Muốn thông minh, hãy học ngoại ngữ
Tiến sĩ khoa học Viatcheslav Wlassoff của Đại học Cambridge (Anh) chỉ ra rằng học ngoại ngữ thực sự tốt cho não bộ của bạn.
Là một chuyên gia về di truyền, dược phẩm và làm việc ở nhiều cơ sở giáo dục danh tiếng trên thế giới như Đại học Cambridge, Viện di truyền quốc gia Nhật Bản hay Đại học New South Wales (Australia), tiến sĩ đã tổng hợp nhiều bài nghiên cứu, thực nghiệm để chứng minh tác dụng của việc biết hai ngoại ngữ với não bộ.
Tác động của song ngữ lên não bộ
Một nghiên cứu trên được thứ hiện ở ba nhóm đối tượng: nhóm một gồm những người biết tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha, thứ hai gồm những người biết tiếng Anh nói và tiếng Anh ký hiệu (dành cho người khiếm thính) và ba là những người biết một thứ tiếng. Các nhà khoa học nhận được kết quả là nhóm một có chất xám nhiều hơn hẳn hai nhóm còn lại ở vùng điều khiển trung tâm. Đây là bộ phận đóng vai trò quan trọng trong quá trình phân tích, suy nghĩa, liên kết và đồng bộ thông tin của não bộ.
Giải thích hiện tượng này, các nhà nghiên cứu cho rằng việc cố gắng nói hai thứ tiếng, dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác khiến não được “tập thể dục” và gia tăng sự linh hoạt của hệ thần kinh. Những người biết hai thứ tiếng phải thường xuyên có sự luân chuyển hai ngôn ngữ trong não bộ, phải quyết định nói bằng tiếng gì để diễn đạt hiệu quả trong từng trường hợp. Cũng nhờ đó, đối tượng này còn xuất sắc hơn trong việc lọc các thông tin bị nhiễu, xử lý được một lượng lớn thông tin so với những người biết một ngôn ngữ.
Học ngôn ngữ mới và tác dụng chống lão hóa
Điều đáng mừng là não bộ có thể phát triển không kể đến tuổi tác và học một ngôn ngữ thứ hai có thể tác động đến điều này. Não bộ của những người có tuổi trong nghiên cứu trên đã cho thấy sự thay đổi về mặt giải phẫu theo chiều hướng tích cực sau khi học một ngôn ngữ mới. Hàm lượng chất trắng – có vai trò kiểm soát tín hiệu nơron thần kinh truyền đi, giúp các vùng của não bộ hoạt động nhịp nhàng với nhau – có sự gia tăng khối lượng ở thùy não. Đây là một phát hiện bất ngờ bởi thùy não vốn được cho là không liên quan đến hoạt động ngôn ngữ. Như vậy, việc học thêm một ngôn ngữ giúp gia tăng chất xám và chất trắng không chỉ ở những vùng não bộ chịu trách nhiệm về ngôn ngữ mà còn ở thùy não – một vùng vốn được cho là không liên quan.
Một nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng, sau khi xét đến các yếu tố khác như giáo dục, nghề nghiệp, giới tính, vùng miền thì những người biết hai ngôn ngữ bị chứng mất trí nhớ muộn hơn 4,5 năm so với những người biết một thứ tiếng. Biết hai ngôn ngữ cũng giảm khả năng mắc bệnh Alzheimer. Tác dụng của ngôn ngữ với việc chống lão hóa còn rõ ràng hơn khi những vùng không liên quan đến ngôn ngữ bị teo nhiều gấp đôi so với những vùng liên quan đến ngôn ngữ do những vùng này thường xuyên được hoạt động, luyện tập nên các dây thần kinh được phát triển và mạnh mẽ đủ để chống chọi với Alzheimer sau một thời gian dài.
Song ngữ giúp trẻ em thông minh hơn bạn bè cùng tuổi
Một nghiên cứu khác được tiến hành trên những đứa trẻ 24 tháng tuổi cho thấy những trẻ được tiếp xúc với hai ngôn ngữ khi niên thiếu có khả năng nắm bắt từ vựng ở cả hai thứ tiếng tốt hơn những trẻ chỉ được học một ngôn ngữ. Những phát hiện này đã phủ nhận quan niệm trước đây là việc bắt trẻ học hai ngôn ngữ khiến chúng lẫn lộn.
Theo vnexpress/brainblogger