • Sự biến mất 13 hộp sọ kì dị nhất thế giới

    Sự biến mất 13 hộp sọ kì dị nhất thế giới

  • Chỉ cần không lo, không sợ thì đã là người quân tử rồi sao

    Chỉ cần không lo, không sợ thì đã là người quân tử rồi sao

  • Vì sao chiều chuộng cháu mình nhưng người em lại bị anh trai kiện

    Vì sao chiều chuộng cháu mình nhưng người em lại bị anh trai kiện

  • Vì sao TT Trump bị một số người gọi là “kẻ ngốc”?

    Vì sao TT Trump bị một số người gọi là “kẻ ngốc”?

  • Vì sao Phật chỉ nhận cúng dường của cô gái nghèo

    Vì sao Phật chỉ nhận cúng dường của cô gái nghèo

  • Lấy của người giàu chia cho người nghèo là tốt hay là xấu?

    Lấy của người giàu chia cho người nghèo là tốt hay là xấu?

  • Luân hồi 3 kiếp: "Cuối cùng tôi cũng được thân người"

    Luân hồi 3 kiếp: "Cuối cùng tôi cũng được thân người"

  • Ác nghiệp khi phá thai, xem xong đừng khóc!

    Ác nghiệp khi phá thai, xem xong đừng khóc!

x