Lở đất ở Sierra Leone: Số người chết tăng lên đến 467
Số người thiệt mạng trong vụ lở bùn kinh hoàng xảy ra hôm 14/8 tại khu vực gần thủ đô Freetown của Sierra Leone đã lên đến 467. Các thành phố khác ở châu Phi cũng đang đối mặt nguy cơ xảy ra thảm họa tương tự.
Hiện vẫn còn hàng trăm người mất tích do trận lũ lụt và lở bùn xảy ra hôm 14/8 tại thị trấn Regent ngoại ô thủ đô Freetown, thuộc Sierra Leone.
Hôm 17/8, 413 nạn nhân của thảm họa kinh hoàng này đã được chôn cất tại tại thị trấn Waterloo, Bộ trưởng bộ Du lịch và Văn hoá Sidie Yahya Tunis nói. Khoảng 1/3 số người tử vong là trẻ em.
Hãng tin Reuters ngày 18/8 cho biết, việc một trận lở đất có thể giết hàng trăm người tại quốc gia Tây Phi này chủ yếu do mưa lớn, đất rừng bị phá và việc các cộng đồng người dân vẫn phải chen chúc sinh sống tại những khu vực sườn núi.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, nhiều làng xã và thành phố khắp Tây và Trung Phi, nơi bị đánh giá là những khu vực nghèo và ẩm ướt nhất thế giới, cũng có tình trạng tương tự và cảnh báo những nơi này sẽ đối mặt với các thảm họa lở đất tồi tệ.
Ngày 17/8, ở Cộng hoà Dân chủ Congo lại xảy ra lở đất tại một khu làng chài, làm ít nhất 40 người chết.
Tính tổng cộng trong hơn 10 năm qua, hơn 4.000 người đã chết vì những thảm họa tương tự, gây thiệt hại hàng triệu USD mỗi năm, theo Ogbonnaya Igwe, một giảng viên cao cấp tại Đại học Nigeria và là chuyên gia nghiên cứu về lở đất.
Lở đất thường xuất hiện sau mỗi giai đoạn mưa to, phá vỡ cấu trúc đất. Những thảm họa này càng dễ xảy ra trong tình trạng chặt phá rừng và quy hoạch đô thị. Điều này đã xảy ra tại Sierra Leone cũng như Nigeria, Cameroon, Congo hay Uganda nhiều năm trở lại đây.
Đối với Freetown, việc quy hoạch đô thị yếu kém đã khiến tình hình tồi tệ thêm, cộng với thực tế rằng dân số nơi đây đã tăng nhanh trong nhiều thập kỷ qua, dẫn tới áp lực về nhà ở.
Ông Igwe nói thêm rằng, các yếu tố tổng hòa từ mưa lớn, dân số và chặt phá rừng sẽ càng khiến vấn đề khó kiểm soát.
“Khi các anh biến một khu rừng thành một thứ gì đó khác và đất trống nằm cạnh sườn núi, tức là các anh đã làm tăng nguy cơ sạt lở đất”, Reuters dẫn lời ông Nelson Odume, nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu về Nước tại Đại học Rhode, Nam Phi.