Mỹ và Israel tuyên bố rời khỏi UNESCO
Mỹ và đồng minh Israel đã tuyên bố rời khỏi tổ chức Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc UNESCO hôm 31/12/2018. Ngày 1/1/2019, Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley tố cáo cơ quan này là một trong những tổ chức ‘mục nát’ nhất của LHQ.
“UNESCO là một trong những cơ quan mục nát và thiên vị chính trị nhiều nhất của LHQ. Hôm nay, Mỹ chính thức rời khỏi hố phân bẩn thỉu này”, bà Nikki viết trên Twitter.
Chính quyền Trump đã gửi thông báo rời khỏi UNESCO hồi tháng 10/2017. Sau đó không lâu, chính quyền Israel có hành động tương tự. Thủ tướng Benjamin Netanyahu cho rằng, tổ chức này “là sân chơi vô nghĩa, nơi bóp méo lịch sử thay vì bảo tồn”.
Đây là lần thứ hai Hoa Kỳ rời khỏi UNESCO. Năm 1984, Tổng thống Ronald Reagan đã có quyết định tương tự vì cho rằng tổ chức này quá thiên vị Liên Xô.
UNESCO là một cơ quan của LHQ có trụ sở tại Paris với tuyên bố sứ mệnh bảo vệ và hỗ trợ các dự án giáo dục, văn hóa trên toàn thế giới. Tuy nhiên trong nhiều năm qua, cơ quan này bị lên án vì có các phát ngôn phê phán việc Israel chiếm đóng Đông Jerusalem, công nhận Palestine là thành viên đầy đủ năm 2011 và liệt kê một số địa điểm linh thiêng của người Do Thái là di sản của người Palestine.
Công sứ Israel tại LHQ Danny Danon hôm 1/1 nói rằng, nước ông “sẽ không làm thành viên của một tổ chức có mục tiêu là cố ý hành động chống lại chúng tôi, và đã trở thành một công cụ bị thao túng bởi kẻ thù của Israel”.
“UNESCO là một cơ quan thường xuyên viết lại lịch sử, bao gồm cả việc tẩy xóa mối liên hệ của người Do Thái với Jerusalem”, ông Danon nói.
Theo Fox News, việc Mỹ rút khỏi UNESCO tác động đáng kể tới cơ quan này vì Mỹ đóng vai trò đồng sáng lập sau Đệ Nhị Thế chiến. Tuy nhiên quyết định này không ảnh hưởng tới tình hình tài chính của UNESCO bởi vì từ năm 2011, cả Mỹ và Israel đều không đóng góp chi phí sau khi tổ chức này bỏ phiếu chọn Palestine làm một nước thành viên.
Tính đến nay, giới chức Mỹ ước tính khoản đóng góp chưa trả cho UNESCO của Mỹ đã dồn tích tới 600 triệu USD – một trong những lý do khiến Tổng thống Trump muốn rời khỏi tổ chức này ngay. Israel cũng nợ dồn tích cơ quan này khoảng 10 triệu USD.
Theo những thông tin trước đó của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, tuy chính thức không còn là thành viên nhưng Mỹ có thể vẫn giữ lại tư cách quan sát viên. Trong năm 2019, chính quyền Mỹ dưới thời Trump đã rút khỏi Hội đồng Nhân quyền LHQ khi tố cáo cơ quan này là nơi chứa chấp những kẻ đàn áp nhân quyền khét tiếng nhất thế giới.
Theo Trithucvn