Máy bay “ngày tận thế” – Trung tâm chỉ huy di động trên không của Mỹ
Chiếc máy bay Boeing E-4B này có thể trở thành một trung tâm chỉ huy di động của Mỹ, trong trường hợp xảy ra chiến tranh hạt nhân hay thảm họa.
Với biệt danh là máy bay “ngày tận thế”, E-4B đóng vai trò như một Trung tâm Điều hành Trên không của Mỹ. Vũ khí đặc biệt này là nhân tố không thể thiếu của Hệ thống Chỉ huy Quân sự Mỹ đối với Tổng thống, Bộ trưởng Quốc phòng và Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, là nơi bộ phận lãnh đạo đầu não của Mỹ trú ẩn trong trường hợp xảy ra chiến tranh hạt nhân hay thảm họa.
Các chuyên cơ “ngày tận thế” được nâng cấp từ Boeing 747 và mang tên E-4B hay “Trung tâm Điều hành An ninh Quốc gia trên không”. Lần gần đây nhất mà nó được đưa vào sử dụng là khi sự kiện 11/9/2001 xảy ra, NewYork Post đưa tin.
Business Insider mô tả E-4B có các lớp chắn nhiệt và hạt nhân, có thể chịu được cả bom xung điện từ (EMP). Máy bay có thể được tiếp liệu trên không, hoạt động lơ lửng trên bầu trời trong nhiều ngày liên tục mà không cần hạ cánh. Lý do duy nhất mà nó không thể bay lâu hơn, là bởi động cơ phải được tra dầu trên mặt đất.
Máy bay “ngày tận thế” của Mỹ có lớp bảo vệ chống phóng xạ, 67 đĩa ăng ten và vệ tinh cộng thêm hàng loạt phụ tùng công nghệ cao khác. Thiết bị liên lạc được đặt bên trong một bong bóng đặc biệt đằng sau buồng lái.
Máy bay “ngày tận thế” có 3 tầng và phi hành đoàn có thể lên tới 112 người, đội bay lớn nhất trên bất kỳ máy bay quân sự nào ở Mỹ và có lẽ là cả thế giới.
Không quân Mỹ có 4 máy bay E-4B đang hoạt động. Nước này bắt đầu sử dụng E-4B năm 1974, nhằm phản ứng ngay tức khắc với các tình huống khẩn cấp.
Thiết kế tối tân cho phép E-4B hoạt động tốt trước những đợt sóng xung kích cường độ cao từ một vụ nổ vũ khí hạt nhân. Kính buồng lái được gia cố để tăng khả năng chịu lực. Tuy nhiên, máy bay vẫn sử dụng công nghệ truyền dẫn truyền thống nhằm ngăn chặn tác động của vũ khí nguyên tử.
E-4B hoạt động với phi hành đoàn từ 48 tới 112 người, đông nhất trong lịch sử Không lực Mỹ.
TinhHoa tổng hợp