Nắng nóng bất thường ở Pakistan, 65 người tử vong
Tình trạng nắng nóng bất thường đang hoành hành suốt 3 ngày qua ở tỉnh Karachi miền Nam Pakistan, với nhiệt độ trung bình ngày lên đến 44oC, đã làm 65 người thiệt mạng. Con số này có thể còn tăng khi mức nhiệt chưa có dấu hiệu giảm.
Cơ quan Khí tượng Pakistan thông báo, nhiệt độ trung bình trong ngày 21/5 đã lên tới 44oC, tức cao hơn nhiều so với nhiệt độ ngày trung bình trong tháng 5, vốn chỉ khoảng 35oC. Tình trạng nắng nóng càng trở nên trầm trọng hơn do tình trạng thiếu điện toàn thành phố.
Theo ông Faisal Edhi, người đứng đầu tổ chức Edhi Foundation chuyên cung cấp dịch vụ cứu thương và tang lễ tại thành phố lớn nhất của Pakistan, các trường hợp người dân thiệt mạng vì nắng nóng chủ yếu xảy ra tại các khu dân cư nghèo của Karachi.
“65 người đã chết trong 3 ngày qua“, ông Edhi nói. “Chúng tôi giữ thi thể của họ trong các khu bảo quản thi hài lạnh và các bác sĩ trong vùng nói họ chết vì nắng nóng“.
Nguyên nhân có nhiều người tử vong như vậy một phần là vì đợt nắng nóng này diễn ra đúng thời điểm người dân Pakistan đang trong mùa lễ Ramadan, mùa lễ mà hầu hết những người Hồi giáo sẽ không ăn và uống trong suốt ban ngày.
Bất chấp việc một số quan chức y tế ở địa phương bác bỏ chuyện người dân chết vì nắng nóng, số ca tử vong tại Karachi những ngày qua làm dấy lên nỗi lo sợ về việc tái diễn thảm kịch từng xảy ra năm 2015, khi các nhà xác và bệnh viện của Karachi đều đã quá tải và ít nhất 1.300 người, hầu hết là người già và bệnh nhân, chết vì không chịu nổi nhiệt độ quá cao.
Năm 2015 nhà xác Edhi đã không còn đủ chỗ chứa sau khi có khoảng 650 thi thể được đưa tới chỉ trong vài ngày. Rất nhiều thi thể đã phải để phơi nắng bên ngoài.
Nhiệt độ ở Karachi, Pakistan được dự báo sẽ duy trì ở mức trên 40oC trong vài ngày tới, trước khi hạ thấp xuống còn khoảng trên 30oC vào thời điểm cuối tuần này. Hiện chính quyền tỉnh Karachi đang đề ra nhiều biện pháp để giảm thiểu con số người chịu ảnh hưởng từ đợt nắng nóng này.
Đợt nắng nóng bất thường trên cũng ảnh hưởng tới cả khu vực miền Trung và miền Bắc của Ấn Độ. Tình trạng này được dự báo là sẽ còn tiếp diễn cho tới khi mùa mưa đến, thường là vào đầu tháng 6 ở miền Nam Ấn Độ, và sau đó mới tới miền Bắc, trùng thời điểm mà tháng lễ Ramadan kết thúc (14/6).
Tú Văn (t/h)