Myanmar: Hơn 500 người dân thiệt mạng sau 2 tháng biểu tình
Lực lượng an ninh Myanmar đã giết chết ít nhất 510 người dân sau gần 2 tháng đối phó với những cuộc biểu tình phản đối chính quyền quân sự, Reuters dẫn số liệu từ Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP). Bất chấp số lượng người thiệt mạng ngày càng tăng, hàng nghìn người dân vẫn tiếp tục xuống đường biểu tình trở lại.
AAPP cũng cho biết chỉ trong ngày 29/3, có 14 người dân đã thiệt mạng. Và vào ngày 27/3, ngày đẫm máu nhất tính đến nay, tổng số người thiệt mạng lên đến con số 141.
Phía Nhà Trắng đã lên án việc giết hạ người dân, cho rằng đây là hành vi sử dụng vũ lực gây chết người “ghê tởm”, đồng thời tiếp tục kêu gọi khôi phục nền dân chủ. Trong khi đó, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cũng kêu gọi các tướng lĩnh của Myanmar cần dừng việc giết hạ người dân và đàn áp biểu tình.
Theo AAPP, trong số những người thiệt mạng hôm 29/3, có ít nhất 8 người đến từ vùng ngoại ô Nam Dagon của Yangon, thành phố lớn nhất Myanmar.
Theo lời khai của các nhân chứng và những bằng chứng thu thập được từ một video, lực lượng an ninh đã bắn một loại vũ khí với cỡ nòng nặng hơn bình thường nhiều lần nhằm giải tỏa các rào chắn bằng bao cát do người biểu tình dựng lên. Hiện vẫn chưa rõ đây là loại vũ khí gì, nhưng một nhóm cộng đồng đã đăng tải hình ảnh một người lính cầm trên tay súng phóng lựu.
Trong khi đó, truyền hình nhà nước tuyên bố lực lượng an ninh đã sử dụng “vũ khí chống bạo động” để giải tán một đám đông “những kẻ khủng bố bạo lực” đang đập phá vỉa hè.
Tuy nhiên bất chấp việc đàn áp bằng bạo lực, hàng ngàn người vẫn xuống đường biểu tình tại các thị trấn, thành phố trên khắp cả nước để phản đối quân đội nắm quyền sau cuộc đảo chính ngày 1/2.
Một trong những tổ chức chính đứng sau các cuộc biểu tình, Ủy ban Tổng đình công Dân tộc (General Strike Committee of Nationalities), đã kêu gọi các dân tộc thiểu số giúp đỡ người biểu tình chống lại sự áp bức bất công. “Các tổ chức vũ trang dân tộc phải cùng nhau bảo vệ người dân”, nhóm này phát biểu trên Facebook.
Theo Reuters, quân nổi dậy từ các nhóm dân tộc khác nhau đã đấu tranh với chính quyền trung ương trong suốt nhiều thập kỷ nhằm giành được nhiều quyền tự trị hơn. Mặc dù nhiều nhóm đã đồng ý ngừng đấu tranh, nhưng giao tranh vẫn bùng phát trong những ngày gần đây giữa quân đội và các lực lượng từ cả phía đông và phía bắc đất nước.
Trong suốt nhiều thập kỷ qua, quân đội Myanmar luôn biện minh cho việc kìm kẹp bằng quyền lực của mình bằng cách khẳng định đây là thể chế duy nhất có khả năng duy trì sự thống nhất của quốc gia. Lực lượng quân đội đã đứng lên nắm quyền, tuyên bố các cuộc bầu cử tháng 11 mà đảng phái của ứng cử viên Aung San Suu Kyi giành phần thắng là gian lận. Ủy ban bầu cử sau đó đã bác bỏ nhận định này.
Bà Suu Kyi vẫn bị giam giữ tại một địa điểm không được tiết lộ. Nhiều nhân vật khác trong đảng phái của bà cũng đang bị giam giữ.
Tom Andrews, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về Myanmar, nhận định lực lượng quân đội nước này đang thực hiện “vụ giết người hàng loạt”. Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai cho biết Hoa Kỳ đang đình chỉ toàn bộ các giao dịch thương mại với Myanmar cho đến khi có chính phủ được dân bầu lên nắm quyền trở lại.
Tuy nhiên, những lời chỉ trích của nhiều quốc gia và các lệnh trừng phạt từ phương Tây vẫn không làm lung lay các tướng lĩnh Myanmar.
Trung Quốc và Ấn Độ đã từ chối lên án cuộc đảo chính, Nga vẫn duy trì quan hệ chặt chẽ với Myanmar bằng chuyến thăm của Thứ trưởng Quốc phòng Alexander Fomin và cam kết tăng cường quan hệ quân sự. Chính quyền Nga cho biết, mối quan hệ lâu dài và mang tính xây dựng của Nga với Myanmar không đồng nghĩa rằng quốc gia này đang ủng hộ cho “các sự kiện bi thảm” diễn ra tại Myanmar trong thời gian qua.
Thùy Linh
Theo reuters.com