Lịch sử cai trị tàn bạo của gia đình họ Kim tại Bắc Triều Tiên
Dưới sự thống trị độc tài của gia đình họ Kim, đất nước Bắc Triều Tiên đã trải qua những năm tháng khốn cùng, người dân bị hạn chế các quyền tự do: tư tưởng, ngôn luận, thông tin, xuất bản, lập hội…, chỉ được nghe thông tin một chiều từ nhà nước…
Bắc Triều Tiên hiện nay nằm dưới quyền lực độc tài của Kim Jong-un, từ những tư liệu của nhà đấu tranh chính trị sống lưu vong cũng như của Tổ chức Nhân quyền Quốc tế cho thấy, tại Bắc Triều Tiên dường như thông tin nào cũng bị xem là bí mật quốc gia.
1. Thanh trừng nhau tranh quyền đoạt lợi
Trong tổng số 21 quan chức cao nhất của Chính phủ Bắc Triều Tiên khóa thứ nhất thì đã có 17 người bị ám sát, hành quyết hoặc giam cầm. Từ ngày 3/8/1953, đảng Lao động Bắc Triều Tiên bắt đầu khai đao đối với các quan chức cấp cao trong Đảng, có 14 cán bộ cấp cao bị quy tội làm gián điệp, bị bắt giam, tra tấn, cuối cùng là hành quyết. Trong đó có Bí thư Ủy ban Trung ương, Bộ trưởng Nội vụ, trợ lý Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền Văn hóa.
Bộ trưởng Ngoại vụ Pak Hon-yong bị xử tội tử hình ngày 15/12/1955, ba ngày sau bị hành hình. Tướng Mu-chong, từng nhậm chức trong Bát Lộ quân Trung Quốc, Tư lệnh Pháo binh Bắc Triều Tiên, tư lệnh liên quân Trung Quốc – Bắc Triều Tiên, bị giết chết năm 1956.
Hầu như những quan chức có gắn bó chặt chẽ với Liên Xô hoặc Trung Quốc và ủng hộ cải cách của Khrushchev đều bị sàng lọc. Ho Kai bị quy tội làm gián điệp cho Liên Xô, Kim Du-bong bị hành hình vì quy tội làm gián điệp cho Trung Quốc; sau đó là nhiều đợt thanh trừng vào các năm 1960, 1967, 1969. Năm 1972, Phó Thủ tướng kiêm Ủy viên Bộ Chính trị Pak Kum-chul bị bắt giam; năm 1977 bắt giam cựu Ủy viên Bộ Chính trị Li Yong-hi. Trong các năm 1978, 1980, 1997, Bí thư Trung ương Đảng So Hwan-hi và và 17 quan chức cấp cao khác bị hành quyết.
2. Nền tư pháp khủng bố
Trong Hình pháp Bắc Triều Tiên có đến 47 Điều liên quan đến xử tội tử hình, chỉ đứng sau Trung Quốc. Với Hình pháp Trung Quốc có khoảng từ 77 – 81 Điều liên quan đến tử hình. Theo tính toán của chuyên gia luật Kang Koo-chin: Thời gian từ 1958 – 1960, ít nhất 9000 Đảng viên bị xử tử sau khi bị khai trừ Đảng. Trong lịch sử tồn tại, chính quyền Bắc Triều Tiên đã tổ chức 9 đợt sàng lọc, theo đó đã hành quyết ít nhất 90.000 Đảng viên.
Liên quan đến vấn đề hành quyết, giai cấp xuất thân là yếu tố quan trọng. Hầu hết quan tòa và luật sư đều làm việc theo lệnh của đảng Lao động Bắc Triều Tiên, tuân thủ nghiêm theo chỉ dẫn của Chủ nghĩa Mác.
Lisa Nok là một cán bộ phụ trách vật tư, bị xử 13 năm tù. Cô làm chứng rằng, nhà tù nơi cô bị giam có tổng cộng 6.000 phạm nhân, trong đó có 2.000 nữ giới, hàng ngày họ bị ép làm nô lệ lao động từ 5:30 đến 12 giờ đêm, những phạm nhân nữ nào có thai sẽ bị ép phải phá thai, nếu lỡ sinh ra sẽ bị ép ngạt thở hoặc cắt cổ họng cho chết.
Tại Bắc Triều Tiên, phạm nhân sẽ làm liên lụy đến cha mẹ và con cái họ. Chế độ dã man này được thực thi từ 1953. Kang Chul-hwan (9 tuổi) bị bắt giam cùng cha, anh trai và ông nội.
Thời gian đầu chính quyền độc tài Bắc Triều Tiên còn cho công khai người bị hành hình, nhưng bắt đầu từ 1984 việc hành hình được thi hành bí mật. Hầu như hiếm có nữ phạm nhân nào bị hành hình trong yên bình, trước đó họ đều phải chịu các hình phạt nhục nhã và dã man. Nhân chứng An Myung-chul nói: Tôi đã chứng kiến họ bị cắt vú, dùng cây lau nhà chọc vào âm đạo. Việc khen thưởng (cho vào Đảng hoặc đi học Đại học) người canh giữ nếu lập công bằng cách bắt được phạm nhân bỏ chạy, đã khiến nhiều kẻ cố tình ép phạm nhân trèo tường bỏ chạy để bắn chết nhằm lĩnh thưởng.
