Những bảo vật vô giá trong Tử Cấm Thành
Cố Cung hay Tử Cấm Thành (Bắc Kinh, Trung Quốc) không chỉ là cung điện đồ sộ, nguy nga, tráng lệ mà trong nó còn lưu giữ rất nhiều báu vật vô giá trong thời cổ đại.
Tử Cấm Thành nổi tiếng thế giới không chỉ nhờ quy mô kiến trúc khổng lồ, mà còn do hơn 9.900 căn phòng với vô số hiện vật văn hóa từ đời nhà Minh và nhà Thanh.
Bảo tàng Cố Cung được thành lập năm 1925 trong Tử Cấm Thành có khoảng 1,86 triệu văn vật giá trị liên quan tới các triều đại vua của Trung Quốc, gồm cả lễ vật từ các quốc gia lân cận và báu vật của hoàng gia. Trong đó, ngoài phần bảo vật là đương án (hồ sơ) và sách cổ ra, thì có khoảng 1,2 triệu là đồ vật và thư họa.
Bình nước tráng men màu có hình phong cảnh châu Âu dưới thời vua Càn Long.
Một chiếc bình sứ men vàng dưới thời vua Càn Long. Các đồ vật bằng gốm sứ trong Tử Cấm Thành thường được tạo tác rất tinh xảo, cho thấy tay nghề của người thợ và đặc trưng riêng dưới từng triều vua.
Cốc Vĩnh cố của Hoàng đế Càn Long: Chiếc cốc rượu bằng vàng của Vua Càn Long được chế tác vào năm 1793. Dòng chữ “Kim ân vĩnh cố” khắc trên cốc như lời chúc triều đại nhà Thanh trường tồn. Cốc cao 12,5 cm, với bán kính 8 cm và được chạm trổ tinh xảo, được gắn ngọc trai và kim cương.
Đĩa sơn mài Trương Thừa: Trương Thừa là bậc thầy điêu khắc sơn mài nổi tiếng của thời nhà Nguyên. Các tác phẩm của ông đều được xem như những báu vật. Chiếc đĩa sơn mài trong Tử Cấm thành cao 3,3 cm, rộng 19,2 cm, được khắc hình mây cả trong lẫn ngoài và sơn màu đen toàn bộ.
Ấn ngọc nhà Tống: Được làm từ cẩm thạch, chiếc ấn này là một kiệt tác được làm vào thời nhà Tống. Mặt trên của ấn được chạm khắc thành hình rồng, mây và sóng. Đến thời nhà Thanh, mặt dưới ấn được khắc một bài thơ của Hoàng đế Càn Long.
Lư hương đồng tráng men: Chiếc lư hương này được trang trí bằng họa tiết hoa sen và có tay cầm dạng ngà voi. Mười hai bông hoa cúc được vẽ trên nền xanh và cổ lư hương. Bảo vật này có màu sắc hài hòa, một tuyệt tác của nghệ thuật pháp lam (đồ đồng tráng men).
Bức họa “Thanh minh thượng hà đồ”: Đây là một bức họa kinh điển của Trung Hoa, tác phẩm của Trương Trạch Đoan – họa sĩ nổi tiếng thời nhà Tống. Kiệt tác này dài hơn 5 m, mô tả cuộc sống của người dân bên dòng Biện Hà trong lễ tảo mộ. Tranh có 500 nhân vật với các kiểu trang phục và hoạt động khác nhau.
Bình phục thiếp: Lá thư này được thư gia Lục Cơ đời Ngụy Tấn viết thăm hỏi một người bạn bị ốm cách đây 1.700 năm. Đây là tác phẩm thư pháp điển hình cho quá trình phát triển của lối chữ thảo.
Đồng hồ sơn mài đen: Đây là hiện vật có giá trị nhất trong bộ sưu tập đồng hồ của bảo tàng. Bảo vật này cao 185 cm, rộng 102 cm. Các nghệ nhân thời vua Càn Long phải mất 5 năm để hoàn thành chiếc đồng hồ, chủ yếu tập trung vào chế tác bảy hệ thống động cơ chỉ giờ và đánh chuông hoàn hảo nhất.
Bức họa chim ác là và hoa mai: Tranh lụa dệt được coi là hình thức hoàn mỹ nhất trong ngành lụa. Các sợi lụa nhuộm màu đan cài nhau tạo thành hình như ý. Với chiều dài 104 cm và chiều rộng 36 cm, bức tranh chim ác là và hoa mai được coi là điển hình của tranh lụa dệt thời Nam Tống.
Bình gốm men đỏ: Chiếc bình này được làm theo yêu cầu của Hoàng đế Khang Hi đời nhà thanh. Báu vật được đánh giá cao nhờ tay nghề tuyệt hảo của thợ và nguyên liệu quý hiếm. Lòng bình màu trắng và vỏ ngoài có lớp men dày màu đỏ đậm.
Bát vàng được dùng riêng cho Vua Càn Long (1735-1796) dưới thời nhà Thanh.
Bình Á Húc: Chiếc bình đồng hình lục giác này dùng để đựng rượu. Bình nặng 21,4 kg, rộng 38 cm và cao 45,5 cm. Bốn mặt đều có tay cầm được tạo hình đầu voi và trang trí bằng hình những động vật trong truyền thuyết. Thân bình có họa tiết rồng, thú vật và sấm sét.
Hồng Liên (t/h)