Người Nepal biểu tình tại thủ đô Kathmandu vì thiếu lương thực và xe về nhà
Hàng trăm người dân Nepal đã tới biểu tình trước tòa nhà quốc hội ở thủ đô Kathmandu hôm Thứ Tư (29/4), vì không thể trở về với gia đình trong khi các kho dự trữ cũng đang dần cạn kiệt khiến họ giận dữ và tuyệt vọng.
Ngày 29/4, khoảng 200 người Nepal hô khẩu hiệu phản đối chính quyền trong cuộc biểu tình tại thủ đô Kathmandu. Họ cho rằng giới chức đã cứu trợ chậm trễ và không đầy đủ.
Tuyệt vọng tìm cách trở về với người thân đang bị mắc kẹt tại những vùng hẻo lánh, hàng nghìn người đã tập trung bên ngoài các bến xe khách lớn tại thủ đô từ trước khi trời sáng, sau khi chính phủ cam kết cung cấp dịch vụ đặc biệt đưa người dân về nhà tại vùng sâu vùng xa.
Tuy nhiên, số xe khách không thể đáp ứng đủ nhu cầu khiến đám đông trở nên giận dữ, hàng trăm người biểu tình trước tòa nhà quốc hội, dẫn đến xung đột giữa đám đông với lực lượng cảnh sát chống bạo động.
Người biểu tình yêu cầu chính phủ tăng cường viện trợ và lượng xe tới các vùng hẻo lánh bị ảnh hưởng nặng nề trong trận động đất. Nhiều người đã mất liên lạc với người thân do hệ thống thông tin bị tê liệt.
Một số người biểu tình còn chặn cướp một xe tải chở nước uống ngay trên đường. Nhiều đối tượng quá khích cầm theo gậy tràn vào các con phố, tấn công các xe khách và nhiều phương tiện khác.
Trong khi đó, Chính phủ Nepal thừa nhận sự yếu kém trong việc tiến hành các chiến dịch giảm nhẹ thiên tai. Bộ trưởng Truyền thông Nepal là Minendra Rijal nhấn mạnh, thảm họa vừa xảy ra là quá lớn và không thể lường trước, chính phủ đã không thể đáp ứng kỳ vọng của người dân song cam kết sẽ khắc phục vấn đề này từ ngày 29/4.
Ngày 29/4, hơn 100 người leo núi trong đó có hàng chục người nước ngoài đã được giải cứu tại một vùng hồ đóng băng ở Công viên quốc gia Langtang của Nepal.
Theo giới chức, những người bị mắc kẹt này đã được đưa tới Dhunche, thủ phủ quận Rasuwa, và đang được sắp xếp để bay trở lại Kathmandu, cách đó 45,5km.
Khoảng 5.057 người đã thiệt mạng, 8.000 người bị thương và ước tính 8 triệu người bị ảnh hưởng trong trận động đất mạnh nhất suốt 8 thập kỷ qua ở Nepal.
Thủ tướng nước này Sushil Koirala cảnh báo số nạn nhân thiệt mạng do thảm họa này có thể tăng tới hơn 10.000, vượt qua con số 8.500 người trong trận động đất kinh hoàng năm 1934 tại Nepal.
Cho tới nay, Ấn Độ, Mỹ, Trung Quốc và Israel đã điều trực thăng chở hàng viện trợ tới các vùng núi hẻo lánh bị ảnh hưởng sau trận động đất kinh hoàng vừa qua.
Trong khi đó, Bỉ, Phillippines cũng đều cử phái đoàn nhân viên cứu trợ tới Nepal nhằm hỗ trợ y tế và công tác tìm kiếm những người mất tích trong vụ động đất ngày 25/4.
Tuy nhiên, theo một diễn biến khác, chính phủ nước này đã từ chối lực lượng và khoản cứu trợ từ Đài Loan, nguyên nhân được cho là do áp lực từ Trung Quốc.
Theo VNE, VN+