​Nghịch lý giá thịt heo: Ai đang thu lợi nhiều nhất?

28/04/17, 08:46 Kinh tế

Giá heo hơi bán tại trang trại hiện thấp nhất trong lịch sử khiến người nuôi thua lỗ, phá sản, thế nhưng giá thịt heo bán lẻ đến tay người tiêu dùng chỉ giảm nhẹ hoặc không giảm. Ai đang thu lợi nhiều nhất?

Người tiêu dùng đang bị móc túi quá nhiều, do miếng thịt đi qua nhiều khâu trung gian. (Ảnh: tieudung24h)

Mua một, bán cao 2-3 lần

Mới mấy ngày trước giá heo hơi còn ở mức 20.000 -25.000 đồng/kg nhưng đến ngày 26/4, giá tiếp tục rớt thê thảm hơn. Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết giá heo có nơi chỉ bán được 15.000-20.000 đồng/kg tùy loại, giảm khoảng 60% so với cùng kỳ năm 2016.

Ông Võ Việt Dũng, Chủ tịch HĐQT Cty CP Tập đoàn chế biến thực phẩm Nam Hà Nội, đơn vị đang xây dựng liên kết theo chuỗi cho biết, “Ngay tại thủ phủ chăn nuôi heo ở miền Bắc là vùng  Ngọc Lũ (Hà Nam), hiện heo loại 1,4-1,5 tạ/con còn nhiều và bán 1,5 triệu đồng/con (tức khoảng 10.000 đồng/kg hơi) cũng không bán được. Giá thịt heo của Việt Nam đang thấp nhất thế giới rồi”, ông Dũng nói.

Giá heo hơi rớt thê thảm là vậy, nhưng thịt heo bán lẻ đến tay người tiêu dùng chỉ giảm nhẹ hoặc không giảm. Theo khảo sát tại chợ (Hai Bà Trưng, Hà Nội), chợ Cầu Giấy, Đồng Xa… thịt nạc thăn vẫn bán giá 80.000 đồng/kg; ba chỉ 75.000 đồng/kg; sườn giá 90.000 đồng/kg. Tại siêu thị Fivimart Lò Đúc, giá thịt nạc xay 109.000 đồng/kg; thịt mông sấn 95.000 đồng/kg; nạc vai 109.000 đồng/kg; móng giò 70.000 đồng/kg.

 

Lý giải vấn đề trên, chị Lê Thị Liên, chủ một lò mổ heo tại Đông Anh (Hà Nội) cho rằng, giá thịt cao là do qua nhiều cầu trung gian. Theo chị, giá heo hơi lò mua tại trang trại 15.000- 20.000 đồng/kg, tùy thuộc chất lượng thịt (tỷ lệ mỡ ít hay nhiều).

Sau khi giết mổ, một con heo trung bình 100kg, còn khoảng 75 – 80 kg thịt. Giá bán móc hàm (lợn cả con, bỏ phần nội tạng) là 35.000 đồng/kg. Giá heo thấp, người nuôi không đủ tiền mua thức ăn, đa số heo đều bán khi đói nên tỷ lệ thịt móc hàm đạt cao.

“Một con heo mua khoảng 1,8-2 triệu đồng, sau khi giết mổ, tôi nhập cho tiểu thương chợ đầu mối khoảng 3 triệu đồng. Trừ tiền xăng, phí vào chợ (2 -3 triệu đồng/tháng/xe, tùy vào các chợ đầu mối), phí điện nước cho lò mổ, mỗi con heo lãi 250.000- 300.000 đồng”, chị Liên cho biết.

Tuy nhiên, thịt móc hàm của lò mổ chị Liên sau khi bán tại chợ đầu mối Minh Khai (Hà Nội), tiểu thương bán lẻ mua về bán thịt khoảng 5-5,5  triệu đồng, thu lợi 1,5-2 triệu đồng/con heo. Đây là khâu kiếm lợi nhuận cao nhất vì người bán lẻ chỉ tốn ít chi phí vận chuyển, công pha thịt.

Trong khi chị Nguyễn Thị Nhung, tiểu thương bán thịt tại chợ Cầu Giấy (Hà Nội)cho biết, “tiền thuê quầy hàng, xăng xe…mỗi tháng hết 6-7 triệu đồng. Hơn nữa, chúng tôi bán dựa theo giá lấy của quầy hàng chợ đầu mối. Họ không giảm, chúng tôi không dám hạ giá vì không đủ bù chi phí”.

