Leo thang vi phạm nhân quyền: ĐCSTQ cưỡng bức trẻ em vào “trại mồ côi”
“Chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không từ thủ đoạn tàn bạo, đã lên kế hoạch đưa con cái của người dân tộc thiểu số ở Tân Cương đang bị cưỡng bức lao động vào các trại trẻ mồ côi”, Sophie Richardson, người của tổ chức “Theo dõi Nhân quyền” (HRW) nói về việc cưỡng bức trẻ em.
Định nghĩa “trẻ mồ côi” khác thường của ĐCSTQ dùng để cưỡng bức trẻ em
>>> Góc tối Tân Cương – Những chính sách khắc nghiệt của chính quyền nhằm kiểm soát dân chúng
Đài RFA cho biết, vào ngày 16/10, tổ chức nhân quyền quốc tế Human Rights Watch (HRW) đã công bố báo cáo về tình trạng cưỡng bức trẻ em chỉ ra rằng, Chính phủ của ĐCSTQ nhân danh “vì lợi ích và hạnh phúc của trẻ em” để bắt ép con trẻ của các tù nhân bị giam trong các trại lao động cưỡng bức (còn được gọi là: trại cải tạo) gửi vào các trại trẻ mồ côi do Chính phủ CSTQ dựng lên để “nuôi dưỡng tập trung”.
“Đây là một chính sách hoang đường của ĐCSTQ, mạo danh vì hạnh phúc trẻ em để tách những đứa trẻ người Hồi giáo khỏi những người thân yêu của chúng”, Sophie Richardson nói.
Tháng 11/2016, Bí thư Khu tự trị Tân Cương là Trần Toàn Quốc (Chen Quanguo) đã ban lệnh chỉ đạo là, trước khi hết năm 2020 phải hoàn thành đưa tất cả trẻ mồ côi vào quy củ tổ chức. Theo lệnh này, sau này các cô nhi phải được “nuôi dưỡng tập trung” thay vì “nuôi dưỡng phân tán”, bao gồm cả những đứa trẻ đang được bà con họ hàng [của cha mẹ trẻ] nuôi dưỡng.
Ở Tân Cương, định nghĩa “trẻ mồ côi” rất khác với nhận thức thế giới bên ngoài, theo đó thì ngoài “trẻ em có cha mẹ qua đời”, “trẻ có cha mẹ bị mất tích” còn gồm cả trẻ có cha mẹ đã bị giam giữ trong các trại lao động.
Báo cáo của HRW lưu ý, theo quy định của chính quyền địa phương, điều kiện để cho trẻ em mồ côi vào trại trẻ mồ côi của Nhà nước thì phải được sự chấp thuận của người đỡ đầu, nhưng quy định không nêu rõ ràng chủ thể “đồng ý” là trẻ em hay cha mẹ, hoặc người thân, tất cả các quy định rất mơ hồ.
Báo cáo của HRW còn chỉ ra rằng, cho dù Điều 43 của “Luật thụ dưỡng” của ĐCSTQ có quy định rằng, cơ quan Dân chính Trung Quốc có trách nhiệm quan tâm trẻ mồ côi, nhưng không thấy có luật nào của Chính phủ ĐCSTQ trao quyền lực cho Nhà nước được quyền bắt đứa trẻ rời xa vòng tay chăm sóc của người thân (bà con họ hàng cha mẹ trẻ). Do đó, HRW cho rằng, việc nhà cầm quyền ĐCSTQ cưỡng ép đưa trẻ em vào cô nhi viện trên quy mô lớn là lại tiếp tục vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.
Cư dân mạng TQ nghi ngờ phát biểu của Chủ tịch Tân Cương
Thực tế, chính sách “tái đào tạo” của cơ quan chức năng Tân Cương áp dụng đối với người Duy Ngô Nhĩ (Uighur) đã gây chỉ trích mạnh mẽ từ phía cộng đồng quốc tế, nhưng giới chức ĐCSTQ luôn bác bỏ các cáo buộc, thậm chí mới đây, vào ngày 16/10 Tân Hoa Xã Trung Quốc đã phỏng vấn Chủ tịch khu tự trị Tân Cương Shohrat Zakir và chia sẻ ý kiến của quan chức này cho rằng, “đã 21 tháng liên tiếp Tân Cương không xảy ra một vụ án bạo lực khủng bố nào”.
Tuần trước, cơ quan Nhân đại khu tự trị Tân Cương đã cho sửa đổi luật “Quy định về Xử lý thế lực cực đoan”, theo đó đổi tên những nơi mà thế giới bên ngoài thường gọi là “Trại cải tạo lao động” và “Trại tái đào tạo” thành “Trung tâm giáo dục dạy nghề”.
Trong cuộc phỏng vấn của Tân Hoa Xã, Zakir không nêu rõ hoạt động “dạy nghề” này là tự nguyện hay bắt buộc, mà chỉ nhiều lần nhấn mạnh rằng “dạy nghề” là “miễn phí”, và cho biết thêm rằng, “trẻ sẽ được cung cấp chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng miễn phí”. “Trên cơ sở duy trì môi trường miễn phí, ở mức độ cao nhất là được đáp ứng đầy đủ nhu cầu về học tập, sinh hoạt và giải trí”.
Những phát biểu của Zakir đã gây làn sóng thảo luận trên Weibo. Một số cư dân mạng hỏi rằng: “Ai biết đã có bao nhiêu người chết oan, bao nhiêu người đã bị bắt trong một năm chỉ vì họ đi du lịch nước ngoài?”.
Đáng chú ý là, sau khi nhiều trang Weibo chia sẻ ý kiến của ông Zakir, nhà nước đã phải cho đóng chức năng bình luận.
Còn trên nền tảng mạng xã hội Twitter ở ngoài Trung Quốc Đại lục, khi tìm kiếm từ khóa “Tân Cương” đã xuất hiện nhiều thông tin về hành động cưỡng bức trẻ em của ĐCSTQ tại Tân Cương thời gian gần đây, đặc biệt là vấn đề con của những tù nhân người thiểu số Tân Cương bị gửi vào các tổ chức chăm sóc gây nhiều lo lắng.
Về vấn đề này, đài Tiếng nói nước Đức (Deutsche Welle) đã chia sẻ quan điểm của ông Adrian Zenz, chuyên gia về vấn đề dân tộc thiểu số tại Tây Tạng và Tân Cương của Trung Quốc. Adrian Zenz cho biết, [tại Trung Quốc đại lục] ít nhất là 200 ngàn người bị giam giữ trong các “trại cưỡng bức lao động”, nhưng nếu căn cứ vào tài liệu của các nhóm người Duy Ngô Nhĩ ở nước ngoài thì chỉ riêng ở Tân Cương thì đã có 1,06 triệu người bị giam giữ và bức hại.
Theo Trithucvn