Loại bỏ gốc rễ của bệnh tật từ căn bản theo phương pháp của Đông y
‘Hoàng đế nội kinh’ được xem là cuốn sách y học cổ kinh điển nhất mọi thời đại. Con người trong nhiều thế hệ qua đã không ngừng thụ ích sau khi đọc và làm theo những lời dạy từ quyển sách vô giá này. Thậm chí đến thế kỷ 21 chúng ta ngày nay, Hoàng đế nội kinh vẫn còn được nhiều người đọc và nghiên cứu.
“Hoàng đế nội kinh” tên đầy đủ là “Hoàng Đế nội kinh tố vấn” là một trong tứ đại kỳ thư Đông phương, sánh ngang cùng các tác phẩm: Chu dịch, Mai hoa dịch và Đạo đức kinh.
Tác phẩm kinh điển này được coi như công trình lý luận hàng đầu của nền Y học Đông phương. Chính vì thế mà từ thời xa xưa, các danh y như Hoa Đà, Biển Thước, Y Doãn, Hải Thượng Lãn Ông, Tuệ Tĩnh… đều coi đây là cuốn sách gối đầu giường, hỗ trợ đắc lực trong việc nghiên cứu, chẩn trị, bổ, tả, liệu dược bệnh nhân và truyền dạy cho môn sinh đệ tử.
Nội dung quyển y thư này mô tả cách mà con người có thể sống hòa hợp với thiên nhiên bằng cách quan sát sự thay đổi của môi trường thông qua 4 mùa trong năm đối ứng với cơ thể. Từ đó phòng tránh bệnh tật cũng như điều trị những bệnh mất cân bằng trong cơ thể. Hoàng đế nội kinh có thể được xem là một cuốn sách hướng dẫn về sức khỏe hoàn chỉnh cho con người.
Đồng thời, những lý thuyết của y học cổ điển Trung Quốc khác biệt rất nhiều so với y học phương Tây hiện đại, vốn phân chia cơ thể thành các hệ thống độc lập dường như không liên quan gì đến nhau như hệ tim mạch, hệ hô hấp, v.v.. .
Theo đó, y học cổ xưa của Trung Quốc lại xem cơ thể người là một hệ thống tổng thể bao gồm ngũ tạng (âm) và lục phủ (dương). Vì các cảm xúc khác nhau của con người được cho là có liên kết với từng cơ quan, nên khi chẩn bệnh cần xem xét đến cả tâm lý và sinh lý của bệnh nhân. Thậm chí y học cổ điển còn có thể chẩn đoán được nội tâm của một người.
So sánh giữa Đông y và Tây y
Phương pháp trị bệnh của Tây y phát triển dựa trên nền khoa học thực chứng nên nhiều nhất họ cũng chỉ có thể loại bỏ được các triệu chứng bề mặt chứ không thể loại bỏ gốc bệnh từ căn bản.
Lấy bệnh sốt cỏ khô (hay fever, còn gọi là viêm mũi dị ứng) làm ví dụ: Nếu một người bị sổ mũi hoặc nghẹt mũi và hắt hơi dai dẳng thì giải pháp từ quan điểm của Tây y là loại bỏ những khó chịu đó.
Tuy nhiên, y học Trung Quốc lại xem xét mọi thứ rất khác biệt. Khi gặp một triệu chứng bệnh thì câu hỏi đầu tiên của Đông y luôn là: “Cơ thể chúng ta đang làm gì?” từ đó phân tích việc hắt hơi vào mùa đông.
Theo Đông Y hắt hơi được cho là cách mà cơ thể phản ứng lại nhằm xua tan cảm lạnh (dòng khí lạnh) và được xem như một chức năng làm lành của cơ thể, sự khó chịu chính là khi cơ thể đang ra sức loại bỏ độc tố hoặc tổn thương một cách tự nhiên. Từ đó các triệu chứng sẽ dần dịu đi sau khi cơ thể hoàn thành việc tự thanh lọc, nên việc điều trị sẽ tập trung vào hỗ trợ và tăng cường sự đổi mới tự nhiên trong cơ thể.
Có thể thấy Tây y đã thất bại trong việc xem xét các cơ chế tự chữa lành tự nhiên của cơ thể mà thay vào đó lại xem chúng như những bất thường và là triệu chứng của bệnh.
Từ những khác biệt trong phương thức tư duy giữa hai nền y học đó đã dẫn đến hướng điều trị cũng hoàn toàn khác nhau. Trong khi phương Tây chú trọng vào ra sức loại bỏ các triệu chứng, còn y học Trung Quốc lại giúp cơ thể loại trừ khí lạnh, cũng như hướng dẫn người bệnh cách phòng tránh sự xâm nhập của cảm lạnh và giữ ấm cơ thể.
Thiên Hoa biên dịch