Mang trong mình “chân mệnh thiên tử”, Thần Phật ắt sẽ hiển linh phò trợ
Người xưa nói rằng, nếu muốn bình định thiên hạ, thì không những cần phải có năng lực và ý chí, mà càng quan trọng hơn nữa là có sự trợ giúp của ông trời. Đó cũng chính là thiên mệnh, cứ thuận theo ý trời mà làm, tự nhiên sẽ thành công.
Khi triều đại nhà Đường vừa được thành lập, quần hùng trong thiên hạ tập trung một chốn. Đường Cao Tổ đóng đô tại Quan Trung và xưng vương. Lý Thế Dân khi đó được phong làm Tần Vương.
Cùng lúc đó, Lưu Vũ Châu và Tiêu Tiển sống ở phía Tây Bắc, Vương Thế Sung sống ở trung tâm. Đối mặt với quân địch mạnh như vậy, Tần Vương không hề lo sợ, trong lòng chỉ mang theo sứ mệnh to lớn “Dẹp yên đại nạn, cứu giúp trăm họ”.
Trong “Tùy Đường diễn nghĩa” viết rằng, vào thời Vũ Đức năm thứ hai, Tần Vương đã xuất quân tấn công Vương Thế Sung, và đóng quân tại phía bắc Tuy Thủy. Tần Vương bình thường đối xử với khách khứa bạn bè đều giữ lễ nghĩa tôn kính, ví dụ như là đối với Đỗ Như Hối, Viên Thiên Cang, Lý Thuần Phong, Hầu Quân Tập, Diêu Tư Liêm, Hoàng Phủ Vô Dật… Do đó, chỉ cần Tần Vương xuất binh, thì tất cả bọn họ đều nguyện đi cùng để giúp đỡ trong chiến đấu cũng như hiến kế.
Vương Thế Sung thăm dò biết được Tần Vương sẽ đến nên đã dàn trận nghênh chiến. Tuy nhiên, đối mặt với đội quân tinh nhuệ của Tần Vương, Vương Thế Sung hoảng sợ ẩn mình trong thành, không dám ra ngoài.
Ngày hôm sau, Tần Vương tìm hiểu được rằng, ở cách thành 10 dặm về về phía Bắc, có ngọn núi Bắc Mang với nhiều loài chim lạ và quái thú, tùng bách xanh biếc. Đó chính là một nơi tốt để săn bắn.
Lý Thuần Phong can ngăn, nói rằng: “Điện hạ sẽ có trăm ngày gặp họa, không thể cầm cung cưỡi ngựa đi xa; hơn nữa dưới đó có sắc xanh, không dễ gì đi được“. Nhưng Tần Vương cảm thấy việc được cưỡi ngựa bắn cung hết sức sảng khoái, thế là đã dẫn theo hơn chục người đi đến núi Bắc Mang.
Vào đến giữa núi, Tần Vương vì đuổi theo một con nai trắng mà đã vô tình đến một cánh cổng thành, phía trên có treo tấm biển ghi 3 chữ “Kim Dung thành”, đây chính là nơi cư trú của Lý Mật. Tình cờ ông bị những người lính canh trông thấy, nên đã đi vào thông báo.
Trình Chi Tiết, Tần Thúc Bảo ngay lập tức đến truy sát, Tần Vương đã dũng mãnh ứng chiến, nhưng thuộc hạ Mã Tam Bảo vẫn bị Tần Thúc Bảo bắt giữ. Tần Vương đánh không lại chỉ còn cách chạy trốn vào một ngôi miếu.
Trình Tri Tiết vội đuổi theo vào miếu, lúc đó Thúc Bảo cũng đuổi kịp đến. Hai người lục soát khắp bên trong, phát hiện Tần Vương đang ẩn mình dưới chiếc bàn quý, khắp người được bao phủ bởi ánh sáng màu đỏ, khói tím giăng đầy. Trong màn khói mờ mịt ấy, bỗng xuất hiện một con rồng vàng có 8 móng vuốt.
Tri Tiết ở phía khác cũng đã nhìn thấy Tần Vương, liền giơ rìu định chém xuống. Thúc Bảo biết được Tần Vương là chân mệnh thiên tử nên đã lao về trước cản lại, dùng song giản (một loại vũ khí thời xưa) giữ lại chiếc rìu, cứu lấy Tần Vương. Sau đó, Tần Vương đã được đưa vào trong phủ của Lý Mật.
Cao Tổ biết chuyện Tần Vương bị Lý Mật giam vào Nam lao nên đã phái Lưu Văn Tịnh mang lễ vật đến ứng cứu, nhưng Lưu Văn Tịnh cũng bị bắt giam vào ngục.
