Lời thú tội của bác sỹ trong hệ thống thu hoạch nội tạng cưỡng bức Trung Quốc
Ngày 6/7, một bác sỹ cùng các nhà điều tra đã làm chứng tại Nghị viện Ai-len về hoạt động mổ cướp nội tạng do chính quyền Trung Quốc bảo trợ. Tờ The Journal của Ai-len đã đăng tải đoạn video trong đó ông Tohti kể lại cuộc mổ cướp nội tạng mà ông đã tham gia.
Theo báo The Journal, luật sư nhân quyền David Matas và nhà báo điều tra Ethan Gutmann đã trình bày các chứng cứ về hệ thống thu hoạch nội tạng cưỡng bức của Trung Quốc, với sự lắng nghe của các Nghị sỹ Ai-len trong Ủy ban chung về Đối ngoại, Thương mại và Quốc phòng.
Hai ông cho biết nạn nhân của tội ác này bao gồm những người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng, người theo đạo Cơ Đốc và đại đa số là các học viên Pháp Luân Công, môn khí công gồm 5 bài tập nhẹ nhàng và các nguyên tắc sống theo Chân – Thiện – Nhẫn.
Trái ngược với Ai-len và các nước khác trên thế giới, chính quyền Trung Quốc đàn áp Pháp Luân Công theo lệnh của cựu Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch Giang Trạch Dân, người đố kỵ và lo sợ về sự ưa chuộng của người dân đối với môn tập. Chỉ vài năm sau được giới thiệu ra công chúng, đã có khoảng 70-100 triệu người tập Pháp Luân Công ở Trung Quốc vào năm 1999, lần lượt theo ước tính của Nhà nước và các học viên Pháp Luân Công.
Luật sư Matas và nhà báo Gutmann đã đưa ra một loạt các khuyến nghị tại Nghị viện Ai-len vào ngày 6/7, trong đó kêu gọi chính phủ nước này cấm công dân đến Trung Quốc ghép tạng. Những lệnh cấm như vậy đã được áp dụng tại Israel, Đài Loan, Ý và Tây Ban Nha.
Ông Enver Tohti, một người từng là bác sỹ phẫu thuật ở Tân Cương, Trung Quốc, cho biết ông đã từng mổ lấy nội tạng của một người bất chấp sự phản kháng của nạn nhân.
Video: Bác sỹ Trung Quốc thuật lại ca mổ cướp nội tạng
“Mỗi lần tôi kể ra sự việc này, nó như là một lời thú tội”, ông nói trước khi bắt đầu câu chuyện. Vì đâu mà những người được trọng vọng nhất trong xã hội lại trở thành những kẻ giết người? – Đó là câu hỏi mà tôi được hỏi nhiều nhất”.
Ông Tohti cho biết, để hiểu được điều đó, bạn phải hiểu xã hội Trung Quốc đang ở đâu. Ông nói rằng ở Trung Quốc, bạn sẽ trở thành một “thành viên được lập trình toàn diện trong xã hội, sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ được giao mà không đặt câu hỏi”.
Tờ báo The Journal của Ai-len đã đăng tải đoạn video trong đó ông Tohti kể lại cuộc mổ cướp nội tạng mà ông đã tham gia.
“Tôi đã thấy ít nhất 3 trẻ em có vết mổ trên người cho thấy nội tạng của chúng đã bị lấy cắp. Vào năm 1995, đến lượt tôi làm điều đó.
Hôm đó là thứ Tư, hai bác sỹ trưởng gọi tôi vào phòng, bảo tôi lập một đội có khả năng tiến hành cuộc phẫu thuật lớn nhất và báo cáo họ vào sáng hôm sau.
9:30 sáng hôm sau, họ gặp chúng tôi ở cổng bệnh viện, rồi tới điểm xử bắn ở miền núi phía Tây. Ở đó, họ bảo tôi đợi cho đến khi có tiếng súng nổ. Sau khi nghe thấy tiếng súng, chúng tôi xông vào.
Một sĩ quan vũ trang đã dẫn chúng tôi đến góc xa bên phải. Ở đó tôi thấy một người đàn ông mặc quần áo thường dân đang nằm trên mặt đất với một vết đạn duy nhất trên ngực phải.
Các bác sĩ trưởng ra lệnh và hướng dẫn tôi lấy gan và hai quả thận. Người đàn ông còn sống. Anh ấy cố gắng chống lại nhát dao mổ của tôi nhưng quá yếu nên không tránh được.
Có máu chảy. Anh ta vẫn còn sống. Nhưng tôi đã không cảm thấy tội lỗi. Thật sự tôi không cảm thấy gì, mà chỉ như một con robot được lập trình đang làm nhiệm vụ. Tôi đã nghĩ rằng mình đang thực hiện nghĩa vụ tiêu diệt kẻ thù của nhà nước.
Sau ca phẫu thuật, các bác sỹ trưởng mang các nội tạng đi trong 2 chiếc hộp rất lạ. Họ bảo tôi đưa đội về bệnh viện và hãy nhớ là ‘không có chuyện gì xảy ra cả’. Tôi đã tuân lệnh. Chúng tôi không bao giờ nói về chuyện đó”.
Bác sỹ Tohti đã đào thoát khỏi Trung Quốc vào năm 1999 và được cấp quy chế tị nạn ở Anh Quốc. Khi bước chân đến một xã hội tự do, ông mới hiểu ra hành động của mình là điều đáng bị lên án.
“Sau khi rời khỏi Trung Quốc, quan niệm của tôi thay đổi hoàn toàn. Lúc đó tôi mới thốt lên rằng ‘Trời ơi, mình đã phạm phải một tội ác’”, ông Tohti cho biết trong bộ phim tài liệu Human Harvest (tạm dịch: Thu hoạch tạng người) về nạn mổ cướp nội tạng tại Trung Quốc.
Trong những năm gần đây, ông Tohti thường tham gia cùng các nhà điều tra, công bố sự thật về hoạt động thảm sát thường dân để lấy nội tạng ở Trung Quốc, như một cách để ông cất lên tiếng nói lương tâm của mình.
Ba nhà điều tra hàng đầu về nạn mổ cướp nội tạng tại Trung Quốc đã được đề cử giải Nobel Hòa bình, bao gồm ông David Kilgour, cựu Ngoại trưởng Canada phụ trách khu vực châu Á – Thái Bình Dương, luật sư nhân quyền David Matas và nhà báo điều tra Ethan Gutmann.
Theo Đại Kỷ Nguyên VN