Long Quân liều mình làm mưa cứu dân, siêu thoát đắc quả vị
Rồng đã thâm nhập vào mọi lĩnh vực của văn hoá cổ truyền, và đã trở thành biểu tượng tinh thần mạnh mẽ cho người châu Á. Nhiều truyền thuyết về Long Quân làm mưa giúp dân đã được lưu danh sử sách.
Triều đại nhà Đường có truyền thuyết về vị tăng nhân tên Thích Huyền Chiếu vì cầu mưa đã khiến ba vị Hắc Long phải bị trời phạt. Cũng may được dược vương Tôn Tư Mạc cứu giúp Hắc Long mới có thể tránh được nạn. Trong “Di kiên chí” vào triều đại nhà Kim, cũng có câu chuyện tương tự, một vị Long Quân xả thân làm mưa, không chỉ giải quyết được tình hình hạn hán, mà cuối cùng cũng được siêu thoát, trở thành một vị bồ tát trong dòng tộc rồng.
Năm Hoàng Thống triều đại nhà Kim (1141-1149), tại phủ Hà Trung (nay là Vĩnh Tể, Sơn Tây) phát sinh nạn hạn hán nghiêm trọng. Thái thú Lý Kim Ngô hướng lên trời mà cầu khấn cho mưa xuống, nhưng mãi mà không có kết quả. Lý Kim Ngô nghe nói chùa Nham Tây có một vị lão tăng đức cao vọng trọng, pháp danh Từ Huệ. Bởi vì giữ vững giới luật, yêu cầu nghiêm khắc đối với bản thân, tăng chúng đều rất ngưỡng mộ. Vì vậy Lý thái thú đi mời ông hỗ trợ.
Lão tăng nói: “Ta đây cũng không có tài đức gì, nên cũng không thể làm cảm động được trời đất. Chỉ là mỗi ngày thuyết pháp đều có một ông lão đến đây nghe giảng. Không biết ông ta từ nơi nào đến, nhưng ta đoán đó có thể là Long Quân. Vậy nên, ngài hãy hỏi ông ta thử xem. Ngày mai còn cần phải có Lý thái thú đến đây, dùng tâm thành thật mà đối đãi“. Thái thú liền đồng ý.
Ngày hôm sau, lúc lão tăng Từ Huệ thuyết pháp, quả nhiên ông lão kia cũng tới. Lúc ấy Lý thái thú đang cùng tăng nhân ở chỗ khác nói chuyện, nhìn thấy ông lão đang tiến vào ngôi chùa, tức thì bày án dâng hương, đặt xuống chỗ ngồi, lại sai quan lại dìu ông lão vào. Lý thái thú hướng đến ông mà kính bái thăm hỏi.
Ông lão rất kinh ngạc nói: “Thái thú vì sao lại quỳ gối lễ bái ông già nơi sơn dã này vậy chứ?”. Lý thái thú nói: “Ngày hôm nay không khí như thiêu đốt, hạn hán lâu gây tai họa, ngũ cốc thất thu. Thiên hạ khắp nơi không cách nào sinh tồn. Nay hy vọng Long Quân có thể phát tâm từ bi, làm cho trời mưa xuống. Tại hạ nhất định sẽ cho người tu sửa miếu thờ, hàng năm đúng hạn tế tự cung phụng, ca ngợi uy danh của Thần minh, cũng làm cho dân chúng luôn luôn cảm tạ và nhớ đến danh hiệu của Thần“.
Ông lão nghe xong yên lặng không nói, một lát sau, trên mặt lộ ra vẻ ưu sầu, thở dài nói: “Lão sư phụ làm lộ thân phận của ta, xem ra ta cũng không còn sống được bao lâu nữa”. Long Quân nói với Lý Kim: “Thái thú không nên ưu sầu, ta sẽ dùng cái chết để báo đáp”.
Ông lại quay về hướng lão tăng nói: “Hôm nay, tôi vì lão sư phụ mà bị thiên thượng bắt tội. Một khi làm mưa xong, tất nhiên sẽ bị thiên thượng xử phạt. Đợi sau khi tôi chết, thân rồng sẽ rơi xuống mặt đất, nhưng sẽ không ra khỏi phủ Hà Trung. Khẩn cầu ngài, nhất định phải nói dân chúng toàn quận lập đàn tụng kinh cho tôi, cầu nguyện bảy ngày đêm. Có thể nhờ vậy mà tôi đạt được công đức để siêu thoát“. Từ Huệ liền đồng ý, ông lão cũng nhanh chóng rời đi.
Không lâu sau, quả nhiên mưa to ba ngày liên tục. Về sau, quan phủ nhận được tin dân làng trình báo, có một con rồng bị chết rơi xuống dưới núi. Lý thái thú dẫn theo dân chúng toàn quận, mời đến hơn một ngàn tăng nhân, đi đến nơi rồng rơi xuống, lập đàn cầu khẩn, Từ Huệ hết lòng tuân thủ lời hứa, cử hành pháp sự, tụng kinh bảy ngày liên tục, hy vọng Long Quân có thể được siêu độ.
Sau khi kết thúc pháp sự, mọi người chứng kiến trên bầu trời xuất hiện một đầu rồng. Cái đầu rồng đó hướng tới mọi người cảm tạ, nói: “Ta tuy bị trời phạt, nhưng mà được pháp lực cứu trợ, hôm nay đã siêu thoát, trở thành Long Bồ Tát“.
Lý thái thú cũng vì Long Quân mà tu sửa miếu thờ, cũng mang việc này báo cáo lên triều đình, tại nơi Long Quân rơi xuống, đổi tên thành “Thương long cốc”.
Tuệ Tâm, theo Epoch Times