Mối tình nồng thắm giữa hoàng tử Ba Tư và công chúa Hàn Quốc có thể viết lại lịch sử
Hơn một nghìn năm trước khi nhà thám hiểm châu Âu đầu tiên đến bờ biển Hàn Quốc, Đế chế Ba Tư đã viết nên những câu chuyện tình về các nàng công chúa Hàn Quốc.
Những câu chuyện ít được biết đến này có thể thay đổi cách nhìn của chúng ta về lịch sử. Gần đây, các nhà sử học đã nghiên cứu lại một sử thi cổ của Ba Tư vào khoảng năm 500 SCN và nhận ra rằng, ở giữa sử thi có một câu chuyện kỳ lạ kể về một hoàng tử Ba Tư cưới một công chúa Hàn Quốc.
Đó là một khám phá đáng kinh ngạc. Thậm chí cho đến gần đây, chúng ta còn không dám chắc người Ba Tư thời đó biết Hàn Quốc có tồn tại. Phát hiện mới này cho thấy không phải gần đây Ba Tư mới kết giao với Hàn Quốc mà 2 nước đã có mối liên hệ mật thiết từ lâu. Và phát hiện này hoàn toàn có thể khiến chúng ta phải viết lại lịch sử.
Thiên sử thi Kushnameh 1.500 năm Ba Tư – Hàn Quốc
Câu chuyện đó được gọi là Kushnameh và gần như không phải là khám phá mới. Đó là một trong những câu chuyện nổi tiếng nhất về Đế chế Ba Tư, là một trong những câu chuyện đã được kể đi kể lại nhiều lần trong 1.500 năm qua kể từ khi nó được viết ra.
Kushmaneh là một bài thơ rất dài về một sinh vật tà ác có ngà voi tên là Kus, khủng bố một gia đình Ba Tư qua nhiều thế hệ. Toàn bộ câu chuyện trải dài qua hàng trăm năm bằng hàng ngàn dòng thơ – nhưng phần thực sự thú vị nằm ở đoạn giữa.
Ở đó, tác giả dành 1.000 dòng thơ để mô tả cuộc sống ở Hàn Quốc trong triều đại Silla.
Bức thư tình gửi tới Hàn Quốc
Theo đó, câu chuyện bắt đầu từ một hoàng tử Ba Tư trẻ tuổi, cao quý tên là Abtin. Hoàng tử Abtin buộc phải sống trong rừng suốt cuộc đời, trốn tránh quái vật. Anh ta chỉ có một thứ bảo vệ an toàn là cuốn sách phép thuật cho biết tương lai.
Abtin có bản sao của cuốn sách thiên sử thi và anh không giở ngay đến trang cuối xem mọi thứ kết thúc như thế nào mà đọc từng chương và biết rằng mình phải đến vương quốc Silla của Hàn Quốc.
Từ đây, câu chuyện chỉ miêu tả cuộc sống sung túc ở Hàn Quốc. Phải thừa nhận rằng có một số chi tiết cực kỳ vương giả.
Ví dụ, Hàn Quốc tràn ngập vàng, ngay cả chó cũng được giữ bằng dây xích vàng. Nhưng nhìn chung, thơ mô tả chính xác đến nỗi các nhà sử học hiện đại chắc chắn rằng tác giả hẳn đã từng trải nghiệm thực tế.
Abtin bị mê hoặc bởi vẻ đẹp của đất nước Hàn Quốc và phải lòng công chúa Frarang. Anh yêu say đắm công chúa Hàn Quốc và cầu xin nhà vua cho kết duyên cùng nàng. Sau đó công chúa Frarang sớm trở thành vợ và mẹ đứa con trai đầu lòng của hoàng tử Abtin.
Việc Ba Tư bị quái vật ngà voi quấy nhiễu trong suốt 1.500 năm và hoàng tử trẻ Ba Tư có sách phép thuật cho biết tương lai có thể chưa có nhiều bằng chứng để xác minh.
Tuy nhiên chuyện một hoàng tử người Ba Tư tị nạn ở Hàn Quốc và yêu công chúa Hàn Quốc là điều không thể phủ nhận. Cuốn sử thi này là bằng chứng rõ ràng cho thấy người Ba Tư không chỉ biết về Hàn Quốc cách đây 1.500 năm, mà họ còn có một sự ngưỡng mộ sâu sắc đối với đất nước này.
Bí mật lẩn khuất
Trong 1.500 năm, người ta đọc thiên sử thi mà không hiểu rõ, cứ ngỡ câu chuyện này kể về Trung Quốc vì vua Silla của Hàn Quốc được gọi là “Chin” – một cái tên có thể là của cả Trung Quốc lẫn Hàn Quốc.
Trên thực tế, lúc đầu các nhà sử học đã đọc sai “Chin” trong cuốn sách kỳ diệu về tương lai của Abtin và cho rằng anh ta phải đến Trung Quốc. Phải mất nhiều năm, Abtin mới nhận ra sự nhầm lẫn.
Gần đây, các nhà sử học đã xem xét lại những mô tả đó và nhận ra nó hoàn toàn phù hợp với Hàn Quốc vào thế kỷ thứ 6 – một nơi xa hoa.
Viết lại lịch sử
Thiên sử thi Kushnameh thực sự làm thay đổi cách nhìn nhận của chúng ta về lịch sử. Trước đây, Hàn Quốc dường như là một nơi xa lạ đối với phương Tây; nhưng câu chuyện này cho thấy phương Đông và phương Tây từ lâu đã có mối quan hệ khăng khít.
Phải đến năm 1653, nhà thám hiểm châu Âu đầu tiên mới đến Hàn Quốc, tức là sau hơn 1.100 năm từ khi thiên sử thi Kushnama ra đời.
Chúng ta biết rằng Ba Tư và Hàn Quốc đều là một phần của Con đường tơ lụa nổi tiếng. Tuy nhiên, trong câu chuyện này, Hàn Quốc không phải là đối tác thương mại, mà là một đồng minh đáng tin cậy và rất quan trọng với người Ba Tư.
Phát hiện mới cũng làm chúng ta nhìn nhận khác đi về các di tích. Ví dụ, trong ngôi mộ cổ ở Gyeong-Ju có một tượng đài anh hùng chiến tranh Hàn Quốc nhưng trông giống chiến binh Ba Tư hơn. Giờ đây, một số người tự hỏi phải chăng đó là tượng đài anh hùng Ba Tư đã từng chiến đấu cho Hàn Quốc.
Xét cho cùng, chuyện này có ý nghĩa to lớn hơn là câu chuyện tình yêu giữa hai người. Đó là câu chuyện tình yêu giữa hai quốc gia.
Hồng Liên (t/h)