Người xưa sống trong quá khứ mà tỉnh, người nay sống trong hiện thực mà mê
Người Á Đông cổ xưa rất khác biệt so với người hiện đại. Nếu dùng ngôn từ ngày nay để miêu tả về những con người trong quá khứ, thì họ ai ai cũng đều có tư tưởng của riêng mình, rất nhiều người có chí hướng và hoài bão lớn, hơn nữa lại có lòng tự tin và chí tiến thủ, quả thật là có thể gây dựng nên cả một cơ đồ.
Đương nhiên thời cổ xưa cũng không phải đều là thịnh thế mà còn có rất nhiều binh biến loạn lạc, tuy nhiên trong cái loạn đó vẫn có rất nhiều người không bị sóng dữ cuốn trôi hay nhấn chìm, mà ngược lại vẫn giữ được tâm thái cần có. Và cũng có rất nhiều người có thể lội ngược dòng để tiến lên, cái gọi là “gian nguy mới biết ai trung thành”, chính là nói những người như vậy.
Vì thế khi tôi đọc được những câu chuyện về họ, không hẳn chỉ vì cảm thấy nó lôi cuốn, thôi thúc tôi đọc tiếp mà vì tôi nguyện ý muốn tìm hiểu. Điều gì đã khiến những con người cổ xưa khác biệt với chúng ta? Những câu hỏi này có lẽ còn quan trọng hơn chính bản thân câu chuyện.
Khi tôi đào sâu nghiên cứu, điều tôi thấy đó là người cổ xưa không chỉ sống trong thời họ đang sống, thực ra họ đang sống trong lịch sử, chỉ có điều phạm trù lịch sử này không giống nhau nên cũng quyết định đến sự lựa chọn và cấp độ cuộc sống của họ.
Người xưa là sống trong lịch sử của gia tộc
Phổ biến nhất là người cổ xưa thường rất coi trọng việc làm rạng danh tổ tiên, lễ tết cúng bái đều phải cúng tổ tiên. Đạt được thành tích gì đều bẩm báo với người đã khuất, làm việc xấu thì không còn mặt mũi nào gặp tổ tiên dưới suối vàng.
Người Trung Quốc cổ xưa cũng dựa vào việc này để giáo dục đời sau, không được làm chuyện có lỗi với tổ tiên. Cho dù là dân thường hay thiên tử cũng đều như nhau. Thiên tử phạm lỗi thì còn nghiêm trọng hơn cả thứ dân, đầu tiên là có lỗi với trời đất, sau đó là có lỗi với liệt tổ liệt tông.
Vì vậy có thể nói, người Trung Quốc cổ xưa đại đa số là sống trong lịch sử gia tộc của họ. Hoặc nói cách khác họ sống là vì muốn làm rạng danh tổ tiên, tạo phúc cho con cháu. Đương nhiên nói đến đây vẫn phải bổ sung một câu, rạng danh đây không phải là công danh lợi lộc hay quyền thế, mà là rạng danh về đạo đức.
Người xưa là sống trong lịch sử của cố hương
Vậy thì, còn có một kiểu người vượt qua cả lịch sử của một gia tộc, họ là những người sống trong lịch sử của một vùng đất quê hương rộng lớn.
Ví dụ như Hạng Vũ, thời gian xưng bá thiên hạ chính là lúc vinh quang nhất của cuộc đời ông. Hạng Vũ từng nói một câu: “Phú quý không trở về cố hương khác gì mặc áo gấm đi đêm”.
Khốn đốn nhất cuộc đời, là lúc Hạng Vũ chần chừ do dự không muốn vượt sông khi đứng bên bờ Ô Giang, ông lại nói: “Ta từng cùng tám ngàn con em Giang Đông vượt Trường Giang đi về hướng Tây, nay không còn lấy một người trở về. Dù cho các bậc cha anh ở Giang Đông thương ta, cho ta làm vương, ta cũng không còn mặt mũi nào mà nhìn họ nữa?”
Chẳng phải ngày nay mọi người vẫn nhắc đến “cảm giác tồn tại” hay sao?, nếu áp dụng vào câu nói trên, vậy thì “cảm giác tồn tại”, “cảm giác thuộc về” của Hạng Vũ là ở đâu? Đó chính là ở quê hương nước Sở của ông, cả con người và lịch sử của ông đều là ở chính nơi đó.
Người xưa là sống trong lịch sử của một triều đại
Vượt qua cả một gia tộc và vùng đất quê hương còn có một kiểu người, đó chính là người sống vì cả một triều đại.
Những người này cũng không nhiều, khi một triều đại đứng bên bờ sụp đổ, vẫn có những người kiên trì tới cùng, hầu hết trong lịch sử triều đại nào cũng có. Tôi chỉ muốn nói một câu rằng, chúng ta không nên, cũng không có tư cách dùng tư tưởng công danh lợi lộc để phê phán họ là trung thành một cách ngu ngốc, mà phải dùng một tấm lòng đạo đức để kính ngưỡng khí tiết của họ. Họ có thể làm được những điều này, là vì tấm lòng họ rất rộng mở, rộng tới nỗi có thể chứa được cả lịch sử, văn hóa, con người của một triều đại.
