Nhìn lại Romania một thời khốn khổ dưới ách độc tài
Mãi đến năm 1989, chế độ độc tài Đông Âu bị lật đổ, người dân thế giới mới biết rõ ràng hơn về bộ mặt của tầng lớp chóp bu thao túng đất nước Romania hơn 40 năm.
Năm 1989 là thời điểm mà Chiến tranh Lạnh giữa Đông và Tây kết thúc, nhiều chế độ độc tài đàn áp người dân của Đông Âu bị lật đổ sau hơn 40 năm tồn tại.
Đây chính là một năm đầy những biến động lịch sử với niềm vui và sự kỳ vọng lớn lao. Trong đó, có những kỳ vọng đã trở thành hiện thực, nhưng một số khác thì không, đồng thời có những con người đã xuất hiện trong thời gian ngắn để rồi sau đó biến mất một cách đáng buồn.
Có lẽ hình ảnh đáng nhớ nhất ở thời điểm này chính là cảnh đám đông người dân nhảy múa và ăn mừng sau khi phá nát bức tường Berlin (một biểu tượng của sự đàn áp của cộng sản trên toàn thế giới) ngăn cách Đông Đức và Tây Đức từ năm 1961.
Bên cạnh đó còn có một số hình ảnh đáng nhớ khác, như đám đông người dân ở Prague, Tiệp Khắc đồng loạt lắc mạnh chiếc chìa khóa của mình tại quảng trường, gửi đến các nhà lãnh đạo cộng sản thông điệp rằng “Hãy để lại chìa khóa trên bàn và về nhà”, hay “Tạm biệt, bây giờ chúng tôi là người giữ chìa khóa để nắm quyền”. Xâu chìa khóa như một cách nhắc nhở quân đội Liên Xô còn chiếm đóng rằng, “đã đến giờ ra về, xin mời đi cho”. Và chìa khóa chính là biểu tượng để mở ra một thời đại mới cho Tiệp Khắc.
Ở Trung Quốc, những cuộc biểu tình rầm rộ nổ ra vì tham nhũng tràn lan trong hàng ngũ các quan chức đảng Cộng sản, nhưng cuối cùng nó kết thúc trong đau thương khi hàng ngàn sinh viên biểu tình tại quảng trường Thiên An Môn đã bị giết chết một cách man rợ dưới nòng súng và bánh xe tăng của quân đội của ĐCSTQ…
Nhưng ấn tượng nhất chính là cảnh nhà độc tài Romania – Nicolae Ceausescu cùng vợ ông bị đưa ra xét xử công khai và được truyền hình trực tiếp vào tháng 12.
Ceausescu đã cai trị Romania và đảng Cộng sản từ năm 1965.
Chỉ trong vài năm ngắn ngủi, ông đã nắm quyền kiểm soát mọi khía cạnh đời sống của đất nước Romania.
Suốt thời gian đó, nhà độc tài này và gia đình của mình đã giám sát chặt chẽ các phương tiện truyền thông đại chúng, quân đội, cảnh sát mật và kho bạc của đất nước.
Thực tế cho thấy Ceausescu đã lạm quyền để thu lợi từ hầu hết mọi người dân và mọi doanh nghiệp trong nước. Thứ thể hiện rõ nhất về sự tham lam và lạm quyền của ông chính là cung điện của nhà độc tài này. Nhưng buồn cười thay nó lại được gọi là “Cung điện Nhân dân”. Đến nay nó vẫn tồn tại như một lời nhắc nhở.
Theo bài viết năm 2014 của tờ CNN, cung điện này đã sử dụng thảm lót diện tích lên đến 200.000 m2, 1 triệu tấn đá cẩm thạch, 3,5 tấn pha lê. Nó được xem là công trình lớn thứ 3 trên thế giới sau kim tự tháp Aztec ở Teotihuaca. Thậm chí công trình này còn lớn hơn lầu Năm Góc.
Nhưng đây mới chỉ là một trong những dinh thự của Ceausescu. Nên nhớ rằng Romania không phải là một quốc gia giàu có gì, thậm chí ngày nay nước này cũng đang phải vật lộn tìm đường phát triển kinh tế.
