Nghi hành khách bị vỡ túi ngực giả, máy bay hạ cánh khẩn cấp
Để kịp thời cấp cứu cho một nữ hành khách nghi bị vỡ túi ngực giả, Cơ trưởng chuyến bay VN1262 của Vietnam Airlines khởi hành từ TP.HCM đi Vinh đã quyết định hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Đà Nẵng.
Sau khoảng 40 phút cất cánh bay, rời TP. HCM lúc 6 giờ 40 sáng 26/7, hành khách N.T.H tại ghế ngồi 18B chuyến bay VN1262 của hãng Vietnam Airlines bất ngờ bị chảy máu ở vết thương bên ngực trái nên đã liên hệ tiếp viên để xin bông, gạc.
Ngay sau khi nhận thông tin về tình trạng sức khỏe của khách, tiếp viên trưởng đã phát thanh đề nghị hỗ trợ y tế từ các hành khách trên chuyến bay và nhận được sự giúp đỡ của một y sĩ đông y. Nhưng dù đã nỗ lực hết sức, y sỹ vẫn không thể cầm máu cho người phụ nữ này vì khi ấy máy bay đang ở độ cao khoảng 10.000 m, chênh lệch áp suất lớn.
Nhận thấy tình trạng sức khỏe của khách không thuyên giảm, tổ tiếp viên đã thông báo tới cơ trưởng để đưa ra phương án xử lý. Cơ trưởng quyết định cho máy bay chuyển hướng hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Đà Nẵng và thông báo với bộ phận mặt đất để kịp thời cấp cứu cho hành khách.
Hành khách này sau đó đã được chuyển đến bệnh viện tư Hoàn Mỹ. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do chênh lệch áp suất trên máy bay nên hành khách này đã bị vỡ túi ngực phẫu thuật thẩm mỹ.
Trao đổi với phóng viên, tiếp viên trưởng Trần Thị Ngọc Mai (29 tuổi) – người trực tiếp xử lý sự cố của khách nữ N.T.H. trên chuyến bay VN1262 cho biết: “Sau khi nhận được thông tin, tổ tiếp viên đã chia thành hai bộ phận, một mặt hỗ trợ sơ cứu, chăm sóc và động viên hành khách bị thương, mặt khác tiếp tục phục vụ các hành khách còn lại trên chuyến bay.
Rất may là ngay sau khi máy bay hạ cánh tại Đà Nẵng, khách đã được nhân viên y tế sơ cứu và đưa đi bệnh viện kịp thời”.
Vietnam Airlines sau đó đã tiến hành nạp thêm nhiên liệu và rời Đà Nẵng lúc 9h (26/7) để tiếp tục hành trình đến Vinh theo kế hoạch. Hãng cũng đã gửi lời xin lỗi đến hành khách trên chuyến bay, mong nhận được sự thông cảm của hành khách về trường hợp hạ cánh khẩn cấp này.
Chiều 26/7, Một nguồn tin từ bệnh viện nơi hành khách trên được cấp cứu ở Đà Nẵng đã cho biết bệnh nhân không phải bị vỡ túi ngực giả.
Trả lời phóng viên, PGS – TS Đỗ Quang Hùng, Tổng thư ký Hội Phẫu thuật thẩm mỹ TP.HCM nói: “Với túi ngực chỉ có thể bị thủng bởi vật nhọn đâm, tác động, chứ không thể vỡ bởi áp suất khi đi máy bay, điều này không thể xảy ra. Có thể người phụ nữ đó bị chảy máu sau một phẫu thuật nào đó ở vùng ngực”.
Theo nguồn tin trên thì trước đó, người phụ nữ này đã đặt túi nâng ngực cách nay khoảng 1 năm, gần đây vùng ngực chảy xệ, nên quay lại TP.HCM để làm phẫu thuật treo cắt tuyến (nhằm thu gọn, cải thiện tình trạng xệ ngực). Sau phẫu thuật, người này đã đi máy bay ngay nên mới bị chảy máu ngực.
Trước đó, hồi tháng 10/2018, một nữ ca sĩ trên chuyến bay từ Đài Loan (Trung Quốc) về nước cũng gặp sự cố tương tự với túi nâng ngực. May mắn, nữ ca sĩ này đã được cứu chữa kịp thời.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia thẩm mỹ thì với hành khách nữ sử dụng thủ thuật nâng ngực, thời gian khoảng 5-7 ngày sau phẫu thuật không nên đi máy bay. Hiện tượng chênh lệch áp suất khi máy bay cất, hạ cánh có thể gây các vấn đề khi các vị trí can thiệp thủ thuật chưa lành.
Sau khoảng thời gian 5-7 ngày trên, trường hợp túi ngực phẫu thuật thẩm mỹ bị vỡ do chênh lệch áp suất máy bay sẽ rất khó xảy ra. Vì áp suất trong khoang hành khách khoảng 760mmHg tương đương với áp suất ở mặt đất. Nguyên nhân vỡ túi ngực có thể là túi độn không chất lượng, bị thoái hóa hoặc biến chất theo thời gian.
Trao đổi với phóng viên, một chuyên gia hàng không cho biết, rất may trường hợp nữ hành khách bị chảy máu ngực sáng nay trên chuyến bay của Vietnam Airlines là chuyến bay nội địa, nên cơ trưởng có thể xin hạ cánh ngay. “Nếu đường bay đi châu Âu, để xin phép hạ cánh phải mất 2-3h, như thế sẽ rất nguy hiểm hành khách”, chuyên gia hàng không này chia sẻ.
Vũ Tuấn (t/h)