Mỗi ngày chúng ta ‘rót’ bao nhiêu thứ tiêu cực vào đầu trẻ mà không tự biết
Hàng ngày, cha mẹ vẫn thường dạy bảo con trẻ. Tuy nhiên có những lời nói của cha mẹ lại vô tình rót bao thứ tiêu cực vào đầu trẻ mà không tự biết.
Có người mẹ, đứa con gái gần đây thường xuyên cảm lạnh ho khan. Cô chợt nghĩ lại một lúc, mới giật mình: là mình mỗi ngày đều cấp cho con không ít những tin tức tiêu tực.
Ví như mỗi sáng sớm gọi con thức dậy, đều nói rằng: “Mau dậy khỏi giường mặc quần áo, nếu không sẽ bị cảm lạnh, hắt xì, cảm cúm và bị ho!”.
Mỗi một câu, sẽ để lại ấn tượng khắc sâu trong lòng trẻ, từ đó, chúng sẽ nghĩ, à, hễ khi trời lạnh mình sẽ bị cảm lạnh, tức là mũi ngứa, hắt xì và ho…
Tiếp đó khi trẻ đi nhà trẻ, mẹ rất sốt ruột lo lắng, lại liên tục nói lời tiêu cực, nào là: ăn chậm / thức ăn nguội / cảm lạnh / tiêu chảy.
Cứ thường xuyên như vậy, những lý thuyết ấy mỗi ngày ăn sâu vào suy nghĩ của trẻ, cắm rễ trong đầu chúng. Vì thế, tâm sinh lý của chúng cũng tự nhiên dựa theo con đường như vậy mà phát triển, và không nghi ngờ gì, “cơ hội” cảm lạnh và tiêu chảy cũng theo đó mà gia tăng. Người mẹ hoài nghi, đứa trẻ cảm lạnh phải chăng là do suy nghĩ của mình mà ra?
Có những thói quen nhỏ, có thể không phải là thói quen tốt, nhưng không phải thực sự nghiêm trọng. Tuy nhiên một khi đến miệng của mẹ thì liền biến thành đại sự:
Ví như con chơi đồ chơi hơi bừa bộn vung vãi một chút cũng quát tháo ầm ĩ, con uống nước bị vãi ra một chút cũng mắng… Có thể cha mẹ không để ý, coi đó là việc bình thường, tuy nhiên lại là “khủng bố” đối với tâm lý của trẻ. Những năng lượng xấu từ những lời quát mắng này có thể ảnh hưởng đến trẻ, khiến trẻ thậm chí có thể gặp mộng khi ngủ, hoặc trở nên tự ti. Vậy nên, dù là việc nhỏ, cha mẹ cũng cần ân cần hướng dẫn trẻ, không nên vô cớ quát mắng trẻ.
Thông tin tích cực
Trẻ em rất dễ dàng tiếp nhận những tác động tâm lý cũng như thông tin tiêu cực; đối với thông tin tích cực cũng vậy, nếu cấp cho trẻ nhiều hơn, thì chúng sẽ tự nhiên ăn sâu trong trái tim chúng, và sau đó phát triển lên.
Ví như khi trẻ bị ngã, người mẹ không vội đỡ trẻ dậy, mà mỉm cười bảo con đứng lên, động viên con và có thể bảo trẻ xin lỗi con đường nhỏ vì đã đụng phải nó. Cho dù trẻ có trầy xước chút xíu, mẹ cũng chờ trẻ đứng lên sau đó mới đi xử lý, sau đó nói cho trẻ biết, hoàn toàn không sao cả, chỗ da này sẽ nhanh khỏi thôi.
Nếu làm như vậy vài lần, kết quả chính là, khi trẻ không may bị ngã thì sẽ không bao giờ khóc, mà vui vẻ đứng lên, sau đó giống như chưa có chuyện gì xảy ra và tiếp tục vui đùa.
