Lắp đặt điện mặt trời có cần giấy phép? Địa phương hỏi, Bộ chưa trả lời
Nhu cầu lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời đang gia tăng nhanh chóng, nhưng một số vấn đề về an toàn và mỹ quan chưa đảm bảo lại đặt ra vấn đề có nên xây dựng thủ tục hành chính hay không? Nếu thêm thủ tục, thì có phải rườm rà hay không?
Vừa qua, UBND phường Tân Quý, Q.Tân Phú, TP HCM đã phản ánh có tình huống một hộ dân lắp hệ thống điện mặt trời áp mái xong thì có người ‘tố cáo’ hộ này làm không phép. Đối với sự việc này, chính quyền phường, quận đều cảm thấy… không biết làm sao.
Theo ghi nhận của UBND phường Tân Quý, xác thực việc lắp hệ thống điện mặt trời của ông P. (nhà ở đường Tân Hương) có làm tăng chiều cao của căn nhà lên 3m so với ban đầu, diện tích hệ thống bằng diện tích mái nhà.
Tuy nhiên, đơn vị này chỉ ghi nhận sự việc chứ không có hành động xử lý nào. Được biết trước đó, UBND phường Tân Quý đã nhận được nhiều đơn xin phép lắp đặt điện mặt trời áp mái của các doanh nghiệp với diện tích từ vài trăm đến trên 1.000m2, nhưng do chưa có cơ chế nên không giải quyết.
“Đây không phải là công trình thuộc diện được miễn giấy phép xây dựng nhưng hiện chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn hay quy hoạch về điện mặt trời áp mái nên UBND quận không biết phải cấp giấy phép ra sao. Quận đã có công văn hỏi Sở Xây dựng và sau đó được biết sở cũng có văn bản hỏi Bộ Xây dựng về những nội dung này”, ông Nguyễn Gia Thái Bình – phó chủ tịch UBND Q.Bình Tân cho hay.
Theo đó, ngày 16/4 vừa qua, Sở Xây dựng TP.HCM đã có văn bản hỏi ý kiến của Bộ Xây dựng liên quan đến việc cấp phép lắp đặt điện mặt trời áp mái nhưng đến nay vẫn chưa nhận được trả lời.
Đối với người dân, do không có quy định pháp chế nên với tinh thần ‘cái gì pháp luật không cấm thì ta có quyền làm’ nên các hộ gia đình vẫn tự chủ trương thực hiện. Đồng thời nhiều người cảm thấy việc phải xin phép cho hệ thống nhỏ của nhà dân thì chẳng khác gì ‘lên trời hỏi bữa cơm trưa’.
Nên hay không nên?
Có nhiều ý kiến xoay quanh vấn đề nên hay không nên xây dựng một thủ tục hành chính cho việc này, chủ yếu là xoay quanh 3 vấn đề:
- Thứ nhất, đa số các trường hợp lắp đặt điện mặt trời áp mái sẽ làm tăng chiều cao của công trình, ảnh hưởng đến cảnh quan, kiến trúc mặt đứng của công trình.
- Thứ hai là liên quan đến an toàn của ngôi nhà và cả những công trình, con người sống xung quanh. Đặc biệt là nguy cơ các tấm pin rớt xuống bởi gió lốc có thể gây tai nạn, hoặc ảnh hưởng đến kết cấu chung của ngôi nhà.
- Thứ ba, do chưa có nghiên cứu đánh giá đầy đủ về ảnh hưởng của hệ thống năng lượng mặt trời, nên việc xây dựng ồ ạt có thể gây hại không nhỏ.
Về vấn đề thứ 2, có ông Vũ Ngọc Anh (vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường Bộ Xây dựng) cho ý kiến, trường hợp các tấm pin mặt trời được lắp đặt trong không gian mái, tường bao mái, với trọng lượng không lớn thì không ảnh hưởng đến an toàn kết cấu mái nhà. Các công trình nhà ở được kỹ sư thiết kế thường đảm bảo tải trọng sửa chữa cho mái từ 70-90kg/m2 và sàn là khoảng 200kg/m2.
Còn tai nạn do thiên tai như gió lốc, dông bão thì ông Lê Anh Vũ – giám đốc Công ty TNHH Nguồn năng lượng (Source Energy) cho rằng, nguy cơ chỉ có ở các hệ thống pin mặt trời cao từ 2-3m, còn đối với các hệ thống áp sát mái thì rất thấp.
Ông Hoàng Tiến Dũng – cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) cho rằng nên xem việc lắp điện mặt trời áp mái như là công trình xây dựng dân dụng, cải tạo nhà ở bình thường, do đó người dân chỉ cần xin giấy phép cải tạo từ cơ quan quản lý xây dựng ở địa phương là đủ.
Ngoài ra, đại diện các doanh nghiệp cung cấp hệ thống điện mặt trời áp mái cho rằng cần thiết phải có tiêu chuẩn kỹ thuật và quản lý việc thi công để đảm bảo an toàn cho công trình và người sử dụng. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cần đơn giản thủ tục thay vì đặt thêm “giấy phép con”.
Từ Thức(t/h)