Trong con mắt của Ceausescu, gia đình ông, và bộ máy quan liêu của đất nước, công nhân tồn tại là để cung cấp cuộc sống xa hoa cho họ. Trong khi đó, tầng lớp công nhân và nông dân phải luôn nghe những lời vô vị về “nhà nước của nhân dân”.
Nhưng kỳ lạ thay có một thời gian nhà độc tài này lại vô cùng nổi tiếng. Ceausescu giống như nhà lãnh đạo Tito ở Nam Tư, đã không đi theo đường lối của chính quyền ĐCS Liên Xô, thường xuyên giao dịch và viếng thăm phương Tây.
Nó cũng là lý do vì sao mà vào năm 1984, Romania là một trong 3 nước cộng sản duy nhất tham dự Thế Vận Hội Los Angeles bên cạnh Nam Tư và Trung Quốc.
Đến năm 1984, mặc dù danh tiếng của Ceausescu đã bị suy giảm, nhưng người dân vẫn yêu thích nhà lãnh đạo này vì ông tuyên bố rằng Romania sẽ đưa ra quyết định riêng của mình, trong khi ông chỉ cẩn thận không đi quá xa đường lối của Liên Xô.
Danh tiếng của Ceausescu bắt đầu suy giảm từ năm 1977, khi những thợ mỏ khai thác than ở Thung Lũng Jiu tổ chức đình công. Vào thời bấy giờ, than là một tài nguyên cực kỳ quan trọng của Romania, vì nó là một trong số ít mặt hàng có thể xuất khẩu ra nước ngoài.
Nhiều thợ mỏ từ các mỏ than khác cũng tập trung tại thung lũng giàu than này để tăng sức nặng cho những lời bất bình của họ.
Nguyên nhân dẫn đến cuộc đình công là do nước này vẫn đang sử dụng các thiết bị lỗi thời từ mấy chục năm trước, khiến vấn đề an toàn hầm mỏ rất đáng lo ngại. Những người thợ mỏ muốn được nâng cao bảo hộ lao động bằng các trang thiết bị hiện đại hơn, và nhận được dịch vụ chăm sóc y tế tốt hơn.
Mặt khác, những người thợ mỏ cũng phản đối mạnh mẽ các chính sách mới được ban hành để cắt giảm chi phí – nói cách khác, để thắt chặt túi tiền cho những ông chủ của họ.
Trong chính sách đó yêu cầu: kéo dài thời gian làm việc đến 8 giờ/ngày, chấm dứt trợ cấp tàn tật và tăng tuổi nghỉ hưu từ 50 lên 55 tuổi. Nếu bạn thấy chuyện này là bình thường thì hãy nhớ rằng hầu hết những người thợ mỏ Romania đến làm việc trong các mỏ than ở tuổi thiếu niên cho đến 55 tuổi theo như chính sách mới, nghĩa là họ phải làm việc trong một môi trường độc hại đến hơn 30 năm.
Một số vấn đề khác liên quan đến thợ mỏ cũng gây bức xúc như: Tiền lương của họ thấp hơn các quốc gia thuộc khối cộng sản khác, người thợ mỏ phải làm việc cả vào ngày Chủ Nhật, bị trả lương không đầy đủ và phải làm thêm giờ trong nhiều tháng. Đặc biệt, họ còn thường xuyên bị cắt giảm lương để không vượt hạn ngạch cho phép và thợ mỏ phải sống trong một điều kiện thiếu thốn, nghèo nàn.
Cuộc đình công bắt đầu diễn ra vào ngày 1/8/1977 với hàng chục nghìn thợ mỏ xuống đường biểu tình. Ngày hôm sau, các nhà lãnh đạo địa phương đã bị bắt làm con tin để gây sức ép buộc Ceasusescu phải đích thân đến gặp họ.
Những người thợ mỏ cho biết, thực tế vào thời điểm đó nhà lãnh đạo này đang đi nghỉ mát ở Biển Đen cùng với gia đình, chứ không hề có chuyến công vụ khẩn cấp nào.
Mặt khác, trong những ngày đầu cuộc đình công, đội cảnh sát mật của chính phủ đã bí mật theo dõi và trà trộn vào đám đông để thu thập thông tin. Họ đã dùng tên và hình ảnh giả để giả mạo thành thợ mỏ.
