Người đàn ông 20 năm sửa chữa, tặng giày dép cho người nghèo: ‘Làm việc tốt phải làm bằng tất cả tấm lòng’
Hơn 20 năm nay, anh Tuấn vẫn duy trì việc sửa chữa giày, dép miễn phí cho những hoàn cảnh khó khăn. Anh tâm sự rằng đến giờ bản thân cũng không nhớ nổi đã sửa giúp cho những người nghèo, người khó khăn bao nhiêu đôi giày, đôi dép. Anh chỉ nhớ mỗi lần thấy họ nhận lại từ anh đôi giày chiếc dép cũ thì mắt lại ánh lên niềm hạnh phúc khiến anh vui lây.
Chia sẻ trên báo Gia đình và Xã hội, anh Huỳnh Thanh Tuấn (45 tuổi, ngụ quận 3, TP.HCM) kể, ngày còn nhỏ, anh học kém quá, lại mong sớm được đi làm giúp đỡ gia đình và nuôi sống bản thân nên đã xin cha mẹ được nghỉ học để theo nghề sửa chữa giày dép.
Nghề sửa chữa giày dép
Lúc mới học nghề, anh ngồi ngoài vỉa hè sửa giày cho khách thường thấy những người bán vé số, đạp xích lô, chở hàng trên xe ba gác… đi những đôi dép mòn và mỏng gần như lưỡi dao lam, tưởng có thể đem đi cạo râu luôn được.
Anh hiểu rằng vào thời điểm ấy, việc mua được một đôi giày để mang đối với những người lao động nghèo khó là cả một vấn đề, họ thậm chí không đủ tiền để mua đôi giày, đôi dép mới, nên anh đã tự nhủ với lòng rằng sau này học được nghề, sẽ sửa giày, dép miễn phí cho họ, để giúp họ một phần nhỏ trong cuộc sống.
Năm 2000, song song với công việc kiếm cơm, anh Tuấn bắt đầu sửa chữa miễn phí giày dép cho người nghèo. “Ra nghề được 1, 2 năm là tôi nhận sửa giày dép cho người nghèo, người bán vé số, hoàn cảnh khó khăn hay người khuyết tật luôn”, anh Tuấn nhớ lại.
Anh kể, lúc mới nhận sửa cho người nghèo, người khuyết tật anh thấy rất vui. Mọi người đến sửa rất đông, anh cũng dặn những người này là nếu có bạn bị hư giày dép thì cứ mang đến anh sửa miễn phí cho, đừng ngại.
Nhiều người sau đó quay lại cho anh ít trái cây, tờ vé số như lời cảm ơn, dù anh không muốn nhận nhưng biết đó là tấm lòng của mọi người nên vẫn nhận cho họ vui, bởi đó cũng như một lời cảm ơn mà người ta dành cho mình.
Công việc sửa chữa giày tuy không dư dả nhưng cũng đủ giúp anh Tuấn trang trải cuộc sống gia đình, nuôi con cái ăn học. Để giúp những người có hoàn cảnh khó khăn, anh Tuấn hay nhận những đôi giày hư cũ của người khác cho, sửa lại rồi để trên bàn nơi làm việc, ai cần thì anh sẽ gửi tặng.
‘Làm việc tốt phải làm bằng tất cả tấm lòng’
Cuộc sống của anh Tuấn cứ thế bình dị trôi qua ngày, thoắt cái mà đã hơn 20 năm, con gái anh giờ đã 16 – 17 tuổi, em rất ngoan và thương bố, những lúc không phải đi học, em còn đi làm thêm phụ giúp gia đình.
Về phần anh Tuấn, anh vẫn duy trì việc sửa chữa giày, dép miễn phí cho những hoàn cảnh khó khăn. Anh tâm sự rằng đến giờ bản thân cũng không nhớ nổi đã sửa giúp cho những người nghèo, người khó khăn bao nhiêu đôi giày, đôi dép. Anh chỉ nhớ mỗi lần nhận lại từ anh đôi giày chiếc dép cũ thì niềm hạnh phúc lại ánh lên trong mắt họ, điều ấy khiến anh cũng vui lây.
Anh Tuấn nói, những người bán hàng rong, đạp xích lô, bán vé số tùy người sẽ mang những đôi khác nhau, có đôi bị sứt quai, có đôi bị mòn đế… Với những đôi còn dùng được, anh luôn cố gắng sửa để họ có thể tiếp tục sử dụng, với những đôi hư hỏng quá nặng, không thể khắc phục, anh khuyên họ cố gắng mua đôi mới. Hoặc nếu tìm được đôi nào phù hợp trong số giày dép cũ mà anh được khách gửi tặng trước đó, anh sẽ tặng lại cho họ.
Anh tâm sự: “Khi nhận từ tôi đôi giày vừa được sửa chữa, có thể tiếp tục sử dụng, họ vui lắm. Nhìn thấy họ vui, tôi cũng vui.
Nhiều khi sửa đôi giày cho người nghèo mà tôi buồn, xúc động muốn rơi nước mắt. Những đôi giày, dép đó cũ quá rồi, nếu là người khác chắc họ vứt bỏ từ lâu. Nhưng họ không có tiền để mua đôi mới nên cứ cố sửa mãi để mang.”
Cũng chính vì thế mà anh luôn dặn bản thân rằng mỗi khi sửa giày dép miễn phí cho người nghèo, người khó khăn phải làm bằng tất cả tâm huyết. Làm việc tốt là phải làm bằng tất cả tấm lòng. Những lần sửa như vậy phải thật trân trọng vì những người khó khăn ấy đều đi những đôi giày, đôi dép đó hàng ngày, họ nhờ nó để kiếm sống…
‘Niềm vui của mọi người chính là món quà vô giá đối với tôi’
Sau hơn 20 năm lăn lộn với nghề, giờ anh Tuấn chỉ cần nhìn sơ qua là biết giày này dành cho môn thể thao nào, có thể định giá và phân biệt được hàng thật hay giả. Không những thế, anh Tuấn còn có các học trò và truyền dạy nghề sửa chữa giày dép cho các em một cách tận tình.
Học trò của anh mỗi người có những hoàn cảnh éo le khác nhau. Anh luôn dạy đạo đức, cách làm người trước rồi mới dạy nghề.
Anh kể rằng hồi xưa anh nhận nhiều học trò lắm, hoàn cảnh đứa thì nghèo, đứa thì bỏ học, đứa thì gia đình ly tán, mẹ tù tội, anh nhận học trò đều là dạy miễn phí, có khi còn phải cho các em thêm tiền.
Với anh Tuấn, đây là một công việc vô cùng ý nghĩa bởi nó không chỉ mang lại cho anh thu nhập mà còn mang lại niềm vui cho những người nghèo, người khuyết tật khi họ có những đôi giày lành lặn để đi.
Và chính những niềm vui trên những khuôn mặt khắc khổ ấy cũng khiến anh thấy ấm áp, thấy cuộc sống mỗi ngày có ý nghĩa hơn, anh cảm nhận rằng những niềm vui của mọi người chính là món quà vô giá đối với anh.
Yên Yên (t/h)