Ngân hàng Thế giới sẽ hỗ trợ Việt Nam 50 triệu USD về y tế và 500 triệu USD để phục hồi kinh tế
Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây đã đưa ra cam kết sẽ hỗ trợ Việt Nam gói 50 triệu USD cho y tế, với quy trình giải ngân nhanh trong thời gian 2 tuần. Tiếp đó là 500 triệu USD hỗ trợ ngân sách cho Chính phủ nước này để phục hồi kinh tế.
Một trong những mục tiêu của WB là hỗ trợ Việt Nam đẩy mạnh triển khai giải ngân các dự án hiện hành nhằm tạo thêm việc làm, thu nhập. Đồng thời, WB cam kết giúp Việt Nam chuẩn bị danh mục dự án tốt cho các dự án đầu tư công để hỗ trợ nền kinh tế trong trung hạn. WB cũng đã chuẩn bị cơ chế hỗ trợ tài chính theo thủ tục nhanh thông qua 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1, gói hỗ trợ y tế ngay lập tức của nhóm ngân hàng thế giới (WBG) cho toàn cầu hiện nay là 14 tỷ USD, trong đó Việt Nam có thể tiếp cận 50 triệu USD, việc giải ngân có thể thực hiện trong vòng 2 tuần.
Giai đoạn 2, WB có thể hỗ trợ khoản tài chính 150 tỷ USD để phục hồi nền kinh tế thế giới. Gói này có thể hỗ trợ ngân sách cho Chính phủ Việt Nam 500 triệu USD.
WB cũng đã hạ mức dự báo tăng trưởng GDP ngắn hạn của Việt Nam năm 2020 từ 6,5% trước đó xuống còn 4,9% trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Vũ Hán. Tuy nhiên, WB cho biết Việt Nam vẫn là quốc gia có mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực. Đại diện WB nhấn mạnh, nền kinh tế Việt Nam tại thời điểm này vẫn đứng vững trước các cú sốc bên ngoài.
Trong trung hạn, WB đánh giá tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam sẽ quay lên 7,5% trong năm 2021 và quanh mức 6,5% trong năm 2022 nhờ sức cầu bên ngoài được cải thiện, ngành dịch vụ được củng cố và sản xuất nông nghiệp dần được khôi phục.
Ông Jacques Morisset, Chuyên gia Kinh tế trưởng WB tại Việt Nam đánh giá: “Phản ứng y tế của chính phủ Việt Nam rất phù hợp và kịp thời, không chỉ WB mà các nhà quan sát quốc tế cũng đánh giá cao. Các chính sách kinh tế như giãn, hoãn thuế, hoãn nợ, một số dòng tín dụng, miễn bảo hiểm xã hội đều rất xác đáng. Chúng tôi đánh giá cao công tác quản lý ngân sách của Việt Nam, đặc biệt, khoản ngân sách dự phòng 5%, không phải quốc gia nào cũng sẵn sàng một khoản ngân sách dự phòng như vậy“.
Dù vậy, đại diện WB đưa ra ba khuyến nghị chính sách cho Việt Nam để giảm thiểu tác động kinh tế từ dịch bệnh Vũ Hán. Một là quan tâm đến khu vực kinh tế phi chính thức. Nhóm này không tiếp cận được các biện pháp hỗ trợ về thuế hay tín dụng. Vì vậy, chính phủ có thể giảm tiền điện, nước, điện thoại hoặc tạo ra các việc làm cộng đồng. Tiếp theo là tìm cách tăng ngoại tệ và ổn định hệ thống ngân hàng
Ông Morisset nhận định hiện tại, các chính sách của Việt Nam vẫn nghiêng về nới lỏng tiền tệ. Nhưng kích thích tài khóa vẫn rất cần thiết. “Trong ngắn hạn có thể dùng chính sách thuế. Còn trong trung hạn, cần tăng chi ngân sách, tăng tốc phân bổ ngân sách cho các địa phương, ưu tiên cho các dự án kích thích nhu cầu nhằm tăng hiệu quả lan tỏa”, ông nói.
Sau khi đại dịch chấm dứt, WB cho rằng Việt Nam cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tăng cường kinh tế số và nâng cao khả năng chống chịu của hệ thống y tế.
Được biết, tính đến hết quý I năm nay, giải ngân đầu tư công của Việt Nam mới chỉ đạt 13% kế hoạch, dù cao hơn cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn là mức thấp. Đại diện WB nhấn mạnh tầm quan trọng của giải ngân đầu tư công và vốn ODA như những nguồn vốn mồi thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng trở lại.
Ông Ousmane Dione, Giám đốc WB Việt Nam cho rằng hiện tại còn quá sớm để nói về hậu quả của đại dịch Vũ Hán tại Việt Nam và trên thế giới. Do việc này còn tùy vào thời gian, mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh, cũng như phản ứng chính sách của chính phủ và hành vi của người dân, doanh nghiệp.
“Đối với các danh mục dự án đầu tư gắn với nguồn vốn từ WB, chúng tôi cũng sẵn sàng hủy một phần hoặc toàn bộ dự án không triển khai được để dành vốn cho những dự án hiệu quả hơn. Trong thời gian tới, chúng tôi cũng sẽ hỗ trợ Việt Nam chuẩn bị danh mục các dự án tương lai khả thi”, ông Ousmane cho biết thêm.
Thiện Thành (t/h)