Một số quán cà phê, nhà hàng chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin bất chấp rủi ro
Theo Ngân hàng Nhà nước, việc thanh toán Bitcoin là không hợp pháp và sẽ bị cơ quan chức năng xử phạt mức cao nhất 200 triệu đồng. Tuy nhiên, hiện nay đã có một số quán cà phê, nhà hàng ở Sài Gòn chấp nhận thanh toán bằng loại tiền ảo đầy rủi ro này.
Trước đó, trong cuộc họp do UBND TP.HCM tổ chức, thành phố đã yêu cầu NHNN và cơ quan công an tiến hành kiểm tra và xử lý những phát sinh trên địa bàn để hạn chế rủi ro.
Trước mắt sẽ xử lý việc dùng Bitcoin trong thanh toán hàng hóa, dịch vụ nhà hàng, cà phê. Đặc biệt, từ ngày 1/1/2018, việc sử dụng Bitcoin trong thanh toán có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 206 Bộ luật Hình sự 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017). Hiện, hành vi này bị xử phạt vi phạm hành chính từ 150-200 triệu đồng.
Khảo sát của VnExpress cũng ghi nhận một quán cà phê tại quận 1, TP HCM cho khách thanh toán tiền cà phê, pizza bằng Bitcoin một cách công khai. Một nhân viên ở quán cho biết chỉ cần khách có mã code bằng bitcoin là có thể thanh toán. Cô này cũng cho biết thêm, việc chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin “rất tiện” vì vừa không phải chịu phí ngân hàng (thanh toán thẻ), vừa không bị truy thu thuế nên rất có lợi cho doanh nghiệp. Giá cả thì ở đây tính theo giá Bitcoin hiện hành.
Theo Cục Hải quan TP HCM, máy xử lý dữ liệu tự động không thuộc danh mục cấm hoặc tạm ngừng xuất nhập khẩu theo nghị định về hoạt động mua bán hàng hoá quốc tế, nhưng việc phát hành và sử dụng các đồng tiền ảo lại chưa được pháp luật Việt Nam công nhận. Do đó, đơn vị này đã báo cáo tổng cục để xin ý kiến chỉ đạo khi tình trạng nhập khẩu mặt hàng này tăng nhanh trong vài tháng trở lại đây và có khả năng gây nhiều hệ luỵ.
Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM Nguyễn Hoàng Minh cũng nhìn nhận, sự xuất hiện của các đồng tiền ảo nói chung gây nhiều rủi ro cho các nhà đầu tư.
Trước hết, đồng tiền Bitcoin mang tính ẩn danh cao nên dễ trở thành công cụ cho các tội phạm như rửa tiền, mua bán ma túy, trốn thuế… Rủi ro thứ hai, đồng tiền ảo này được sử dụng dưới hình thức kỹ thuật số nên dễ bị tấn công, dễ bị ngừng giao dịch và đánh cắp dữ liệu. Thứ ba là giá trị đồng tiền này biến động rất mạnh, rất phức tạp trong thời gian ngắn. Chính vì vậy, sự biến động này dẫn đến rất nhiều rủi ro cho các nhà sở hữu. Và điều quan trọng cuối cùng là nó không bị chi phối bởi một cơ quan quản lý nhà nước nào nên những người sở hữu nó sẽ phải chịu mọi rủi ro vì không có người bảo vệ.
Trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước khẳng định những đồng tiền này không phải là tiền tệ cũng không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam, không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. “Chúng tôi đề nghị người dân, các doanh nghiệp không nên tham gia vào các hoạt động này”, ông Minh nói.
Hồi tháng Chín, Trung Quốc đã đóng cửa hàng loạt các sàn giao dịch Bitcoin sau động thái cấm huy động vốn bằng tiền ảo (ICO). Một động thái khác mới đây, nhà đồng sáng lập trang Bitcoin.com đã bán hết Bitcoin vì cho rằng đồng tiền này rủi ro quá cao.
Bitcoin ra đời từ năm 2008, bắt đầu được giao dịch trên sàn Mt.Gox – sàn giao dịch Bitcoin lớn nhất thế giới vào tháng 6/2010, đến năm 2013 được sử dụng trên cả phương diện thanh toán, giao dịch hàng hóa và tài sản đầu tư tại nhiều quốc gia.
Người sáng lập Bitcoin đã viết ra những thuật toán mật mã cao cấp mà nền tảng của nó là một mã nguồn mở. Bất cứ ai hiểu về lập trình cũng có thể tham gia “đào Bitcoin” bằng cách dùng hệ thống máy tính để giải các thuật toán ngày một phức tạp. Không có một ngân hàng trung ương nào, kể cả người đã tạo ra nó có thể quản lý Bitcoin.
Bạch Vân (t/h)