Ly kỳ chuyện 2 người nằm mộng cùng thấy 1 bản án
Tùy theo thiện ác mỗi người làm ra lúc ở nhân gian, mà kiếp sau số phận của họ được an bài như thế nào. Có người nằm mộng được người âm mách bảo, biết trước việc đầu thai của người ta, đó là việc được ghi lại trong sách cổ.
Cảnh trong giấc mơ đối với con người hiện đại là một thế giới kỳ lạ, người xưa đối với những lời nhắc nhở trong mộng cảnh thường rất tin tưởng, không nghi ngờ. Sách cổ cũng ghi lại những câu chuyện mà các nhà khoa học hiện đại không thể giải thích được: Hai người mơ cùng một giấc mơ, trở thành nhân chứng trong một giấc mơ.
Nằm mộng được người chồng cũ báo trước nơi chuyển thế
Năm Thiên Bảo thứ 2 đời Bắc Tề (551), Ngụy Thu phụng mệnh biên soạn bộ sách “Ngụy Thư”, phải mất 3 năm mới hoàn thành, thế nhưng trong sách có nhiều nội dung không chính xác, khiến trong triều đình xảy ra mâu thuẫn, các quần thần xôn xao, náo loạn.
Các đại thần như Lý Thứ, Lô Phỉ, Vương Tùng Niên cùng liên kết lại kháng án để bác bỏ việc xuyên tạc sự thật của Ngụy Thu. Kể từ đó, kẻ gian bắt đầu cản trở, vu khống hãm hại Lý Thứ, khiến Văn Tuyên Đế của Bắc Tề giận dữ, đem nhóm người của Lý Thứ ra cạo đầu, đánh 200 trượng rồi nhốt vào đại lao. Cuối cùng Lý Thứ phải chết oan trong ngục.
Sau khi Lý Thứ chết, vợ của ông là Nguyên thị vô cùng đau khổ. Anh trai của Lý Thứ là Lý Nhạc nói với vợ mình đến an ủi và bầu bạn với Nguyên thị. 5 năm sau, Nguyên thị tái giá với Triệu Khởi.
Một ngày nọ, trong giấc mơ Nguyên thị nhìn thấy người chồng cũ Lý Thứ nói với mình: “Phúc đức của ta quá mỏng, nên giờ phải thác sinh làm con gái nhà họ Lưu, ngày mai sẽ được sinh ra. Tuy nhiên, vì Lưu gia quá nghèo khó, e rằng sẽ không thể nuôi dưỡng được ta. Vì tình nghĩa khi xưa của chúng ta, mong nàng có thể tới Lưu gia nhận ta về nuôi dưỡng được không?”.
Lý Thứ đã nói rất rõ ràng địa chỉ của nhà họ Lưu cho Nguyên thị. Nhưng trong mơ Nguyên thị không dám đồng ý lời thỉnh cầu của người chồng cũ, bởi dù sao nàng cũng là một người phụ nữ đã tái giá, nên chuyện này không thể tự mình làm chủ được.
Lý Thứ nhìn vào đôi mắt của nàng, hiểu được sự lo lắng đó, liền nói: “Có vẻ như nàng rất sợ Triệu Khởi, nàng đừng lo lắng, để ta đi nói chuyện với hắn”. Thế là, Lý Thứ lại đi vào giấc mơ của Triệu Khởi, cũng nói rõ việc sắp đầu thai của mình.
Hôm sau khi Triệu Khởi tỉnh dậy liền hỏi Nguyên thị về người chồng trước kia của nàng. Thì ra Lý Thứ đã nói với 2 người họ thông qua 2 giấc mơ giống nhau. Triệu Khởi biết được chuyện này, trong lòng cảm thấy rất kinh ngạc, liền mang tiền và tơ lụa đi đến nhà họ Lưu để xin đứa bé vừa mới được sinh ra mang về nhà nuôi.
Những ghi chép về giấc mơ của người xưa trong chính sử khiến chúng ta mỗi khi đọc xong khôi khỏi cảm thán. Chúng ta không thể không tin, cái chết không phải là sự kết thúc của sự sống, mà sau khi chết con người sẽ tiếp tục luân hồi chuyển sinh, và họ sẽ nối lại duyên phận với người có duyên ở kiếp trước.