Trong cuộc sống hàng ngày nếu cha mẹ biết thường xuyên khích lệ trẻ, thì chính là cấp cho trẻ những thông tin tich cực. Bởi khi được khen ngợi, trẻ sẽ cảm thấy “công sức” của mình được ghi nhận, làm hài lòng cha mẹ, từ đó mà càng trở nên cố gắng. Ví như từ việc học bài, vẽ tranh, quét nhà, giúp mẹ nấu ăn… nếu mẹ không ngừng cổ vũ đồng hành, trẻ sẽ không ngừng tiến bộ.
Con trẻ chính là chiếc gương phản chiếu cha mẹ
Thông qua những so sánh thì không khó để phát hiện thấy rằng, cha mẹ trong lời nói và hành động tích cực thì có thể kích thích những hành vi và lời nói tích cực của trẻ, và ngược lại. Con trẻ chính là chiếc gương phản ánh cha mẹ, nhất cử nhất động của chúng không phải là tồn tại mà không có sự liên quan.
Đương nhiên, không có một cha mẹ nào lại muốn lờii nói và hành động tiêu cực của mình làm ảnh hưởng đến con. Chỉ là trong một số tình huống không tự biết vô tình như vậy. Thời gian lâu đã thành thói quen, công việc cuộc sống áp lực, thời gian eo hẹp… đều khiến chúng ta bất tri bất giác đem các loại thông tin tiêu cực vào trong cuộc sống thường ngày, sau đó lại truyền cấp cho con mình.
Vậy nên, cha mẹ phải cẩn thận xem xét lại bản thân mình.
Sức mạnh của ý nghĩ
Suy nghĩ của con người là có sức ảnh hưởng rất lớn. Có rất nhiều ví dụ nổi tiếng, chứng minh ý nghĩ của con người có năng lượng rất lớn, có thể làm cho thân thể vốn không có vấn đề gì lại phát sinh bệnh tật, thậm chí dẫn đến cái chết. Ví như loại cảm xúc sợ hãi, nhiều khi đều là do tự mình dọa mình, một con chuột cũng khiến người ta sợ ngất đi. Còn có người bởi vì người khác nói họ sắc mặt không tốt, lúc đầu không tin, nhưng vài người đều nói như vậy, kết quả thực sự sinh bệnh. Chính là ý nghĩ của mình tự hại mình.
Cha mẹ cần học cách thay đổi
Trong khó khăn, nếu không ngừng nỗ lực cố gắng thì sẽ có kết quả tốt. Bởi vậy, cha mẹ đầu tiên phải chính bản thân mình có tư tưởng tích cực, sau đó trong sinh hoạt hàng ngày năng lượng tích cực này cũng sẽ ảnh hưởng đến con trẻ.
Ví như, cùng những tình huống như đã nói ở trên, chúng ta hoàn toàn có thể nói như thế này:
“Con dậy mặc quần áo đi, mặc vào sẽ ấm áp. Cần nhanh đi nhà trẻ, đồ ăn sáng nóng hổi đang chờ chúng ta đấy! Ngón tay không thích để con cắn đâu, nó thích ở bên ngoài chơi đùa cùng con! Đồ chơi sách báo sau khi dùng xong phải để về vị trí cũ, lần sau mới có thể tìm nhanh được! Nên đi ngủ sớm dậy sớm, mới có giấc mơ đẹp, như vậy mới có những câu chuyện thú vị để kể chứ!…”.
Nói những lời này, đứa trẻ có thể vẫn không nghe lời, tuy nhiên hướng phát triển hoàn toàn tích cực. Đứa trẻ tiếp nhận những thông tin tích cực, sẽ ghi nhớ trong lòng, tâm sinh lý cũng theo đó mà hình thành và phát triển.
Cùng một tình huống, nhưng nếu thay đổi ý nghĩ, thay đổi cách nói, kết quả thu được lại hoàn toàn khác nhau. Vậy các bậc cha mẹ, vì sao còn chưa chịu thay đổi đây!
Bảo An, theo kannewyork