Người xưa là sống để tiếp diễn một nền văn minh
Còn có một kiểu người, họ thậm chí vượt qua cả thế tục, có thể nói họ chính là người ở một thế giới khác. Họ có thể là người tu đạo, hoặc có thể là người tu Phật, cũng có thể là cao nhân ẩn dật nào đó, cũng có thể là những người viết sách, vẽ tranh, chơi nhạc bị chôn vùi trong thời loạn thế.
Những gì họ bộc lộ, thể hiện là một loại cảnh giới tinh thần khác, phạm trù lịch sử mà họ chất chứa trong lòng là vô cùng to lớn, vượt qua cả gia tộc, quê hương, triều đại. Họ tồn tại là vì chúng sinh, hoặc là để kéo dài nền văn minh.
Ví dụ như Khổng Tử chính là người như vậy, ông là người thời Xuân Thu, nhưng ông sống trong lịch sử của ba triều đại, ông tồn tại là để tiếp diễn nền văn minh đó. Nếu không có tấm lòng và khí phách cao thượng, thì làm sao ông vẫn có thể bình thản đàn ca múa hát trong khi bị người Khuông giam cầm.
Còn bây giờ hầu hết những người hiện đại sống ở đâu?
Người hiện đại chính là sống trong cái gọi là “hiện thực”, thậm chí là “hiện thực” của một khoảnh khắc mà thôi. Họ không sẵn sàng sống cho nhiều hơn dù chỉ thêm 1 bước. Vì thế mới có người can tâm tình nguyện sống một cuộc đời mơ mơ màng màng như một kẻ say.
Con người ngày nay phần lớn đều đang sống trong một xã hội mà ai ai cũng hẹp hòi ích kỷ, vậy thì xã hội đó sẽ trở nên vô cùng đáng sợ. Vậy đáng sợ thế nào? Hãy nhìn Trung Quốc đại lục ngày này, hàng nông sản ngậm đầy chất độc, giả dối ranh ma, tranh giành đấu đá lẫn nhau, đâu đâu cũng là đáng sợ như vậy đó.
Mặc dù hiện thực có đôi lúc u tối, thậm chí là hung ác, nhưng trong cái ‘hiện thực’ đáng buồn này, tôi cũng gặp được một vài người vẫn kiên trì giữ được chính nghĩa và sự lương tri trong sự bức hại tàn khốc. Họ đã hy sinh thân mình để làm trụ đá giữa dòng nước lũ cuồn cuộn. Họ đương nhiên không phải sống vì một triều đại, và cũng sớm đã vượt qua cả phạm vi về gia đình, quê hương. Tôi nghĩ họ là những người sống vì hạnh phúc của chúng sinh và để tiếp nối nền văn minh mới, họ sống trong cả quá khứ và tương lai. Đó chính là một loại cảnh giới.
Cảnh giới của một sinh mệnh sẽ quyết định trách nhiệm phải gánh vác của sinh mệnh đó. Vì thế họ mới có thể chống đỡ được trước những áp lực to lớn, gánh vác mọi bi ai thống khổ khôn cùng, dũng cảm nhận trách nhiệm, và đảm đương mọi trọng trách.
Mặc dù lịch sử dài đằng đẵng, nhưng chẳng phải cũng đã đi qua 5.000 năm rồi đó sao, vậy thì đâu có gì gọi là “xa xôi”. Trong dòng chảy lịch sử đó, để đi được đến ngày hôm nay thật chẳng hề dễ dàng, cứ đọc những câu chuyện của người xưa là hiểu. Vì thế bước tới hiện tại, trong sự rối ren và phức tạp của xã hội, chúng ta của ngày hôm nay còn có lý do gì để không tiếp tục bước tiếp và đột phá.
Cổ nhân có câu “Tương vong vu đạo thuật, tương vong vu giang hồ”, nghĩa là cảnh giới phải khoáng đạt phải cao xa, không nên tồn tại vì chấp niệm và thành kiến, phải hiểu vì sao phải sống và sống như thế nào.
Thực ra, đây không phải là cố chấp hay suy nghĩ chủ quan, mà gốc rễ chính là chân tướng của sinh mệnh, nó tồn tại song song với lịch sử và tương lai. Sinh mệnh chính là sứ mệnh, chỉ có thấu hiểu sự thật, khiến cái tôi chân chính sống lại trong lịch sử hùng vĩ và tương lai vĩnh hằng, vậy thì mới có thể không bị lầm đường lạc lối, mới không hổ thẹn với sứ mệnh, mới có thể thông suốt thấu đáo mọi điều, chứng minh sự chân thật của sinh mệnh.
Tác giả: Tống Tử Phượng
(Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả, không nhất thiết thể hiện quan điểm của BBT Tinhhoa.net)
Chúc Di (Theo Secretchina)