Lương thấp, nhiều công nhân lao động phải bán mình đẻ thuê
Thu nhập quá thấp, nhiều công nhân không đủ tiền để chi tiêu cho cuộc sống bắt buộc phải cày ngày cày đêm, làm thêm ngoài giờ, dẫn đến tình trạng không thể chăm lo được cuộc sống gia đình, sức khỏe, thậm chí nhiều nữ công nhân chấp nhận bán mình đẻ thuê để có thêm thu nhập.
Mới đây, tổ chức Oxfam đã đưa ra hàng loạt các con số từ các nghiên cứu khoa học cho thấy nhiều người lao động đang có cuộc sống rất khó khăn vì mức thu nhập quá thấp. Cụ thể, một nghiên cứu mới đây của tổ chức này cho thấy có đến 53% người lao động được khảo sát không có đủ tiền trang trải chi phí khám chữa bệnh và thuốc men, không dám đi khám bệnh; 10% công nhân bày tỏ khó khăn về quyết định sinh con. 20% không đủ tiền để mua đồ dùng học tập cho con cái. 37% luôn trong tình trạng vay nợ bạn bè để bù đắp những thiếu hụt trong chi tiêu.
Hầu hết những công nhân đều có mức lương “dưới” mức đủ sống, trong đó 99% công nhân may có mức lương thấp hơn mức Sàn lương châu Á. Họ đang phải trường kỳ vật lộn để nuôi sống bản thân, gia đình, thậm chí có những lúc bị đói.
Từ thực tế đời sống, việc làm của những công nhân lao động tại Thủ đô Hà Nội, ông Nguyễn Đình Thắng – Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đặt câu hỏi: “Với thu nhập phổ biến ở mức khoảng 6 triệu đồng/tháng, sống tại Thủ đô Hà Nội, liệu gia đình công nhân lao động có đủ chi tiêu hay không?”
Video: Công nhân may làm nhiều nhưng lương không đủ sống. (Nguồn: RFA Tiếng Việt)
Đó chỉ mới là gánh nặng về nhiều loại chi phí như nhà ở, nhà trẻ, nuôi con… Trong khi đó, hiện Hà Nội có 9 khu công nghiệp, tập trung nhiều lao động ngoại tỉnh nhưng chỉ duy nhất một khu công nghiệp có nhà trẻ, hầu hết công nhân phải gửi con ngoài với chi phí đắt đỏ hơn (ít nhất với giá trên 2 triệu đồng/tháng), và mức thuê nhà trọ trung bình cũng phải 1,5-1,8 triệu đồng/tháng…
“Chúng tôi đến thăm công nhân đang thuê trọ, phải chứng kiến cảnh một gian nhà hơn 10m2, trần lợp pro-ximăng mà có tới 4 người ở: Vợ chồng công nhân, bà từ quê lên trông cháu. Trong gian nhà có mỗi tấm dát giường, tủ vải – theo công nhân – vừa là chỗ đựng quần áo, vừa là chỗ thay quần áo… không có món đồ nào giá trị! Điều này chứng tỏ cuộc sống của công nhân hiện nay chắc chắn dưới mức tối thiểu” – ông Thắng nhận định.
“Mức lương cơ bản không đủ nên hầu hết người lao động đều chọn làm thêm giờ. Người lao động di cư muốn làm thêm giờ càng nhiều càng tốt để đủ tiền nuôi sống họ và gia đình, con cái”, bà Hà Đình An, quản lý chương trình quyền lao động, CDI, chia sẻ.
Nguyên Viện trưởng Viện công nhân công đoàn cũng cho rằng, hiện nay cách tính lương tối thiểu căn cứ vào mức dãn cách tối thiểu giữa mức sống tối thiểu và mức lương tối thiểu, sự tăng trưởng của nền kinh tế và chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng GDP cao, khoảng 7%, chỉ số CPI duy trì ở mức xấp xỉ 4%. Trong khi nền kinh tế tăng trưởng cao, nhưng mỗi kỳ tiền lương chỉ tăng lên hơn 100.000 đồng, “chỉ hơn 1 gói kẹo Thái”.
PGS -TS Vũ Quang Thọ cũng bày tỏ, “Không cần phải tô vẽ thêm chỉ cần chúng ta đến khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội) có thể thấy rõ cuộc sống khó khăn của người lao động. Vì tiền lương không đủ đáp ứng nhu cầu họ sẵn sàng làm mọi việc kể cả chửa thuê và đẻ thuê”.
Theo ông Thọ, đây không phải là chuyện hiếm gặp, cách đây 8 năm, ông đã từng tiếp xúc với nữ công nhân ở Khu công nghiệp (KCN) Đồng Nai nhận đẻ thuê với thù lao 12.000 USD, tương đương với giá 300 triệu đồng. Đến nay, dịch vụ đẻ thuê đã lan ra các KCN Bắc.
“Cực chẳng đã, công nhân mới phải làm việc này. Do tiền lương thấp, tiền lương không đủ sống, nên người lao động sẵn sàng làm những gì mà họ có thể làm, để đảm bảo cuộc sống cho gia đình họ. Hình ảnh người công nhân 5 “không” (không tiền lương, không nhà cửa, không bảo hiểm, không gia đình, không tương lai) vô cùng tăm tối. Đây là vấn đề đáng để các nhà làm chính sách và chúng ta phải suy nghĩ. Tôi mong rằng các thành viên Hội đồng tiền lương cân nhắc tăng lương tối thiểu để bảo vệ những người lao động yếu thế”, ông Thọ chia sẻ.
Không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của công nhân, theo nghiên cứu của tổ chức Oxfam, lương thấp cũng là nguyên nhân của phần lớn các tranh chấp lao động và đình công ở Việt Nam hiện nay, khiến quan hệ lao động thêm phần phức tạp.
Từ đó qua khảo sát nguyện vọng của những công nhân lao động tại các khu công nghiệp và chế xuất, họ mong muốn lương tối thiểu năm 2020 sẽ tăng thêm 9%, mới đảm bảo được đời sống cho gia đình.
Anh Thư (t/h)