Nepal từ chối ký hiệp ước dẫn độ với Trung Quốc, Tập Cận Bình nổi giận
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được cho là đã tức giận sau khi bị vương quốc Nepal từ chối ký hiệp ước dẫn độ nhằm trục xuất người tị nạn Tây Tạng trở lại Trung Quốc.
Hôm 12/10 vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến thăm Nepal để thảo luận với Thủ tướng KP Sharma Oli về các thỏa thuận thương mại và kiểm soát biên giới.
Tính đến thời điểm hiện tại, Tập Cận Bình là nhà lãnh đạo Trung Quốc đầu tiên đến thăm Nepal sau 23 năm qua. Nhiều người suy đoán cuộc gặp lần này là cách Trung Quốc gây sức ép buộc các quan chức Nepal ký hiệp ước dẫn độ để ngăn người Tây Tạng trốn khỏi Trung Quốc qua biên giới Nepal.
Theo đó, Vương quốc Nepal có chung đường biên giới dài 1.414 km với Trung Quốc, hiện là nơi sinh sống của khoảng 20.000 người Tây Tạng lưu vong. Tình trạng của họ vẫn chưa có gì chắc chắn bởi Nepal chưa hề ký Công ước và Nghị định thư Geneva về người tị nạn.
Trước đây, một số người tị nạn thường bị chặn ở biên giới 2 nước. Dưới áp lực của Trung Quốc, cảnh sát Nepal cũng nhiều lần ngăn cản các cuộc biểu tình chống Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tổ chức tại thủ đô Kathmandu. Theo Thời báo Himalaya, 22 nhà vận động phong trào “Tây Tạng tự do” và nhà hoạt động nhân quyền đã bị cảnh sát Nepal bắt giữ trước chuyến thăm của ông Tập, 11 người trong đó là người tị nạn Tây Tạng.
Dẫu vậy, ĐCSTQ vẫn muốn người tị nạn Tây Tạng phải bị trục xuất về Trung Quốc, bắt đầu với những ai dám kể cho truyền thông quốc tế câu chuyện về sự tàn bạo ở Tây Tạng. Truyền thông Trung Quốc, và truyền thông Nepal vốn ủng hộ ĐCSTQ cũng đã bắt đầu các chiến dịch quen thuộc, tuyên bố người Tây Tạng ở Nepal là “những người tị nạn giả”.
Một hiệp ước dẫn độ vốn đã được chuẩn bị sẵn sàng. Và Chủ tịch Tập Cận Bình tới Nepal vào ngày 12-13/10 với hy vọng sẽ ký được hiệp ước này.
Tại cuộc gặp mặt, 2 nước đã ký kết 20 thỏa thuận thương mại, gồm tuyến đường sắt xuyên Hy Lạp và các dự án cơ sở hạ tầng khác. Tuy nhiên đất nước Himalaya này đã từ chối ký hiệp ước dẫn độ cho phép trục xuất người tị nạn Tây Tạng về Trung Quốc.
Ngoài ra, Nepal cũng từ chối ký thỏa thuận thành lập Đại học Quốc phòng do Trung Quốc hỗ trợ, cũng như từ chối tiền tài trợ của Trung Quốc để xây tòa nhà Quốc hội mới và các con đường gần biên giới Trung Quốc.
Người Nepal biết ông Tập phải giữ thể diện nên đã ký một Hiệp ước Hỗ trợ Qua lại về pháp lý trong các vấn đề hình sự. Tuy nhiên hiệp ước này chỉ đề cập đến các tội phạm bình thường, phi chính trị, không phải hiệp ước dẫn độ mà Trung Quốc mong muốn.
Ngay sau đó, ông Tập được cho là đã tỏ ra giận dữ vì phát biểu bằng giọng hiếu chiến trong các bài nói chuyện ở Kathmandu. Khi nhắc đến Hồng Kông, ông tuyên bố bất cứ ai cố gắng chia tách bất kỳ nơi nào trên lãnh thổ Trung Quốc đều sẽ phải chuốc lấy hậu quả “thịt nát xương tan”.
Truyền thông địa phương diễn giải những lời tuyên bố này là sự đe dọa đối với vấn đề Tây Tạng cũng như với tất cả những ai trợ giúp người tị nạn Tây Tạng.
Như thường lệ, người dân Trung Quốc đều không được thông báo về sự thất bại trong chuyến thăm Nepal của ông Tập. Ngược lại, chuyến thăm được truyền thông Trung Quốc ca ngợi là một thành công lớn.
Thiện Thành (Theo Bitter Winter)