Mối nguy hại tiềm ẩn của căn bệnh trầm cảm
Trầm cảm là một chứng rối loạn tâm trạng, gây ra cảm giác buồn và mất hứng thú kéo dài dai dẳng. Ảnh hưởng đến cảm nhận, suy nghĩ, hành xử và dẫn đến những vấn đề đa dạng về tinh thần và thể chất. Trường hợp nghiêm trọng, chứng trầm cảm có thể dẫn đến ý định tự tử.
Theo nghiên cứu, trầm cảm là kết quả của sự kết hợp giữa các yếu tố xã hội, tâm lý và sinh học. Những người đã từng trải qua khó khăn như thất nghiệp, mất người thân, sang chấn tâm lý… có rất nhiều khả năng mắc chứng bệnh này.
Những thống kê về bệnh trầm cảm
Theo các nghiên cứu khoa học trên thế giới, có hơn 90% số người chết vì tự tử do các chứng liên quan đến rối loạn tâm thần, thì có khoảng từ 30–70% tự tử là do chứng trầm cảm và tỷ lệ trung bình chung là 60%.
Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (Mỹ), càng ngày càng có nhiều ca tự tử liên quan đến trầm cảm. Ở Nhật vào năm 2014, ước tính có khoảng 70 người tự tử mỗi ngày, trong đó gần hơn 1/3 là vì trầm cảm. Theo PGS.TS Cao Tiến Đức – Chủ nhiệm Khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 103, một năm số người tự tử do trầm cảm ở Việt Nam lên đến 36.000-40.000 người. Hiện có khoảng 30% dân số bị rối loạn tâm thần, trong đó trầm cảm chiếm tới 15-25%.
Điển hình của bệnh trầm cảm trong giới nghệ sĩ Hàn
Từ 2008 đến nay, công chúng của làng giải trí đã phải chứng kiến hàng loạt vụ tự tử gây chấn động trong giới nghệ sĩ Hàn Quốc do trầm cảm gây nên. Hàn Quốc cũng được xem là đất nước có số lượng nghệ sĩ trầm cảm và tự tử vào hàng cao nhất. Trong 10 năm trở lại đây, hàng loạt các ngôi sao đình đám như: Choi Jin Sil, Choi Jin Young, Park Yong Ha… đã chọn cái chết khi không thể vượt qua căn bệnh trầm cảm nghiêm trọng dưới áp lực của công việc, gia đình và xã hội.
Gần đây nhất là vụ tự sát của nam ca sĩ Jonghyun, sinh năm 1990, là giọng ca chính của nhóm SHINee, được xem là một trong những ca sĩ có chất giọng tốt nhất làng Kpop.
Trầm cảm trong giới trẻ ngày càng lan nhanh, đã không chỉ còn giới hạn ở những người nổi tiếng nữa, mà nó có mặt khắp nơi, nhiều bạn trẻ gặp phải rất nhiều vấn đề trong cuộc sống nhưng lại không chia sẻ được với ai, không được ai đó giúp đỡ trong giai đoạn này…
Trầm cảm có mặt trong trường học
Bạo lực học đường
Tình trạng bạo lực học đường, bắt nạt bạn cùng lớp, cùng trường trên mạng xã hội ngày càng phổ biến. Hình thức bắt nạt, bạo lực tinh thần gần đây phổ biến nhất là việc lập hội trên các trang cộng đồng, tập trung nói xấu, bêu rếu một bạn nào đó trong lớp, trong trường. Còn ở ngoài đời, nhiều trẻ thường bị trêu trọc, hoặc bị tẩy chay, cô lập, không ai chơi cùng, thậm chí còn bị đánh tập thể ngay tại trường học.
Trầm cảm do áp lực học tập
Áp lực học tập căng thẳng, đặc biệt là vào mùa thi cử khiến cho học sinh phải chịu nhiều lo lắng đến mức có thể dẫn đến rối loạn tinh thần. Không những thầy cô giáo mà nhiều bậc cha mẹ cũng kỳ vọng quá nhiều ở con mình, điều này đã tạo áp lực không nhỏ cho các em. Trẻ em thường nghĩ rằng người lớn đã quá áp đặt, không có sự thấu hiểu… dẫn đến cảm giác chán sống và xử lý sự việc theo cách nông nổi như một đứa trẻ và thường rất tiêu cực.
