Nguồn gốc và công dụng của vị thuốc có tên gọi “râu rồng”
Rồng là một trong tứ linh trong văn hóa phương Đông, nếu thực sự có được râu của rồng để chữa bệnh hẳn sẽ có phép màu. Hãy cùng tìm hiểu sâu hơn về tên gọi vị thuốc này.
Tương truyền thời xưa có một vị quan trong triều rất được vua sủng ái bỗng nhiên bị đau nhọt nặng. Vua liền cho cả ngự y đến thăm khám. Ngự y sau khi bắt bệnh liền tâu với vua rằng: “Muốn chữa khỏi bệnh cho vị quan này, phải có vị thuốc “râu rồng”, đem đốt lên cho uống và đắp bên ngoài”.
Vua nghe vậy, liền tự tay cắt râu của mình đưa cho quan ngự y đem đốt lên cho uống và nấu với các vị thuốc đắp lên vết ung nhọt của vị quan này. Quả nhiên chẳng bao lâu ông quan đã khỏi bệnh.
Như chúng ta biết, thời xưa rồng tượng trưng cho ngôi vua. Cái gì của vua cũng được gọi là “rồng”: mặt vua là mặt rồng (long nhan) và râu của vua cũng là “râu rồng” (long tu). Có được râu vua, một thứ rất qúy hiếm dùng làm thuốc chữa bệnh tất nhiên là một điều may mắn và “hiệu ứng tâm lý” trong quá trình chữa trị tất nhiên rất cao, song thực ra không phải chỉ có “râu vua”, mà râu của bất cứ một người khoẻ mạnh nào, cũng đều có thể dùng làm thuốc chữa bệnh. Và nếu không có râu thì dùng tóc thay thế cũng không kém tác dụng.
Trong Đông y có vị thuốc tên là “Huyết dư“, đó chính là râu hoặc tóc người. “Huyết dư” có nghĩa là “máu thừa”. Y gia thời xưa cho rằng móng tay, móng chân, râu, tóc đều là những phần “thừa” của máu, cho nên râu và tóc mới có tên như vậy.
Theo dược lý Đông y, về phương diện tính vị, quy kinh: Huyết dư có vị đắng, tính hơi ấm, không độc, đi vào các kinh Tâm, Can và Thận. Về công dụng: Huyết dư có tác dụng tiêu huyết ứ, cầm máu, dùng làm thuốc trấn kinh ở trẻ nhỏ; trên lâm sàng thường sử dụng để chữa các chứng lỵ, mụn nhọn lở loét, đậu mùa …
Tóc có thể “thu hoạch” quanh năm từ các hiệu cắt tóc. Khi lấy về dùng nước có xà phòng hoặc dung dịch kiềm rửa sạch, phơi khô, dự trữ để dùng dần. Nói chung, khi dùng tóc phải đốt cháy thành than, chỉ dùng sống khi chế các loại cao dán. Tóc sau khi đốt lên sẽ cho vị thuốc “Huyết dư thán” (than của tóc), dùng để chữa thổ huyết, máu cam, lỵ ra máu, đại tiểu tiện ra máu …
Trong tóc có các axit amin, như cystin, có tác dụng làm tăng sự lên da non, mau thành sẹo, giúp da tránh khỏi những tác dụng có hại của một số tia sáng … Cho nên thời xưa tóc là một thành phần quan trọng trong các loại cao dán. Thí dụ “Vạn ứng cao” – loại cao dán rất nổi tiếng của Đông y, trong đó “Huyết dư” là thành phần không thể thiếu, có tác dụng làm tan mụn nhọt, tiêu viêm, cầm máu, kích thích lên da non rất tốt.
Như vậy có thể thấy, trong chuyện vui kể trên, việc dùng “râu vua” đốt lên thành “Huyết dư thán” cho uống, và việc dùng “râu vua sống” nấu với các vị thuốc thành cao dán bên ngoài, để chữa nhọt cho ông quan là cách làm rất hợp với y lý và dược lý Đông y, và cũng phù hợp với quan điểm khoa học hiện đại. Chính vì vậy ông quan của chúng ta đã mau chóng khỏi bệnh.
Còn như xét về đạo làm vua thì có thể cho thấy đây là một vị minh quân, biết coi trọng hiền tài nên chẳng tiếc mấy sợi râu rồng để làm thuốc dẫn chữa bệnh cho bề tôi. Lẽ dĩ nhiên việc cắt một phần râu không ảnh hưởng đến “long thể” của mình và sau một thời gian sẽ mọc lại. Nhưng trên cương vị của một vị vua mà thể hiện nghĩa cử đó thì người bề tôi cũng sẽ hy sinh hết mình để phò tà chủ nhân của mình, há lại chẳng phải là liều thuốc tinh thần lớn lao để lấn áp cơn đau do cái nhọt bị viêm tấy. Dân giàu, đất nước thái bình hay không phụ thuộc nhiều vào những người trị vì đất nước.
Theo Đại Kỷ Nguyên