Mỹ: Tòa án Công lý quốc tế đã bị ‘chính trị hóa’
Hôm 3/10, Hoa Kỳ đã tuyên bố rút khỏi 2 công ước quốc tế sau khi Iran và Palestine khiếu nại với Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) về chính sách của Mỹ đối với khu vực này.
Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton chỉ trích tòa án cao nhất của Liên Hiệp Quốc là “bị chính trị hóa và không hiệu quả”, đồng thời tuyên bố Mỹ sẽ xem xét lại toàn bộ các thỏa ước quốc tế ràng buộc Mỹ với các quyết định của tòa ICJ.
Trước đó, tòa ICJ đã tuyên Iran chiến thắng trong một tranh chấp với Mỹ, rằng Mỹ phải đảm bảo các chế tài chống lại Tehran không được ảnh hưởng tới hoạt động trợ giúp nhân đạo hoặc an toàn hàng không.
Theo chính quyền Tehran, các chế tài của Mỹ từ tháng 5/2018 đã vi phạm phạm Hiệp ước Thân thiện 1955. Washington đáp trả bằng cách rút khỏi hiệp ước này, một thỏa thuận ít được biết đến ký từ trước khi Iran trải qua cuộc Cách mạng Hồi giáo làm thay đổi quan hệ 2 nước thành thù địch.
Tòa ICJ có trụ sở tại The Hague, Hà Lan, là nơi Liên Hiệp Quốc xử lý các tranh chấp giữa các quốc gia.
Ông Bolton nói rằng, Iran đã lạm dụng tòa ICJ và tuyên bố Mỹ cũng sẽ rút khỏi “nghị định thư tùy chọn trong Công ước Viên về Quan hệ Ngoại giao năm 1961”.
“Chúng tôi sẽ bắt đầu xem xét lại tất cả các thỏa thuận quốc tế hiện vẫn ràng buộc Mỹ tới các phán quyết và giải quyết tranh chấp của Tòa Công lý Liên Hiệp Quốc. Mỹ sẽ không ngồi yên trước những tố cáo bị chính trị hóa vô căn cứ chống lại chúng tôi”, ông Bolton nói.
Quyết định rút khỏi nghị định thư được đưa ra sau khi Palestine đệ đơn khiếu nại hồi tháng 9/2017 về việc Mỹ chuyển đại sứ quán từ Tel Aviv (Israel) về thủ đô Jerusalem – khu vực mà Palestine đang có tranh chấp với Israel.
Công ước Viên là một hiệp ước quốc tế ghi nhận quan hệ ngoại giao giữa các nước và thường được dùng làm căn cứ cấp quy chế miễn trừ ngoại giao.
“Tôi muốn nhấn mạnh, Hoa Kỳ vẫn tiếp tục là một thành viên trong Công ước Viên về quan hệ ngoại giao và chúng tôi hy vọng tất cả các thành viên khác tuân thủ trách nhiệm quốc tế của mình theo công ước này”, cố vấn an ninh Bolton nói.
Liên Hiệp Quốc đã công nhận Palestine là nhà nước quan sát viên phi thành viên vào năm 2012, tuy nhiên, Israel và Mỹ không công nhận đây là một nhà nước.
Chính quyền Trump kết thúc chính sách ngoại giao mềm mỏng với Iran của chính quyền Obama trước đó bằng cách rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và mang trở lại các chế tài để yêu cầu Iran thực sự từ bỏ hạt nhân.
Trước quyết định này, Mỹ đã rút khỏi nhiều thỏa thuận cũng như các tổ chức của Liên Hiệp Quốc, chẳng hạn Hội đồng Nhân quyền, hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu, với lý do các tổ chức này bị thiên lệch chống Israel và hoạt động không hiệu quả.
>>> Chính phủ Trump đã đúng khi rút khỏi Hội đồng “Nhân quyền” Liên Hiệp Quốc?
>>> Ông Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi hiệp định Paris về biến đổi khí hậu
Theo Trithucvn