Nhiều người bị bắt bớ một cách bí mật mà không qua trình tự pháp luật. Khi có ai đó bỗng dưng mất tích, người thân và hàng xóm thường lảng tránh bàn luận vì sợ mình liên lụy.
Bắc Triều Tiên còn xây một nhà tù khổng lồ ở Siberia để giam khoảng 220.000 tù nhân, kể từ 1968, mỗi năm hành hình khoảng 36.500 người, trong vòng 46 năm (tính đến 1995) đã hành hình tổng cộng khoảng 1,5 triệu người.
3. Kiểm soát chặt chẽ tư tưởng và đời sống nhân dân
Số đảng viên đảng Lao động Bắc Triều Tiên chiếm 14% dân số cả nước. Ngày 3/1/1996, Đài phát thanh Bắc Triều Tiên tuyên truyền: “Dưới lãnh đạo của đồng chí Kim Jong-il vĩ đại, toàn xã hội đoàn kết thành một thực thể chính trị kiên cố, thống nhất trong mọi hành động”.
Các khẩu hiệu khi đó là: “Tư tưởng, phát ngôn và hành vi giống nhau như Kim Il-sung và Kim Jong-il”; “Cùng đoàn kết theo mười nguyên tắc của Đảng”; “Chúng ta phải củng cố uy quyền tuyệt đối của lãnh đạo chúng ta”.
Mọi người dân Bắc Triều Tiên phải tham gia hội nghị phê và tự phê, học tập lý luận hàng tuần. Mỗi người ít nhất phải tự nhận phạm một sai lầm chính trị, phê hàng xóm hoặc đồng nghiệp ít nhất hai sai lầm chính trị.
Cán bộ Bắc Triều Tiên được hưởng đặc quyền vật chất, nhưng cũng phải chịu quản chế nghiêm khắc. Họ phải sống trong một khu vực riêng, bị giám sát các cuộc điện thoại. Truyền hình và đài phát thanh chỉ nghe được thông tin do Nhà nước cung cấp. Các chuyến du lịch phải được chính quyền địa phương hoặc cơ quan công tác phê chuẩn. Mọi gia đình sống tại thủ đô Bình Nhưỡng đều nằm dưới quản lý chặt chẽ của Nhà nước.
Nền chính trị khủng bố luôn gây ảnh hưởng tồi tệ đến tâm hồn con người. Chính phủ Bắc Triều Tiên tuyên truyền ngoài chủ nghĩa Mác-Lênin thì gia đình họ Kim là đại diện cho ý chí của Trời, của Đất, mục đích nhằm chứng minh quyền lực hợp pháp của nhà họ Kim.
Mức độ trung thành với chính quyền được căn cứ theo giai cấp xuất thân và nơi xuất thân, từ 1950 họ phân chia thành 51 loại, dựa vào đó quyết định về mặt xã hội, chính trị, vật chất và tương lai mỗi người. Nhưng sau 1980 chỉ còn lại ba loại chính. Người khuyết tật không được sống tại Bình Nhưỡng, người thành phần gia đình tốt không được kết hôn với người thuộc thành phần gia đình xấu. Người lùn bị bắt giam vào trại tập trung, không những bị cách ly với thế giới bên ngoài mà còn không được sinh đẻ. Kim Jong-il cho biết: “Phải loại bỏ gen người lùn”.
Năm 1959, hàng trăm phụ nữ Nhật Bản theo chồng về Bắc Triều Tiên, cuối cùng không ai được phép trở về Nhật Bản. Nhiều phụ nữ Nhật bị nhốt vào trại tập trung, bị hại chết. Chính quyền Bắc Triều Tiên dùng những người phụ nữ Nhật Bản này làm con tin để đàm phán với Chính phủ Nhật trong vấn đề xin viện trợ lương thực.
4. Hậu quả tai hại của nền chính trị độc tài
Bắc Triều Tiên rơi vào nạn đói từ năm 1994, năm 1996 chỉ sản xuất được 3,7 triệu tấn lương thực, giảm 3 triệu tấn so với 10 năm trước. Tổ chức WorldVision dự tính khoảng 2 triệu người bị hại chết; Hội Chữ thập đỏ Đức ước tính có 10 nghìn trẻ em chết đói mỗi tháng, nhưng quân đội Bắc Triều Tiên thì được chu cấp đầy đủ lương thực.
Chính quyền độc tài họ Kim đã thống trị Bắc Triều Tiên gần 50 năm, trải qua 9 đợt sàng lọc trong Đảng và giết chết khoảng 100.000 đảng viên, khoảng 1,5 triệu người chết trong trại tập trung; khoảng 1,3 triệu người chết vì nội chiến; số người chết đói vào khoảng 500.000 – 2.000.000 người, ngoài ra còn khoảng 400.000 quân tình nguyện Trung Quốc bỏ mạng tại Bắc Triều Tiên và 450.000 người khác bị thương tật.
Theo Trithucvn