Luật sư Lương Gia Kiệt: “Luật cấm che mặt” mất hiệu lực, Bắc Kinh tốt nhất đừng nói gì
Vào thứ Ba (ngày 10/12), Tòa phúc thẩm của Tòa án Tối cao Hồng Kông đã từ chối đơn xin phép lệnh tạm hoãn thi hành của chính phủ. Luật sư thâm niên Hồng Kông Lương Gia Kiệt (Alan Leong) nói rằng, không cảm thấy bất ngờ với phán quyết này, Bắc Kinh tốt nhất là đừng nói thêm điều gì.
Tháng trước, Tòa sơ thẩm của Tòa án tối cao Hồng Kông phán quyết rằng Chính phủ Hồng Kông sử dụng “Luật khẩn cấp” để ban hành “Luật cấm che mặt” là trái với Hiến pháp. Sau đó Chính phủ Hồng Kông đã nộp đơn lên Tòa phúc thẩm để tạm hoãn phán quyết cho đến khi có kết quả kháng án.
Tuy nhiên vào thứ 3, Tòa phúc thẩm đã từ chối đơn của chính phủ Hồng Kông. Điều này có nghĩa là “Luật cấm che mặt” đã mất đi hiệu lực, và cảnh sát không thể bắt người theo luật này cho đến khi tòa phúc thẩm tổ chức phiên tòa xét xử kháng cáo của Bộ Tư pháp từ ngày 9 đến ngày 10 tháng 1 năm sau.
Lương Gia Kiệt: Không cảm thấy bất ngờ trước phán quyết
Chủ tịch Đảng Công dân Lương Gia Kiệt, một luật sư thâm niên, trong một cuộc phỏng vấn với VOA đã nói rằng: “Thực ra tôi luôn thấy rằng, quyết định này của Tòa án Tối cao rất đúng đắn, chính là nói rằng chính phủ vốn dĩ không nên nộp đơn tạm hoãn thực hiện phán quyết sơ thẩm”.
Ông Lương Gia Kiệt, người từng đảm nhiệm chức Chủ tịch Đoàn luật sư Hồng Kông cho rằng, bởi vì “Luật cấm che mặt” là một luật tự nhiên sinh ra, thực sự không tìm ra lý do nào để chính phủ Hồng Kông ban hành luật này. Lý do duy nhất có thể là bởi vì Trưởng Đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) “tự cao tự đại”, cho rằng danh tiếng của bà đã bị xúc phạm.
Lương Gia Kiệt cho rằng, “Luật khẩn cấp” ban hành trong thời kỳ thuộc địa của Hồng Kông năm 1922 hiện đã lỗi thời và cần được bãi bỏ. Mà “Luật cấm che mặt” không có chút tác dụng nào, là một việc làm thừa thãi.
Vào ngày 4/10, Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã sử dụng “Luật khẩn cấp” để ban hành “Luật cấm che mặt” và có hiệu lực vào ngày hôm sau. Tuy nhiên, điều luật này không những không làm dịu đi tình hình ở Hồng Kông, mà còn gây ra các cuộc diễu hành biểu tình quy mô lớn, và nhận được nhiều đơn xin xem xét tư pháp.
Lương Gia Kiệt: Tốt nhất Bắc Kinh đừng nói gì hết
Đối với việc “Luật cấm che mặt” mất đi hiệu lực, đến nay Bắc Kinh vẫn chưa đáp lại. Lương Gia Kiệt cho rằng, tốt nhất Bắc Kinh đừng nói gì hết: “Nếu như Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thực sự tôn trọng sự độc lập tư pháp của Hồng Kông, tuyệt đối đừng chỉ chỉ trỏ trỏ, đặc biệt là sau khi Tòa án Tối cao đưa ra phán quyết, vì tòa án có quyền tự chủ tư pháp. Bây giờ nếu như họ lớn tiếng phê bình thẩm phán, họ thật không tôn trọng chế độ pháp trị của Hồng Kông”.
Dương Quang, người phát ngôn của Văn phòng các vấn đề Hồng Kông – Ma Cao thuộc Quốc vụ viện ĐCSTQ, đã tuyên bố ngay sau khi Tòa án Tối cao Hồng Kông tuyên bố “Luật cấm che mặt” là trái Hiến pháp, nói rằng phán quyết này “công khai khiêu chiến quyền uy của Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc và quyền lực quản trị mà pháp luật phó thác cho Trưởng Đặc khu, sẽ gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng về mặt chính trị xã hội”.
Tang Thiết Vĩ, phát ngôn viên của Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu Nhân dân Trung Quốc cũng tuyên bố vào thời điểm đó, luật pháp của Đặc khu hành chính Hồng Kông có phù hợp với Luật cơ bản của Hồng Kông hay không, chỉ có thể được nhận xét và quyết định bởi Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, bất cứ cơ quan nào cũng không có quyền nhận xét và quyết định.
Tuy nhiên, giới pháp luật Hồng Kông không cho rằng như vậy. Lý Trụ Minh, luật sư thâm niên của Hồng Kông nói trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với VOA rằng, nếu Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc can thiệp, nó sẽ phá hủy hệ thống Tư pháp của Hồng Kông.
Trần Văn Mẫn, giáo sư luật học nghiên cứu Hiến pháp của Đại học Hồng Kông cũng nói rằng, việc bày tỏ thái độ có liên quan của Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu là “không sáng suốt”, hơn nữa không phù hợp với các quy định liên quan của Điều 158 Luật Cơ bản.
Lương Gia Kiệt: Người Hồng Kông chuẩn bị cho cuộc phản kháng trường kỳ
Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo ở Hồng Kông? Lương Gia Kiệt cho rằng, sau khi Hoa Kỳ thông qua “Dự luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông”, nhiều quốc gia đang hành động để hỗ trợ Hồng Kông.
“Trong tình hình quốc tế như vậy, tôi thấy Tập Cận Bình sẽ không có lựa chọn nào khác. Ông ta không thể lại dốc sức trấn áp nữa, bởi vì nếu như vậy, tôi e là ĐCSTQ khó giữ được mình trong nội địa”.
Lương Gia Kiệt cho rằng, Bắc Kinh và Chính phủ Hồng Kông trước tiên có thể loại bỏ những người chịu trách nhiệm cao nhất về sự hỗn loạn ở Hồng Kông, bắt đầu từ cục trưởng, sau đó thành lập một ủy ban điều tra độc lập để giải quyết các vấn đề định tính trong phong trào quần chúng lần này.
Ông nói, tình hình ở Hồng Kông sẽ phát triển như thế nào tùy thuộc vào việc Bắc Kinh có thể nắm bắt cơ hội hay không. Ông còn nói rằng, phe dân chủ Hồng Kông đã sẵn sàng cho các cuộc đấu tranh lâu dài, bao gồm tập trung vào cuộc bầu cử Hội Lập pháp vào tháng 9/2020, tranh thủ giành được nhiều nhất số ghế của Hội Lập pháp trong các tổ chức năng chuyên biệt.
Minh Huy (Theo Epoch Times)