Nhiều trường TP.HCM đóng cửa vì dịch tay-chân-miệng
Trường đóng cửa, phụ huynh canh cánh nỗi lo
Trong tháng 7, hàng loạt trường mầm non ở TP.HCM phải tự nguyện đóng cửa vì dịch tay – chân – miệng bùng phát. Mới đây, tại quận 8 TP.HCM, một trẻ học tại trường mầm non đã tử vong, một trẻ học trường Vàng Anh đang nguy kịch, khiến nhiều trường mầm non tại quận này phải đóng cửa gấp để tránh bệnh lây lan mạnh. Đó là các trường: Sơn Ca, Bông Hồng, Bông Sen, Kim Đồng, Tuổi Ngọc, Thỏ Ngọc, Tuổi Hoa, Tuổi Thơ, Vàng Anh, 19/5… Dự kiến đến giữa tháng 8, quận 8 sẽ phải đóng cửa khoảng 30 trường mầm non công lập vì dịch bệnh này.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa nhiễm bệnh viện Nhi Đồng 1, khi các trường mầm non có trẻ mắc tay – chân – miệng nên cho trẻ nghỉ học 10 ngày để theo dõi và tránh lây lan cho trẻ khác.
Dịch bệnh tay – chân – miệng bùng phát khiến nhiều phụ huynh rất lo lắng |
Việc đóng cửa các trường mầm non khiến phụ huynh gặp nhiều khó khăn tìm chỗ gửi trẻ. Chị Vũ Bích Tâm, một phụ huynh tại quận 8 tỏ ra rất lo lắng trước tình trạng bùng phát bệnh dịch này, chị cho biết: “Ngay khi trường học của cháu đóng cửa, hai vợ chồng tôi đã phải luân phiên nghỉ làm ở nhà trông cháu vì không có chỗ gửi con. Nếu mà có chỗ gửi, vợ chồng tôi cũng không dám gửi vì sợ cháu bị lây bệnh”.
Anh Nguyễn Xuân Dũng có con 5 tuổi cho biết: “Bản thân gia đình rất chú ý về sức khỏe của cháu nên ngay sau khi dịch bệnh bùng phát, cả nhà đã giữ cháu lại ở nhà, không đi gửi trẻ. Hai vợ chồng cũng rất khó khăn khi phải sắp xếp thời gian, nhưng không còn cách nào khác”.
Bùng phát mạnh, số ca tử vong tăng
Theo thạc sĩ, bác sĩ Lê Hồng Nga, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, trong 6 tháng đầu năm, TP.HCM có hơn 4.680 bệnh nhân nhập viện, trong đó 20 ca tử vong. Theo nhận định của Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, tuy bệnh tay – chân – miệng đang có chiều hướng giảm, nhưng diễn biến vẫn rất phức tạp. Trong tháng 6, số ca mắc bệnh tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ tháng 7/2010, có 5 ca tử vong, một số quận huyện như quận 2, 8, 10, 11, Gò Vấp, Bình Tân không giảm số ca mắc bệnh trong tuần cuối tháng 6.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh: “tay – chân – miệng là bệnh theo mùa thường diễn ra 2 đợt trong năm. Đợt 1 kéo dài từ tháng 3 đến tháng 5, đợt 2 từ tháng 9 đến tháng 11. Tuy nhiên, đợt dịch năm nay không có dấu hiệu chững lại giữa 2 đợt bùng phát khi số ca nhập viện và tử vong của bệnh ngày càng tăng và số ca bệnh hoàn toàn có thể tăng đột biến trong thời gian sắp tới”.
Trẻ bệnh tay – chân – miệng phải nằm ra hành lang bệnh viện Nhi Đồng 1 vì bị quá tải |
Hiện nay, bệnh tay – chân – miệng xuất hiện thêm chủng virus mới là chủng virus EV 71. Đây là chủng đường ruột độc thể cao, gây biến chứng viêm màng não, suy tim… dẫn đến tử vong. Cho đến nay, bệnh chưa có thuốc phòng ngừa và chữa trị. Phương pháp điều trị cho trẻ chỉ là theo dõi diễn biến bệnh, hỗ trợ sức khỏe để cho trẻ tự khỏi bệnh và giảm thiểu khả năng biến chứng của trẻ.
Đây lại là bệnh rất dễ lây lan và đặc biệt nguy hiểm với những trẻ dưới 5 tuổi. Tỷ lệ biến chứng nặng của bệnh không cao nhưng diễn biến rất nhanh, khó lường. Vì vậy, bệnh cần được theo dõi và kiểm soát sâu sát.
Bà Lê Hồng Nga cho biết: bệnh rất dễ lây do trẻ trực tiếp tiếp xúc với sàn nhà, đồ chơi, bàn tay người lớn mang mầm bệnh. Vì vậy việc giữ gìn vệ sinh nhà cửa, thường xuyên tắm rửa vệ sinh cho trẻ, rửa tay trước khi chăm sóc trẻ, tuyệt đối không cho trẻ tiếp xúc với trẻ khác đang mắc bệnh là những cách phòng bệnh hiệu quả nhất giúp ngăn ngừa dịch bệnh. Hiện nay, các nước lau sàn trên thị trường không đảm bảo sát khuẩn trong phòng bệnh. Vì vậy, các phụ huynh nên tìm mua các sản phẩm lau sàn Sodium hypoclorit (nước Javel) hoặc các chất khử khuẩn Chloramin B được cấp phát ở trạm y tế địa phương để đảm bảo diệt khuẩn cho sàn nhà tốt nhất.
Đặng Sinh – Huệ Tâm
Theo Bưu Điện Việt Nam