Nghị lực phi thường của người lính Nhật sống trong rừng suốt 28 năm
Câu chuyện về người lính mang tên Yokoi Shoichi có lẽ sẽ mãi là bản anh hùng ca về tinh thần bất khuất của người Nhật. Câu chuyện không chỉ kỳ lạ mà còn cho thấy một ý chí sắt đá, một nghị lực sống phi thường của con người trong những hoàn cảnh khó khăn.
Yokoi Shoichi sinh ra vào năm 1915 tại tỉnh Aichi. Ông nhập ngũ vào năm 1941, và được phái đến đảo Guam ngay sau đó trong cuộc chiến chống lại quân đội Mỹ. Binh sĩ trong quân đội Nhật đều được tôi luyện để có một tinh thần thép, chiến đấu đến cùng chứ không bao giờ chịu bỏ cuộc. Với họ, sống sót trong trại tù binh bị coi là nỗi nhục và phản bội Tổ quốc. Vì vậy khi quân đội Mỹ nắm quyền kiểm soát đảo Guam vào năm 1944, Yokoi và hơn 1.000 lính Nhật Bản khác đã lẩn trốn trong rừng chứ quyết không đầu hàng. Nhiều người trong số họ đều bị bắt trong vòng một vài năm sau đó hoặc chết vì đói, bệnh tật. Yokoi và 2 người lính khác là những binh sĩ Nhật cuối cùng còn lại trong rừng.
Yokoi buộc phải tự xoay xở để có thể sống sót trong rừng, ông tự chế những chiếc bẫy để bắt thú hoang, tuy nhiên thức ăn chủ yếu của ông lúc đó là cóc và lươn. Nghề may đã giúp ông dệt quần áo bằng vỏ cây. Cũng chính trong khu rừng rậm này, Yokoi đã kiên trì đào một căn hầm trú ẩn dưới lòng đất. Không chỉ cố gắng để sống sót, Yokoi còn phải ẩn nấp và xóa sạch mọi dấu vết của mình để quân đội Mỹ cũng như dân bản địa không phát hiện ra.
Ông tiếp tục cuộc sống như vậy trong rừng 28 năm sau khi Thế chiến thứ II kết thúc mà không hề hay biết. Vào ngày 24/01/1972, Yokoi bị hai người dân bản địa phát hiện. Tưởng chiến tranh vẫn đang diễn ra, ông chụp ngay khẩu súng săn và tấn công hai người họ. Nhưng do sống kham khổ cộng với việc ở lì trong hầm quá lâu, sức lực của Yokoi bị giảm nhiều, ông đã bị 2 người này bắt về.
Lo sợ bị trả về như một tù nhân chiến tranh, sự sỉ nhục lớn nhất đối với một người lính Nhật Bản, Yokoi đã khóc và đề nghị được chết trong rừng. Sau khi được giải thích cặn kẽ rằng chiến tranh đã kết thúc, 2 tuần sau Yokoi trở về Nhật Bản và được chào đón như một người anh hùng. Hàng ngàn người đã đứng dọc theo xa lộ vẫy cờ Nhật Bản chào đón ông trở về nhà. Cuộc trở về của ông được các phương tiện truyền thông trong nước đưa đậm nét. Ông đã đứng khóc trước ngôi mộ mà gia đình đã lập khi nghĩ rằng ông đã bỏ mạng trên đảo Guam năm 1944.
Theo GK