Cuối cùng ông Ceausescu cũng đến thung lũng Jiu vào ngày 3/8/1977. Đó cũng là lúc mà hàng chục điệp viên đang lẩn trong đám đông và hàng trăm cảnh sát an ninh có mặt ở ngoại ô thành phố đang sẵn sàng đợi lệnh. Khi này các kho vũ khí của địa phương cũng bị khóa lại để phòng ngừa trường hợp các thợ mỏ chiếm vũ khí tiến hành một cuộc cách mạng.
Khi Ceausescu đến, ông đã nghĩ rằng mình sẽ được chào đón nồng nhiệt. Nhưng lúc đứng trước micro, ông lại nhận được một danh sách yêu cầu trong khi đám đông thợ mỏ lên đến 30.000 người đang la hét ở bên dưới.
Nhà độc tài không quen với tình cảnh này và giọng đọc diễn văn của ông trở nên run rẩy, ngập ngừng. Trong bài diễn văn ông hứa hẹn sẽ giải quyết các yêu cầu của thợ mỏ, nhưng ông lại nói rằng: “Đây không phải là một cuộc đấu tranh,… mà đây là một sự ô nhục đối với quốc gia!”, theo Constantin Bobre, một nhà lãnh đạo của cuộc đình công.
Ceausescu khẳng định, thời gian làm việc sẽ giảm xuống 6 giờ/ngày, nhưng ông phải tham khảo ý kiến của các thành viên khác trong chính phủ. Ngay lập tức những người thợ mỏ hét vang: “6 giờ một ngày ngay ngày mai!”.
Sau khi bài phát biểu kết thúc, nhà độc tài Romania trở nên hoảng loạn hơn. Do đó, ông đã sử dụng đến biện pháp đe dọa: “Nếu các anh không quay trở lại làm việc, chúng tôi sẽ hành động không nhân nhượng!” nhưng điều đó không mấy hiệu quả.
Quá kiệt sức, Ceasuscu bắt đầu trao cho những người thợ mỏ nhiều lời hứa hẹn về thời gian làm việc, điều kiện sống và tìm kiếm những người phụ trách cho họ.
Ông cũng đồng ý công nhân sẽ được nghỉ vào ngày thứ Bảy và Chủ Nhật hàng tuần, và rằng chính phủ sẽ tạo ra thêm việc làm cho các gia đình của thợ mỏ.
Kết quả là một số yêu sách của thợ mỏ đã được đáp ứng, nhưng những người lãnh đạo của cuộc đình công thì bị bắt giữ. Nhiều người bi đưa đến các trại lao động trên kênh đào điển Đen hoặc các vùng đất khác để lao động khổ sai. Trong khi một số khác bị đưa đến các bệnh viện tâm thần và phải chịu sự tra tấn của các loại thuốc tâm thần.
Nhưng hình phạt tồi tệ nhất chỉ được tiết lộ sau năm 1989, khi các hồ sơ mật được công khai trước người dân.
Cụ thể hơn, trong cuốn sách năm 1997 mang tên “Eastern Europe in the 20th Century” (tạm dịch: Đông Âu trong thế kỷ 20) của giáo sư lịch sử Oxford – Richard Crampton đã trích dẫn nhiều tài liệu cho biết: Một số nhà lãnh đạo cuộc đình công đã được đưa đi “điều trị y tế”.
Họ đã bị chiếu tia X vào người trong 5 phút, khiến nhiều người mắc bệnh ung thư và chết dần chết mòn trong đau đớn. Đây thật sự là một hình phạt tàn ác và phi nhân đạo.
Cuối cùng, sau tất cả những điều tồi tệ mà mình đã làm, nhà độc tài Ceaususcu và vợ ông ta đã bị tử hình vào năm 1989.
>>> Vì sao Trung Quốc không tham dự World Cup lại phái đi nhiều ký giả?
>>> Sự thật đằng sau phương pháp trị bỏng ‘tuyệt vời’ của Trung Quốc
>>> Bí mật gì ẩn sau triển lãm cơ thể người tại Việt Nam?
Tú Văn, theo VTN