Giấc mơ kì lạ tiết lộ kẻ phỉ báng Phật sẽ rơi vào Địa ngục Nê Lê
Dưới thời nhà Đường, Thái sử lệnh Phó Dịch là một người rất có khả năng ăn nói, đặc biệt sở trường của ông là hùng biện, ông rất am hiểu về lịch thiên văn, nhưng ông lại dùng tài ăn nói của mình để phỉ báng Phật môn, bất kính với tăng nhân, ông thường đem tượng Phật ra làm gạch ngói để sử dụng.
Lúc đó, ba người là Phó Dịch, Phó Nhân Quân và Tiết Trách đều là Thái sử lệnh. Tiết Trách thiếu nợ Phó Nhân Quân 5 ngàn quan tiền, vẫn chưa kịp trả thì Phó Nhân Quân đã qua đời. Vào một đêm, Tiết Trách nằm mơ thấy Nhân Quân. Trong giấc mơ ông hỏi Nhân Quân rằng: “Số tiền mà ta nợ ngài, vẫn chưa kịp trả, bây giờ ngài chết rồi, ta nên đưa tiền cho ai đây?”.
Nhân Quân đáp: “Ngài có thể trả tiền cho người cày đất”. Tiết Trách thắc mắc liền hỏi: “Ai là người cày đất?”. Nhân Quân nói: “Thái sử lệnh Phó Dịch chính là người cày đất”. Tiết Trách nghe đến đó thì tỉnh dậy.
Cũng tối hôm đó, Thiểu phú giám Phùng Trường Mệnh cũng nằm mơ thấy mình đi đến một nơi, và gặp rất nhiều những người đã khuất ở đó. Trong mơ, Phùng Trường Mệnh hỏi một người quá cố: “Trong kinh thư viết, ác hữu ác báo, thiện hữu thiện báo, không biết là có đúng như vậy không?”.
Người quá cố nói: “Đương nhiên là có”.
Phùng Trường Mệnh lại hỏi: “Những người như Phó Dịch, cả đời không tin vào Phật Pháp, sau khi chết sẽ phải chịu báo ứng gì?”.
Người quá cố nói: “Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo, đây là một điều thực sự tồn tại. Đối với Phó Dịch, hắn đã bị đày đến địa ngục Nê Lê, làm người cày đất rồi”. Địa ngục Nê Lê hay còn gọi là “Vô Gián địa ngục”.
Buổi sáng hôm sau, Phùng Trường Mệnh vào cung và gặp Tiết Trách, liền kể lại giấc mơ tối qua của mình. Tiết Trách rất kinh ngạc, ông cũng đem giấc mơ “người cày đất” nói với Phùng Trường Mệnh. Họ thật không ngờ giấc mơ của mình lại trùng khớp đến vậy.
Hai vị đại thần trong lòng thấy cảm thán, những câu chuyện thiện ác có báo ứng thật rõ ràng, họ không thể không tin điều đó. Tiết Trách nghe theo lời dặn dò trong giấc mơ đã trả nợ cho Phó Dịch và kể về giấc mơ của mình cho Phó Dịch. Không ngờ mấy ngày sau, mùa thu năm 14 Trinh Quán, Phó Dịch đột ngột qua đời.
Mặc dù Lý Thứ của thời đại Bắc Tề đã chết nhưng ông vẫn có thể nhập vào giấc mơ của người vợ, báo cho nàng biết sự đầu thai của mình. Phó Dịch dưới triều Đường vẫn còn sống, nhưng hai người bạn đồng sự của ông lại có thể biết trước được Phó Dịch sẽ bị đày xuống địa ngục Nê Lê.
Từ 2 câu chuyện trên có thể thấy, cái chết dường như không phải là kết thúc sinh mệnh của con người, ngoài không gian chúng ta đang sinh tồn này, còn những thời gian, không gian khác mà con người chúng ta vẫn chưa thể khám phá ra hết được.
>>> Giấc mộng Nam Kha – Đời người tựa giấc chiêm bao
Thanh Thư (biên dịch)