Lý do chúng ta đeo nhẫn cưới ở ngón áp út
Nhẫn cưới được đeo ở ngón áp út với ý nghĩa tượng trưng cho sự bền chặt của tình yêu và hôn nhân.
Nhẫn cưới tượng trưng sự vĩnh hằng của tình yêu, là kỷ vật thiêng liêng mà bất cứ đôi vợ chồng nào trên thế giới cũng xem trọng. Đoạn video dưới đây sẽ cho bạn thấy lý do tại sao chúng ta đeo nhẫn cưới ở ngón áp út.
Việc đeo nhẫn ở ngón áp út xuất phát từ kinh nghiệm dân gian xa xưa. Theo đó, khi bạn để hai bàn tay đối diện, hai ngón giữa gập lại và áp sát vào nhau. Tiếp đến mở hai bàn tay ra mà vẫn để các ngón còn lại chống vào nhau ở đầu ngón. Bạn sẽ thấy điều thú vị xảy ra. Các ngón tay khác dễ dàng tách ra, chỉ riêng ngón áp út là không thể rời. Điều đó khiến người xưa nghĩ ngay đến sự bền chặt của tình yêu và hôn nhân.
Thông thường, nhẫn cưới được đeo ngón áp úp nơi bàn tay trái. Tuy nhiên, có một số trường hợp khác biệt do quan niệm và phong tục bản địa, chẳng hạn như phụ nữ người Do Thái lại chỉ đeo nhẫn ở ngón tay trỏ bởi vì đó là ngón mà với nó họ chỉ vào kinh Torah khi đọc.
Theo giới khoa học, nhẫn cưới có nguồn gốc từ văn minh Ai Cập cổ đại cách đây hơn 6000 năm. Khi đó, con người xem vòng tròn như một biểu tượng vẹn nguyên, bảo vệ hạnh phúc lứa đôi bền vững.
Việc đàn ông cũng phải đeo nhẫn cưới là một tục lệ tương đối mới. Mãi cho tới giữa thế kỷ 20, hầu như chỉ có phụ nữ mới đeo nhẫn cưới.
Khi chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra và rất nhiều người đàn ông trẻ phải đối mặt với việc chia tay những người vợ trẻ đẹp của mình để ra chiến trường trong một thời gian dài, họ bắt đầu đeo những chiếc nhẫn cưới như biểu tượng của hôn nhân và sự gợi nhớ tới người vợ của họ.
Đó là một hành động rất lãng mạn và tràn đầy tình yêu của người đàn ông có trách nhiệm, chính vì vậy nó đã tồn tại đến tận thời nay, trong đám cưới chú rể cũng được cô dâu trao lại nhẫn trong ngày cưới.
Theo vntinnhanh