Thiếu sự quan tâm của gia đình, bạn bè
Một sự mất mát lớn trong đời chẳng hạn như thất tình, tình bạn tan vỡ, đi xa gia đình, thi trượt, bỏ học, không đạt kỳ vọng của bản thân và gia đình… cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến trầm cảm. Sự thay đổi trong các mối quan hệ bạn bè cũng là yếu tố dẫn đến stress khiến các bệnh lý về tâm thần phát sinh và trở nên trầm trọng theo thời gian. Có thể chỉ là một giai đoạn nhưng đôi khi cũng kéo dài tùy theo ý chí và sự nỗ lực của bản thân.
Lý do những người mắc bệnh trầm cảm muốn tự tử
Trầm cảm không chỉ dẫn đến thay đổi tâm lý của người mắc phải căn bệnh này, mà nó còn dẫn tới vô số hậu quả khôn lường khác như bệnh tim, suy giảm hệ miễn dịch, mất ăn, mất ngủ… và đặc biệt là có thể dẫn tới tự tử. Tự tử do trầm cảm ngày càng phổ biến như một sự cảnh tỉnh cho mọi người về những tác hại “khôn lường” của chứng bệnh này gây ra.
Các nhà khoa học cho rằng, từ sự tự ti mà người mắc chứng trầm cảm luôn cho rằng mình là gánh nặng cho mọi người, là người thừa thãi, không đáng lãng phí đồ ăn thức uống, không đáng được sống.
Vì ý nghĩ này nên nhiều người bệnh trầm cảm có những hành động tiêu cực mà họ cho đó là hình phạt mà mình cần nhận để giảm tội lỗi và thoải mái trong tâm hồn như tự hành xác, muốn tự tử…
Một số triệu chứng tiêu biểu của bệnh trầm cảm
Trầm cảm gây ra rất nhiều hậu quả nghiêm trọng tới sức khoẻ và còn là nguyên nhân dẫn đến hành vi tự tử. Vì thế, việc phát hiện và điều trị kịp thời là vô cùng cần thiết. Trong khi đó, các dấu hiệu của trầm cảm lại rất dễ bị bỏ qua vì rất giống với stress thông thường.
– Thích ở một mình, ngại giao tiếp.
– Thích lên mạng, nghiện mạng xã hội, không thích nói chuyện trực tiếp.
– Thường xuyên buồn chán, ủ dột.
– Thường xuyên cảm thấy mệt mỏi.
– Mất tập trung, không muốn làm việc.
– Bi quan, tự cảm thấy bản thân vô dụng hay thấy mình mắc tội lỗi nào đó.
– Dễ nổi nóng, cáu gắt.
– Hay có cảm giác lo âu, bất an…
– Mất ngủ hoặc ngủ rất nhiều.
– Không còn hứng thú với các sở thích của mình nữa.
– Chán ăn hoặc trở nên ăn uống vô độ.
– Nghĩ đến cái chết.
Khi có từ 5 dấu hiệu trở lên xuát hiện thì nguy cơ mắc trầm cảm rất dễ xảy ra. Vì vậy, bản thân mỗi người nếu thấy mình hay người bên cạnh có các dấu hiệu này thì hãy nhờ bác sĩ can thiệp ngay. Việc khám bác sĩ tâm lý sẽ giúp người mắc chứng này có các biện pháp phù hợp nhất giúp họ vượt qua căn bệnh đáng sợ này. Bên cạnh đó, đừng bao giờ khép mình lại, hãy tâm sự với người mà bạn tin tưởng nhất, để được sự giúp đỡ.