Từ Thế Tích thấy rằng Lý Mật là một kẻ mới được thắng lợi nhỏ mà đã kiêu ngạo tự cao, nên cho rằng người này chắc chắn sẽ bị đánh bại sớm; còn Tần Thúc Bảo thì nhìn thấy được Tần Vương mới chính là chân quân, đã đi kể với người bạn Ngụy Chính rằng ngày hôm kia đã trông thấy cảnh tượng toàn thân Tần Vương được bao phủ bởi ánh sáng đỏ, được rồng vàng hiện thân ôm lấy bảo vệ.
Ngụy Chính nói: “Chim tốt chọn cây mà đậu, hiền thần chọn chủ mà hành sự. Nay chúa thượng hành xử hung bạo lại kiêu căng ngạo mạn. Nhà Đường tuy được lập chưa lâu nhưng chắc rằng sau tất hùng mạnh. Nay nhân dịp chúa thượng chưa trở về, ta hãy thả Tần Vương ra, làm một chuyện nhân nghĩa này, ngày sau chúng ta ắt sẽ dễ bề diện kiến“.
Thế là 3 người Từ Thế Tích, Ngụy Chính, Tần Thúc Bảo đã lén lút thả Tần Vương và Lưu Văn Tịnh về nước vào tháng 2 mùa xuân năm Vũ Đức thứ 2.
Tất cả mọi việc đã xảy ra trong lịch sử ắt hẳn đã có sự an bài sẵn rồi. Sở dĩ Tần Vương bị giam vào Nam lao, có lẽ là cái duyên để ông có thể kết giao với các vị anh hùng tại đây. Anh hùng trong lao ngục đúng là hoàn toàn khác với người tầm thường trong lao ngục.
Vào tháng 7 năm Vũ Đức thứ 3 (năm 620), Tần Vương một lần nữa dẫn một đoàn binh, xuất phát từ Tây đô Trường An đi tấn công Lạc Dương đang bị Vương Thế Sung chiếm đóng. Quân đội tiến vào Cốc Châu. Thế Sung dẫn 30.000 binh lính dàn trận tại Từ Giản, Tần Vương mang theo một đội kỵ binh trang bị nhẹ nhàng đến khiêu chiến. Lúc đó, quân Tần Vương ít hơn quân địch, nên đã bị vây kín, những người xung quanh đều cảm thấy sợ hãi.
Tần Vương ra lệnh cho những người bên cạnh quay trở về trước, và tự mình tiến lên chiến đấu. Dũng tướng của Vương Thế Sung là Đơn Hùng Tín dẫn theo hàng trăm kỵ binh ép chiến ở khe núi, 2 đội quân giao tranh kịch liệt, Tần Vương gần như đã bị họ đánh bại.
Tuy nhiên, Tần Vương vô cùng dũng cảm, bắn cung liên tục hết trái rồi phải, kẻ địch nào cũng trúng tên mà ngã xuống, trận chiến này đã bắt được đại tướng Yến Khẩn của Vương Thế Sung. Tần Vương có tấm lòng nhân đức, nơi nào quân đội đi đến, các tướng lĩnh của Vương Thế Sung đều tự nguyện đầu hàng.
Vào tháng 9/620, Tần Vương mang 500 kỵ binh đi quan sát chiến địa, bỗng Vương Thế Sung dẫn theo 10.000 kỵ binh đột nhiên xuất hiện bao vây quanh đội quân của Tần Vương. Đại tướng Đơn Hùng Tín của Vương Thế Sung tiến thẳng về phía Tần Vương.
Nhìn thấy Tần Vương rơi vào nguy hiểm, Uất Trì Kính Đức phi ngựa hét to chạy đến, đâm Đơn Hùng Tín ngã xuống ngựa. Sau đó, Uất Trì Kính Đức bảo vệ Tần Vương lao ra khỏi vòng vây. Sau khi hai bên giao chiến, quân đội của Vương Thế Sung đánh không lại đội quân tinh nhuệ của Tần Vương nên đã thất bại chạy trốn. Hơn 3000 kẻ địch bị chặt đầu, Vương Thế Sung một mình thoát thân.
Theo “Cựu Đường sách” ghi chép: Ngày 30/10 năm Vũ Đức thứ 3, có một thiên thạch rơi xuống phía Đông của thành, âm thanh vang dội. Người ta cho rằng, “đây là điềm báo về cái chết của Vương Thế Sung”. Năm Vũ Đức thứ 4, Tần Vương bày trận ở núi Bắc Mang, Vương Thế Sung do thám biết được Tần Vương sắp đến nên dàn trận chuẩn bị ứng chiến.
