Nếu Anh rời EU sẽ dẫn đến hậu quả gì?
Ngày 23/6, hơn 46 triệu người sẽ bỏ phiếu quyết định Anh nên đi hay ở lại Liên minh châu Âu (EU), một trong những quyết định hệ trọng nhất không chỉ tác động lớn đến chính trị mà còn ảnh hưởng tới nhiều mặt khác. Vậy nếu Anh rời khỏi EU thì điều gì sẽ xảy ra?
Thay đổi về quan hệ thương mại Anh – EU
Việc Anh rời EU sẽ có tác động lớn tới mối quan hệ thương mại giữa nước này và Liên minh châu Âu. EU vẫn sẽ tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Anh và để xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ vào EU, Anh vẫn cần phải tuân thủ theo các quy định của khối.
Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Angela Merkel cảnh báo, khi không phải là một thành viên của EU, Anh sẽ chỉ được đối xử như một “người ngoài” và không thể tiếp cận thị trường chung của khu vực. “Nếu Anh rời EU, nước này sẽ không còn được hưởng lợi từ các lợi ích của thị trường chung châu Âu. Mọi cuộc đàm phán giữa Anh và EU đều cần có sự tham gia của tất cả các nước thành viên còn lại, vì Anh khi đó là bên thứ 3”.
Số phận 2 triệu người Anh đang sống tại EU
Hiện nay, khoảng 2 triệu người dân Anh đang sinh sống tại các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu. Nếu kịch bản Brexit xảy ra, nhiều người Anh có thể sẽ phải rời khỏi các quốc gia như Pháp, Đức, Tây Ban Nha…
Theo quy định đi lại tự do trong liên minh châu Âu, các quốc gia thành viên không thể trục xuất công dân của các nước cùng khối. Khi Anh rời khối, những công dân Anh đang sinh sống ở các nước EU chỉ sau một đêm bỗng trở thành những người nhập cư bất hợp pháp. Trong trường hợp đó, số phận và quyền lợi của những công dân này sẽ trở thành một vấn đề chính trị hết sức phức tạp và chưa có lời giải.
Hiệu ứng domino
Việc Anh rời khỏi EU có thể khiến các nước thành viên khác ở Đông Âu có động thái tương tự. Theo Ngoại trưởng Thụy Điển Margot Wallstrom, Anh rời EU sẽ góp thêm động lực cho các quốc gia khác đang có ý muốn rời khỏi khối này. Còn nếu Anh ở lại kèm theo những đòi hỏi “được đối xử đặc biệt”, nó sẽ tạo nên một tiền lệ ở EU thúc đẩy những nước khác đưa ra những đòi hỏi tương tự.
Sau khi nước Anh tiến hành cuộc trưng cầu dân ý về tư cách thành viên trong EU, Scotland có thể cũng sẽ nối gót để lần thứ 2 “đòi” tách khỏi Vương quốc Anh. Ngày 18/9/2014, các cử tri Scotland đã đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý về việc trở thành quốc gia độc lập. Vào thời điểm đó, khoảng 54% người dân bỏ phiếu chống. Tuy nhiên tới nay, những lời kêu gọi tách khỏi nước Anh ngày một dâng cao ở Scotland và khả năng tiến hành thêm cuộc trưng cầu dân ý lần thứ 2 là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Đồng bảng Anh trượt giá?
Tỷ phú George Soros hôm 20/6 cảnh báo, tỷ giá đồng bảng Anh có thể sụt giảm hơn 20% so với đồng USD nếu Anh quyết định rời EU. Theo kết quả khảo sát ý kiến các chuyên gia kinh tế do hãng tin Bloomberg tiến hành, một ngày sau cuộc trưng cầu dân ý, đồng bảng Anh có thể sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 3 thập kỷ so với đồng USD.
Giới đầu tư tiền tệ dự báo, trong trường hợp cử tri Anh chọn Brexit, đồng nội tệ có thể sẽ rớt giá xuống mức 1,25-1,4 USD/bảng. Bên cạnh đó, đà giảm giá của đồng bảng Anh lần này sẽ tác động nghiêm trọng tới kinh tế nước này, do Ngân hàng Trung ương Anh không còn dư địa để tiếp tục hạ lãi suất, kể cả khi nền kinh tế lâm vào suy thoái.
“Đồng bảng Anh sẽ mất giá rất mạnh. Việc rời khỏi EU sẽ có tác động ngay lập tức và rõ ràng lên các thị trường tài chính, đầu tư, giá cả và việc làm. Tôi cho rằng người Anh đang đánh giá thấp cái giá phải trả khi rời EU“, tỷ phú Soros nhấn mạnh.
Theo hanoimoi