Vì sao siêu thị “một mình một chợ”?

Nhiều siêu thị cho rằng giá bán lẻ cao bởi giá thịt heo đầu vào từ các nhà cung cấp lớn không giảm nhiều. Hơn nữa giá được ký hợp đồng từ trước thời điểm giá heo chưa giảm sâu và hệ thống siêu thị thường thanh toán trả chậm từ 1-2 tháng nên bị tính vào giá thành cả chi phí lãi suất.

Ông Bùi Mạnh Hải, Giám đốc Lotte Mart Đống Đa (Hà Nội) nói, “chẳng hạn vào mùa Tết hay bão lũ, giá siêu thị vẫn ổn định dù giá ngoài thị trường tăng cao. Tất nhiên, thị trường xuống sâu quá, siêu thị cũng không thể giảm ngay được, vì còn có những thoả thuận khác với nhà cung cấp”.

Có hay không đơn vị trung gian đẩy giá heo bán lẻ tăng cao, ông Hải phân tích: “Câu chuyện khâu trung gian ăn quá nhiều là có thật vì ông nọ bán cho ông kia. Vì vậy, khi thịt giảm giá bao giờ người nông dân cũng thiệt thòi nhất”.

Theo ông Hải, nếu nông dân, hay hợp tác xã bán trực tiếp cho siêu thị sẽ có giá cao hơn và ngược lại, siêu thị mua được nông dân với giá gốc, sẽ bán cho người tiêu dùng rẻ hơn.

Nhìn nhận vấn đề trên, đại diện Metro Thăng Long cho rằng, ai cũng xác nhận được nguyên nhân giá heo bán lẻ vẫn cao là do khâu trung gian, nhưng mọi giải pháp đưa ra chưa giải quyết được tận gốc.

Theo ông, vấn đề quy hoạch trong nông nghiệp ở Việt Nam bao nhiêu năm nay vẫn bị như thế. “Chừng nào mình làm được đối tác đầu ra tin cậy, chẳng hạn bán cho Trung Quốc cũng phải có đầu mối thu gom, kế hoạch đoàng hoàng, tin cậy chứ không phải kiểu đang mua, lại dừng một cái thì mình chết”.

Đại diện Metro Thăng Long cũng cho rằng, “bà con nếu thấy giá đang tốt, không nên tăng sản lượng một cách mù quáng vì mình biết mình bán được bao nhiêu. Các trang trại tăng đàn kinh khủng, mỗi trang trại hàng nghìn con sẽ làm cho tổng số heo như vậy. Nhưng giá nó xuống đến mức thế này nằm trong mơ cũng không ai nghĩ đến”.

Cần tổ chức lại thị trường

Ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho rằng, giá heo hơi xuống thấp, trong khi giá thịt tại chợ, siêu thị vẫn cao là do việc điều tiết hệ thống thương mại, nhất là khâu trung gian chưa bài bản.

Theo ông Vân, trong chuỗi chăn nuôi heo, nông dân chỉ được hưởng lợi nhuận khoảng 11,6 %, trong khi khâu thương mại đã lên tới 27%. Với giá heo hơi hiện nay, khâu trung gian lại càng có lãi cao. Thậm chí, nếu không kiểm soát tốt, thì hệ thống này có thể quay lại ép chết tiếp nông dân.

PGS.TS Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng cũng cho rằng, khâu tổ chức thị trường chưa tốt, người sản xuất và người tiêu dùng đều bị thiệt. Hậu quả từng xảy ra là dưa hấu, hành tím, khoai tây nay đến thịt heo… cứ được mùa rồi lại rớt giá thê thảm.

Theo bà An, vấn đề lớn đối với ngành nông nghiệp hiện nay là dù định hướng đã có nhưng khâu tổ chức, thực hiện kém. Cần rà soát lại việc tổ chức sản xuất nông nghiệp, áp dụng công nghệ cao. Ngoài ra, cần tổ chức lại thị trường, quản đầu ra thật tốt cho sản phẩm của bà con nông dân, doanh nghiệp, giảm bớt, thậm chí là triệt tiêu khâu “ăn chặn” của thương lái.

