Người dùng bức xúc trước hoạt động tiếp thị qua điện thoại
Chưa bao giờ bán hàng qua điện thoại gây phản cảm, thậm chí sợ hãi như hiện nay do tần suất cuộc gọi dày đặc, bất kể giờ giấc.
Nhiều người tìm mọi cách đối phó vẫn không thể thoát khỏi việc bị làm phiền.
Hiện tiếp thị bảo hiểm, bất động sản, thẻ tín dụng, cho vay tiêu dùng… đang đứng đầu danh sách tiếp thị qua điện thoại.
“Tôi không biết sản phẩm và thương hiệu của quý vị tốt đến mức nào, nhưng cách tiếp thị của đại lý công ty hiện tại đã gây dị ứng cho tôi”, Anh N.M.S.
Gọi bất kể giờ giấc
Chỉ trong ngày 10/12, chị Loan (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) thống kê nhận 11 tin nhắn quảng cáo chủ yếu từ các dự án bất động sản và khoảng 5 cuộc gọi từ bảo hiểm, thẻ tín dụng, căn hộ cao cấp.
“Tôi thử lưu các tin nhắn quảng cáo từ đầu tháng 12 tới nay mới chỉ 10 ngày mà tổng cộng đã có đến 73 tin nhắn quảng cáo các loại. Trong đó nhiều nhất là mời mua căn hộ, đất nền, cho vay tín chấp và xe hơi”, chị Loan bức xúc.
Anh Đào Bá Đoàn – nhân viên Công ty Yasuda Việt Nam, đưa ra điện thoại với hàng dài những tin nhắn rác, quảng cáo mua bất động sản.
“Dù đã nói là không có nhu cầu mua bảo hiểm, dặn làm ơn không gọi nữa thì hôm sau lại có người gọi đến và y chang bài cũ, rất mệt mỏi”, anh Đoàn than thở.
Hầu hết “nạn nhân” đều cảm thấy ức chế vì đa số nhân viên bán hàng qua điện thoại không cần biết đến tâm trạng của người nghe, liên tục đeo bám sao cho đạt được mục đích.
Anh Nguyễn Lê Tú, nhân viên văn phòng tại Q.1, kể rằng dù anh đã từ chối nhưng vẫn nhận được thư mời tham dự hội nghị chăm sóc sức khỏe của một công ty bảo hiểm. Công ty này còn cử người liên tục gọi thăm dò.
“Mỗi lúc một người gọi, phải nói thiệt là muốn nổi khùng”, anh Tú chia sẻ.
Điều gây bức xúc nhất là họ bị gọi lúc đang lái xe, ngủ trưa, ăn cơm.
Viết thư yêu cầu chấm dứt
Trước những bức xúc này, anh N.M.S., Giám đốc một chi nhánh ngân hàng, đã gửi thư yêu cầu chấm dứt tình trạng tiếp thị qua điện thoại đến một công ty bảo hiểm của Nhật Bản.
“Bình quân một năm tôi nhận hơn cả trăm cuộc gọi. Ban đầu tôi còn lịch sự từ chối, nhưng bây giờ chỉ nghe tên thương hiệu của quý vị là tôi cúp máy. Tôi chia sẻ với những người thân, bạn bè và cả trên Facebook cá nhân thì đều nhận được phản ảnh tương tự, nếu không muốn dùng từ là “bị khủng bố” điện thoại. Tôi không biết sản phẩm và thương hiệu của quý vị tốt đến mức nào, nhưng cách tiếp thị của đại lý công ty hiện tại đã gây dị ứng cho tôi”, mở đầu thư anh N.M.S. viết.
Do làm trong ngành tài chính, anh S. nói anh hiểu những khó khăn cũng như áp lực chỉ tiêu kinh doanh của các nhân viên, đại lý bảo hiểm. Tuy nhiên theo anh S., việc không kiểm soát để đại lý và nhân viên điện thoại làm phiền đến khách hàng như vậy là hoàn toàn có phản ứng ngược với định hướng kinh doanh.
“Tôi tha thiết đề nghị quý vị yêu cầu các đại lý hoặc nhân viên điện thoại bỏ tên và số điện thoại của tôi ra khỏi danh sách tiếp thị. Tôi sẽ phát động và kêu gọi tẩy chay nếu còn gọi điện thoại cho tôi” , anh S. viết trong thư.
Sau đó, chính hãng bảo hiểm D phải gửi thư xin lỗi anh S. và hứa có biện pháp kịp thời chấn chỉnh các hoạt động gọi điện chào mời để những trường hợp làm phiền với anh S. không còn xảy ra nữa.
Sau khi phản ứng quyết liệt, anh S. không còn bị hãng bảo hiểm trên tìm đến nữa.
Chỉ tiêu 60 cuộc/ngày
Đa số những người từng làm nghề bán hàng qua điện thoại (telesale) là sinh viên mới ra trường, chưa kiếm được công việc phù hợp và khi thoát ra được công việc này, họ đều nhìn lại với nỗi ám ảnh “phải quấy rầy người khác”.
Chị Thanh (26 tuổi, từng là nhân viên bán hàng qua điện thoại cho một công ty chuyên về thẻ dịch vụ khách sạn) cho biết để làm công việc này, chị trải qua hai tuần huấn luyện. Hằng ngày, người quản lý sẽ đưa chị một danh bạ điện thoại lấy được từ các showroom xe hơi, cửa hàng thời trang cao cấp nào đó… và cô sẽ rà từ danh bạ này và gọi.
“Trong phòng có hơn 10 nhân viên, mỗi người đều nhận được một danh bạ như vậy nên việc gọi trùng nhau là chuyện rất bình thường, chưa kể khi hết một vòng thì quay lại từ đầu”, chị Thanh nói.
Ngoài việc thúc ép nhân viên theo giờ, các công ty này còn đánh giá hiệu quả công việc bằng doanh số. Muốn doanh số cao phải gọi điện nhiều nên dù biết rất ảnh hưởng đến người khác nhưng nhân viên vẫn phải miệt mài gọi.
“Theo quy định không được gọi giờ nghỉ trưa, nhưng 13h30 là chúng tôi phải vào làm, biết phiền vẫn cứ gọi vì quản lý liên tục thúc”, chị Thanh nói. Hầu hết nhân viên bán hàng đều trải qua huấn luyện về nghệ thuật giao tiếp qua điện thoại, cách nói chuyện, thông tin sản phẩm sẽ bán… trước khi cho thực hành nhưng không phải tất cả đều được tuân thủ trong quá trình thực hiện.
Tuy vậy, điều làm chị Thanh phải chuyển công việc khác là sự lập lờ chất lượng sản phẩm mà mình đang bán. “Chúng tôi được tập huấn là sản phẩm rất tốt, nhiều tiện ích… nhưng khi gọi điện có người giận dữ nói sản phẩm chúng tôi không như quảng cáo, lừa đảo… Hỏi lại người quản lý thì họ nói sẽ làm việc với khách”, chị Thanh nói.
Hiện nay một số ngân hàng (NH) phát triển đội telesale khá mạnh.
Với đội quân thuê ngoài, họ được ủy quyền nhân danh tổ chức thuê để bán hàng. Khi khách hàng đồng ý mua sẽ chuyển sang bộ phận chuyên tư vấn của NH.
Cũng một vị giám đốc hoạt động trong lĩnh vực này, khoảng 12 năm trước SMS là kênh bán hàng rất tốt, NH chỉ cần nhắn một tin là sáng hôm sau lượng khách hàng tăng vọt, nhưng sau đó loại hình này phát triển tràn lan nên khách hàng cảm thấy phản cảm.
Theo tuoitre