Tham khảo một số phương pháp đẩy lùi chứng trầm cảm
Kiểm soát những suy nghĩ tiêu cực
Trầm cảm có thể đẩy bạn tới một thế giới đầy rẫy tiêu cực. Thật khó để loại bỏ nó nhưng hãy cố gắng thay thế cảm xúc tiêu cực bằng những suy nghĩ cân bằng hơn, điều này có thể khiến bạn thấy hạnh phúc. Được ở trong vòng tay của những người tin cậy, những thói quen tốt và môi trường sạch sẽ là điều kỳ diệu để giúp người bị trầm cảm.
Tiếp xúc với những người lạc quan
Việc tự cô lập mình có thể khiến bạn cảm thấy tồi tệ hơn nhiều. Hãy cởi mở tâm trạng với những người lạc quan, đầy sức sống, họ sẽ tiếp sức và giúp bạn cảm thấy tốt hơn. Bạn có thể tham gia câu lạc bộ hoặc các nhóm có cùng sở thích.
Đối mặt với các vấn đề của bạn
Hầu như, mọi người dễ bị trầm cảm với nhiều vấn đề khác nhau trong cuộc sống, chẳng hạn như: mất việc làm, căng thẳng trong công việc, kết hôn hoặc các sự kiện gây ra những suy nghĩ tiêu cực trong một thời gian dài. Lời khuyên tốt nhất là hãy thách thức tâm trạng xấu của bạn, chiến đấu đến cùng chống lại trầm cảm và thay đổi cách bạn suy nghĩ.
Bất cứ khi nào bạn cảm thấy khủng hoảng, hãy cố gắng kiểm soát suy nghĩ và bắt đầu vẽ lại những ý tưởng tích cực của bạn về bản thân và những vấn đề bạn đang gặp phải. Mặc dù kỹ thuật này cần có thời gian để thực hành, nó có thể là liệu pháp điều trị tốt nhất để bạn kiểm soát cơn trầm cảm.
Tận hưởng không khí bên ngoài
Bạn muốn tăng cảm giác hạnh phúc thì cần đảm bảo lượng serotonin là bình thường và ánh sáng mặt trời sẽ giúp thực hiện điều này. Nếu đang cảm thấy chán nản, hãy ra bên ngoài hít thở không khí trong lành.
Đọc sách báo nhiều hơn
Thông qua việc chuẩn bị kiến thức và sự hiểu biết về cuộc sống, trải nghiệm những kinh nghiệm quý giá từ người khác sẽ giúp bạn hiểu rõ những khó khăn và thuận lợi trong cuộc sống. Từ đó có thể giải quyết được những vướng mắc của bản thân dễ dàng hơn, hạn chế rơi vào trầm cảm.
Nhờ đến sự giúp đỡ của bạn bè hoặc người thân
Việc duy trì các mối quan hệ, tương tác xã hội rất quan trọng và sự giúp đỡ, chia sẻ từ bạn bè, người thân trong gia đình cũng chính là chất xúc tác giúp người mắc chứng trầm cảm vượt qua một cách nhanh chóng.
Tập Yoga hoặc các môn về thiền định
Theo định nghĩa thông thường, thiền định là một kiểu thư giãn chủ động tích cực với hiệu quả cao nếu luyện tập đúng cách. Theo định nghĩa khoa học, thiền định là quá trình đạt tới sự tỉnh thức tuyệt đối trong trạng thái tĩnh, đạt được thông qua luyện tập. Đó là trạng thái tập trung ức chế đồng đều cả nơron thần kinh cảm giác lẫn nơron thần kinh vận động, tập trung bắt đầu từ vỏ não và hệ thần kinh vận động.
Khác với thư giãn thông thường, thiền định có tác dụng điều chỉnh lớn đến mọi hoạt động của cơ thể, tạo lập sự cân bằng nội tại, cân bằng cơ thể với môi trường sống; kiểm soát quá trình quan hệ giữa nội giới và ngoại giới. Vì thế, ngoài tác dụng thư giãn, thiền định còn có tác dụng phòng và chữa các bệnh do mất cân bằng các chức năng cơ thể mà chủ yếu là mất cân bằng giữa tuần hoàn máu và tuần hoàn điện thần kinh.
Chúc Di (t/h)