Mẹ vài phút sơ sẩy, con bị mù một mắt cả đời
Sau tai nạn cướp đi thị lực mắt phải của con trai, một người mẹ đã rất ân hận về sơ suất của mình. Chị quyết định chia sẻ câu chuyện đau lòng của mình lên mạng để cảnh báo các bậc phụ huynh khác.
Con trai chị là Khả Khả, năm đó học lớp 2 ở tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc. Hôm ấy, cậu vừa hoàn thành tốt kỳ thi giữa kỳ nên được chị mua cho khá nhiều đồ ăn vặt.
Về đến nhà, Khả Khả vừa vui vẻ ăn bánh vừa xem hoạt hình, còn chị thì xuống bếp nấu cơm. Một lát sau, nghe tiếng la thất thanh của con trong phòng khách, chị vội vàng chạy lên thì thấy Khả Khả đang nằm lăn lộn trên sàn, vừa bịt mắt vừa khóc la đau đớn. Bên cạnh là một chai nước đã biến dạng do bị nổ, xung quanh nước tung tóe khắp nơi.
Cố gắng trấn tĩnh, chị gọi xe cấp cứu. Từ lúc xảy ra tai nạn đến khi Khả Khả được cấp cứu chỉ vỏn vẹn 20 phút, nhưng vẫn không thể cứu được mắt phải của cậu.
Bác sĩ cho biết, mắt phải của Khả Khả bị dung dịch kiềm ăn mòn, toàn bộ nhãn cầu bị tổn thương dẫn đến mất thị lực suốt đời, không cách nào cứu vãn.
Khi bác sĩ hỏi chuyện, cậu bé mới kể lại, lúc đó sau khi ăn hết đồ ăn vặt, cậu thấy trong hộp còn một gói nhỏ. Không biết đó là thứ gì nên cậu cầm lên xem, rồi đưa lên mũi ngửi. Sau đó, cậu bỗng nghĩ ra một trò là xé gói kia ra đổ vào một chai nước. Không ngờ vừa đổ vào, cả chai nước phát nổ. Cậu bé kể: “Ngay lúc đó, cháu thấy có thứ gì đó bắn vào mắt phải, cảm giác bỏng rát kinh khủng và rồi cháu thấy mắt không nhìn được nữa”. Gói nhỏ mà Khả Khả lấy chơi chính là gói hút ẩm thường thấy trong các hộp bánh, kẹo.
Mẹ Khả Khả đau lòng nói: “Là một người mẹ, tôi rất hối hận về sự thiếu hiểu biết và sơ suất của bản thân. Trước đây tôi chỉ biết rằng gói hút ẩm không thể ăn được nhưng không ngờ nó có thể gây nguy hiểm tới vậy”.
Đây không phải là tai nạn duy nhất liên quan đến gói hút ẩm. Năm 2012, một bé trai 6 tuổi ở Hà Nam, Trung Quốc cũng gặp sự cố tương tự. Khi em đang cầm gói hút ẩm chơi thì phần vỏ bên ngoài đột nhiên bị rách, một thứ bột màu trắng bắn lên mặt khiến 2 mắt em bị thương, mắt bên trái cứu được nhưng mắt phải không may bị mù.
Vậy vì sao gói hút ẩm lại nguy hại đến vậy?
Hiện nay thị trường có 2 loại chất hút ẩm phổ biến là hạt chống ẩm silicagel và chất hút ẩm với thành phần chủ yếu từ canxi oxit.
Hạt chống ẩm silicagel trong suốt, không màu, không độc, nhưng vì có tính hút nước, làm khan nên nếu không may trẻ nuốt phải hoặc bắn vào mắt cũng có thể gây nguy hiểm.
Còn trong trường hợp của Khả Khả, chất hút ẩm là thành phần canxi oxit.
Thành phần này gặp nước sẽ có phản ứng tỏa nhiệt, thậm chí là phát nổ, sản phẩm tạo thành là canxi hydroxit. Đây là chất lỏng kiềm mạnh có tính ăn mòn.
Cách xử lý khi gặp sự cố với gói hút ẩm
– Nếu dung dịch chất hút ẩm bắn lên da, nên rửa sạch vùng da với nước trong khoảng 15 phút và mau chóng đưa trẻ đi bệnh viện.
– Nếu chất hút ẩm phát nổ bắn vào mắt thì cần xả nước lên mắt trong khoảng 30 phút, và đưa tới bệnh viện điều trị.
– Nếu trẻ vô tình nuốt phải gói hút ẩm có thể bị bỏng đường tiêu hóa. Trường hợp này hãy lập tức cho trẻ uống nước nhưng không vượt quá 200ml và mau chóng đưa tới viện. Nếu chất hút ẩm là canxi oxit, có thể cho trẻ uống sữa để trung hòa bớt tính kiềm, giúp bảo vệ niêm mạc khoang miệng và thực quản của trẻ.
Vì gói hút ẩm được sử dụng rất nhiều trong thực phẩm, y học, thời trang, thiết bị điện,… nên các gia đình cần hết sức đề phòng, để các vật này tránh xa tầm tay của trẻ. Đối với các gói, hộp đồ ăn, tốt nhất nên kiểm tra xem trong đó có gói hút ẩm không và lấy ra trước khi đưa cho trẻ.
Ngoài ra, cha mẹ cũng nên dạy trẻ nhận biết thứ độc hại, cảnh báo trẻ về các mối nguy tương tự. Như vậy xác suất trẻ gặp nguy hiểm vì những vật này sẽ giảm đi đáng kể.
Thùy Linh (t/h)