“Nhà nước phải hỗ trợ tối đa, các ngân hàng và nhà khoa học cùng vào cuộc để tháo gỡ khó khăn cho bà con. Đặc biệt, lãnh đạo Bộ NN&PTNT cùng các bộ ngành liên quan cần có dự báo thị trường để không còn lặp lại tình trạng này” bà An nói.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng đồng quan điểm khi cho rằng, nhà nước cần tập trung hỗ trợ, giải quyết khó khăn cho nông dân trong việc tiêu thụ heo. Đặc biệt là kêu gọi các doanh nghiệp chế biến hỗ trợ thu mua, đưa vào kho lạnh bảo quản.

Bà Lan nhận định, về dài hạn, ngành nông nghiệp rất cần phải tổ chức lại cách thức sản xuất. Có khoảng 3 triệu hộ chăn nuôi heo nhỏ lẻ, số kinh doanh tập trung chưa nhiều. Do đó, Bộ NN&PTNT cần có hệ thống dự báo thị trường, cung cấp thông tin thị trường thường xuyên cho bà con nông dân.

“Nhà nước cần giám sát chặt chẽ, định hướng cho bà con. Bao nhiêu năm nay, phía Trung Quốc mua giá nông sản của bà con với giá cao nhưng 1-2 lần rồi bỏ lơ, thành ra người dân đổ xô chăn nuôi, trồng trọt rồi đến lúc thu hoạch xuất bán không được, lĩnh đủ hậu quả”, bà Lan phân tích.

Cũng theo bà Lan, bên cạnh cung cấp thông tin thị trường, việc đào tạo, tập huấn, hướng dẫn cho nông dân trồng cây gì, nuôi con gì cũng phải làm nghiêm túc, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Như vậy, người tiêu dùng mới tin tưởng và tiêu thụ nông sản tốt hơn.

Chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, cơ quan quản lý vừa hướng dẫn, vừa phải giám sát, thậm chí xử phạt nặng những người cố tình vi phạm, gây hại cho người tiêu dùng.

Theo tienphong

Ad will display in 09 seconds

Truyền thuyết hoa Ưu Đàm Bà La

Ad will display in 09 seconds

Sự nghịch lý trong bài tập chống 'chết chìm' của hải quân SEAL

Ad will display in 09 seconds

Vô lễ làm nhục Phật, quả báo 9 vạn năm

Ad will display in 09 seconds

Tinh Hoa kể chuyện: Bao Công mộng hồ điệp

Ad will display in 09 seconds

Thế nào là tích đức? Âm đức là gì mà quý giá vậy?

Ad will display in 09 seconds

Con người ngày nay có thể tu luyện không?

Ad will display in 09 seconds

Đã tìm ra lời giải của thuật trường sinh

Ad will display in 09 seconds

Vì sao nói nợ tiền không trả là tạo nghiệp chướng?

Ad will display in 09 seconds

Khi đức Phật hạ thế, làm cách nào để nhận ra Ngài?

Ad will display in 09 seconds

Được vua gả con gái xinh đẹp, vì sao Yến Anh lại từ chối?

  • Truyền thuyết hoa Ưu Đàm Bà La

    Truyền thuyết hoa Ưu Đàm Bà La

  • Sự nghịch lý trong bài tập chống 'chết chìm' của hải quân SEAL

    Sự nghịch lý trong bài tập chống 'chết chìm' của hải quân SEAL

  • Vô lễ làm nhục Phật, quả báo 9 vạn năm

    Vô lễ làm nhục Phật, quả báo 9 vạn năm

  • Tinh Hoa kể chuyện: Bao Công mộng hồ điệp

    Tinh Hoa kể chuyện: Bao Công mộng hồ điệp

  • Thế nào là tích đức? Âm đức là gì mà quý giá vậy?

    Thế nào là tích đức? Âm đức là gì mà quý giá vậy?

  • Con người ngày nay có thể tu luyện không?

    Con người ngày nay có thể tu luyện không?

  • Đã tìm ra lời giải của thuật trường sinh

    Đã tìm ra lời giải của thuật trường sinh

  • Vì sao nói nợ tiền không trả là tạo nghiệp chướng?

    Vì sao nói nợ tiền không trả là tạo nghiệp chướng?

  • Khi đức Phật hạ thế, làm cách nào để nhận ra Ngài?

    Khi đức Phật hạ thế, làm cách nào để nhận ra Ngài?

  • Được vua gả con gái xinh đẹp, vì sao Yến Anh lại từ chối?

    Được vua gả con gái xinh đẹp, vì sao Yến Anh lại từ chối?

x