Khi 2 đội quân giao tranh, đội quân tinh nhuệ của nhà Đường vô cùng dũng cảm, quân của Vương Thế Sung thì liều chết chiến đấu. Mãi cho đến giờ thìn, quân của Thế Sung mới chịu rút lui, Vương Thế Sung kinh sợ chạy vào thành, trốn mãi không ra mà chờ cứu viện của Đậu Kiến Đức. Lúc này, Tần Vương tiến quân vào cắm trại tại thành Lạc Dương.
Sau đó, Tần Vương đích thân dẫn 3500 binh sĩ đóng quân ở Vũ Lao để ngăn cản đội quân của Đậu Kiến Đức tiến về phía Tây ứng cứu. Sau hơn 20 ngày nhử binh, Đậu Kiện Đức đã trúng kế, dốc toàn bộ lực lượng hàng trăm ngàn quân cộng với quân đội của Vương Thế Sung, kéo dài hàng dặm, đánh trống hò hét vang trời.
Do lực lượng hai bên quá chênh lệch, lại gặp phải trận địa kinh thiên động địa như vậy nên các tướng lĩnh của Tần Vương lòng đầy lo sợ. Tần Vương bèn nói: “Kẻ cướp chưa thấy qua kẻ thù lớn, vượt qua nguy hiểm liền hét to, điều đó chỉ cho thấy rằng họ không có kỷ luật. Nay chúng ta chỉ cần án binh bất động, thời gian đóng quân càng dài thì binh sĩ sẽ đói, sẽ tự động rút lui mà thôi, nhân lúc đó chúng ta tấn công, có thể là bất khả chiến bại“. Và hứa lời chắc nịch với ba quân rằng họ sẽ hạ được quân địch sau buổi trưa.
Đậu Kiến Đức đóng quân từ giờ Thìn đến giờ Ngọ, binh lính đều vô cùng đói khát và mệt mỏi, có người ngồi sụp xuống đất, có người giành nước để uống, cả đoàn quân phân tán tứ tung. Đậu Kiến Đức thấy vậy, chỉ còn cách hạ lệnh cho đoàn quân rút lui.
Tần Vương nhân cơ hội này liền tấn công, dẫn Sử Đại Nại, Trình Giảo Kim, Tần Thúc Bảo, Vũ Văn Hâm… cầm cờ vẫy xông lên và nhanh chóng tiến vào trong lòng quân địch, rồi trực tiếp phá vỡ trận địa của họ. Quân địch quay đầu lại nhìn thấy phía sau đoàn quân nhà Đường đang giương cờ, hò hét xông lên, cảm thấy hoàn toàn sụp đổ.
Tần Vương đã phá vỡ trận địa hơn 100 ngàn binh sĩ của Đậu Kiến Đức, bắt được hơn 50 ngàn người của ông ta và bắt sống Đậu ngay tại chiến trường. Vương Thế Sung vô cùng sợ hãi, đã dẫn hơn 2.000 binh của mình đến trước doanh trại để đầu hàng.
Trong trận chiến tại Vũ Lao này, Huyền Giáp Binh (đội quân áo giáp đen) đã lập nên một chiến công hiển hách. Mỗi binh lính trong Huyền Giáp Binh đều là một cá nhân tinh anh, lại được thêm sự lãnh đạo kỳ tài của Tần Vương, đã dẫn dắt đội quân này liên tiếp tạo nên nhiều kỳ tích trên chiến trường.
“Toàn Đường văn” của Lục Nguyên Lang có ghi rằng: Sau khi Tần Vương bắt sống Vương Thế Sung và Đậu Kiến Đức, trên đường quân lính chiến thắng trở về đã nghỉ ngơi qua đêm tại Quảng Vũ. Trong cơn mưa đêm, Tần Vương nhìn thấy “Bồ Tát Quán Âm, thân vàng tỏa sáng”, xuất hiện ở phía Đông Nam của bầu trời.
Tần Vương bèn khấu đầu vái lạy, cung kính chiêm ngưỡng và hân hoan nói với các tướng lĩnh rằng: “Đây là do chiến sự đã được hoàn tất, được sự ban phước của các vị Thần, công đức thật vĩ đại!”. Thế là Cao Tổ đã ra lệnh cho xây dựng chùa Quan Âm, và dựng nên một bia đá tưởng niệm tại đây. Chùa Quan Âm được hoàn thành vào năm Vũ Đức thứ 5, đánh dấu một thời kỳ lịch sử huy hoàng và thành tựu chiến sự vẻ vang.
Tuệ Tâm, theo NTDTV