Nhiều quốc gia đang điều tra TikTok vì thu thập dữ liệu người dùng trái quy định
Gần đây, TikTok, phiên bản nước ngoài của Douyin, nền tảng video ngắn của Trung Quốc đã bị các phương tiện truyền thông nước ngoài phát hiện ra rằng, TikTok đã lợi dụng sơ hở trong hệ điều hành Android để tránh né quy định bảo vệ quyền riêng tư của cửa hàng Google Play, bí mật thu thập địa chỉ MAC của người dùng trong 15 tháng.
Tờ “Wall Street Journal” vào ngày 11/8 đưa tin rằng, một cuộc điều tra gần đây đối với nhiều phiên bản của TikTok đã phát hiện ra rằng, mặc dù cửa hàng ứng dụng của Apple và cửa hàng Google Play cấm thu thập địa chỉ MAC của người dùng nhưng TikTok đã lợi dụng công nghệ mã hóa, qua mặt hệ điều hành Android cùng quy định bảo vệ quyền riêng tư để bí mật thu thập địa chỉ MAC của người dùng và gắn nó với dữ liệu khác.
TikTok đã không thông báo cho người dùng rằng nó đang thu thập thông tin, cũng như không cung cấp cho người dùng bất kỳ nút tùy chọn nào để từ chối. Cho đến tháng 11/2019, khi nhà Trắng bắt đầu xem xét kỹ lưỡng ByteDance (một công ty công nghệ internet đa quốc gia của Trung Quốc và là công ty mẹ của TikTok) thì ứng dụng này mới dừng lại việc thu thập.
Vương Đông Lâm, nguyên tổng thanh tra kỹ thuật của các công ty Internet ở Trung Quốc nói rằng: “Nó (Tik tok) khẳng định là phải có mục đích thương mại để mở rộng thị trường Bắc Mỹ, điều này là không thể phủ nhận, nhưng công ty mẹ của nó dù sao cũng là ở Trung Quốc và nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền Đảng cộng sản. Chương trình này bao gồm cả mã back-end cũng đều do công ty mẹ ở Trung Quốc cung cấp. Ngay cả dữ liệu được lưu trữ ở Hoa Kỳ cũng rất có thể được công ty mẹ Trung Quốc lấy và sau đó cung cấp cho Đảng Cộng sản”.
Báo cáo điều tra của tờ “Wall Street Journal” cũng phát hiện ra rằng, công ty mẹ của TikTok “ByteDance” sử dụng công nghệ mã hóa tùy chỉnh để gửi dữ liệu gói trở lại máy chủ và ẩn hầu hết dữ liệu người dùng trong một lớp mã hóa tùy chỉnh bổ sung.
Mã nhận dạng do TikTok thu thập được gọi là “địa chỉ MAC”, còn được coi là thông tin nhận dạng cá nhân. Trước đây chính phủ Hoa Kỳ đã bày tỏ lo ngại rằng dữ liệu người dùng có thể rơi vào tay chính quyền Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và được sử dụng để thiết lập chi tiết các hồ sơ cá nhân nhằm tống tiền hoặc hoạt động gián điệp.
Kim Thuần, kỹ sư tại Viện nghiên cứu Nam Kinh của Huawei nói rằng: “Mấu chốt là phải thu thập một lượng lớn dữ liệu. Mặc dù đối với mỗi một người mà nói, quyền riêng tư của từng người sẽ được tiết lộ một chút, nhưng sau khi thực hiện nhiều phép tính, chúng hoàn toàn có thể phân tích thông tin rất cặn kẽ, ăn cắp quyền riêng tư cá nhân và đe dọa sự an toàn của người Hoa ở nước ngoài, nó có thể thông qua các phương tiện truyền thông xã hội để tính toán ra mối quan hệ xã hội của từng người, thậm chí biết người dùng là thành viên của tổ chức nào rồi tiến hành xâm nhập theo kế hoạch”.
Thứ Năm tuần trước (13/8), Thượng viện Liên bang Hoa Kỳ đã bỏ phiếu nhất trí thông qua dự luật của Thượng nghị sĩ Josh Hawley, cấm nhân viên tạm thời của liên bang sử dụng TikTok trên các thiết bị do chính phủ cấp.
Mới đây, tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã ký hai lệnh hành pháp, quy định rằng sau 45 ngày, các công ty và người dân Mỹ sẽ bị cấm sử dụng TikTok và WeChat.
Một tài liệu của Nhà Trắng mà hãng thông tấn “Reuters” có được cho thấy, “lệnh cấm có thể bao gồm: Cấm mua quảng cáo từ TikTok, cấm xuất hiện trên App Store và cấm người dùng tải ứng dụng xuống thông qua điện thoại di động”.
Kim Thuần nói: “TikTok cũng bao gồm cái gọi là phương tiện truyền thông xã hội của Trung Quốc giống như WeChat. Nó chủ yếu phục vụ hình thái ý thức toàn cầu của ĐCSTQ. Nó có thể được sử dụng để phục vụ cho các dữ liệu lớn khác nhau, đặc biệt là phân tích vai trò cá nhân, tuổi tác của những người ở nước ngoài, sau đó tiến hành thúc đẩy sự việc chính xác, người nào có khả năng ủng hộ Biden, người nào có thể ghét Trump và gửi đi một số tin tức bạn muốn nghe, từ đó tạo ảnh hưởng đến cuộc bầu cử Hoa Kỳ. Đây là điều mà ĐCSTQ rất muốn làm và cũng khẳng định là sẽ làm”.
Kim Thuần, một kỹ sư tại Viện Nghiên cứu Nam Kinh của Huawei cho biết, nhiều ứng dụng phần mềm xã hội của Trung Quốc đang thu thập thông tin riêng tư của người dùng.
Kim Thuần nói thêm: “Ví dụ như WeChat, nó ghi lại địa điểm của tôi, nó có thể phán đoán tôi như thế nào, nó ghi lại 10.000 địa điểm mà tôi đi qua, về cơ bản nó có thể biết tôi là kiểu người nào, bao nhiêu tuổi, lối sống thế nào, nó đều có thể tính toán ra được, nó có thể thâm nhập một cách có mục đích và có thể hiện lên một số tin tức giả mà một người như tôi có thể tin theo”.
Hãng thông tấn “Reuters” đưa tin rằng, Ủy ban Quốc gia về Tin học và Tự do của Pháp (CNIL) đã cho biết vào ngày 11/8 rằng, họ đã bắt đầu điều tra về TikTok sau khi nhận được báo cáo của người dùng về TikTok vào tháng 5 năm nay.
Hiện tại, TikTok đã bị Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu và Hà Lan điều tra về các vấn đề quyền riêng tư. Cơ quan quản lý ở các nước châu Âu cũng đang chuẩn bị tiến hành điều tra ứng dụng này.
Minh Huy (Theo NTDTV)