Lãnh đạo Hồng Kông lại tung chiến thuật đối phó Cách mạng đòi hòa bình
Trưởng Đặc khu Hành chính Lương Chấn Anh lần hai tuyên bố, chính quyền sẽ “đàm phán” với sinh viên biểu tình đòi dân chủ, nhưng cũng sẵn sàng “khôi phục luật lệ và trật tự ở Hồng Kông” bằng mọi cách, theo thông cáo từ ban điều hành Hồng Kông trong cuộc họp báo hôm 16/10.
Nhiều người thấy mỉa mai khi ông Lương Chấn Anh, một vị lãnh đạo không phải do dân bầu và đang có dính líu tới vụ bê bối tham nhũng hàng triệu đô la, lại có thể công khai tuyên bố không đàm phán với những người đang cắm trại đòi biểu tình ngoài kia, trên các đường phố chính của Hồng Kông trong gần ba tuần qua.
Đây là lần thứ hai kể từ khi cuộc biểu tình Chiếm Trung Tâm bắt đầu từ hôm 28/9, Lãnh đạo thành phố ông Lương Chấn Anh tuyên bố, chính quyền đặc khu sẽ tổ chức một cuộc đối thoại với người biểu tình ủng hộ dân chủ về vấn đề phổ thông đầu phiếu. Cuộc thảo luận hai chiều luôn luôn là một ý tưởng tốt, nhưng xét tình hình chính trị hiện tại, theo điều kiện mà ông Lương đặt ra, trong khi “phổ thông đầu phiếu” là chủ đề chính mà hai bên quan tâm thì cuộc “đối thoại” này sẽ chỉ mang tính một chiều. Dưới đây là những ý chính mà ông Lương phát biểu trong cuộc họp báo mới nhất:
1) “Khôi phục luật lệ và trật tự cho Hồng Kông”
Bắt đầu buổi họp báo, ông Lương tuyên bố: “Chúng ta đã thấy được kết quả tích cực khi cảnh sát vào cuộc để dọn dẹp rào chắn do người biểu tình chiếm đóng và dựng lập trên các đường phố chính ở Hồng Kông”. Sau vụ cảnh sát sử dụng vũ lực nhằm “dọn dẹp” các rào chắn và người biểu tình, có thể thấy ông Lương đang lạnh lùng cảnh báo: Nếu các bạn (người biểu tình) không dừng lại, thì chúng tôi sẽ cho bạn biết tay. Tuyên bố của ông Lương cho thấy các cuộc đàm phán sẽ không đem lại gì hơn ngoài việc cảnh sát bớt hung dữ nếu người biểu tình “chơi đẹp”.
2) “Và nếu chúng ta không được bầu cử tự do vào năm 2017, thì vẫn có thể cố gắng đạt được nó 5 năm sau (2022)″
Ngoài mặt, ông Lương lý luận rằng, trong khi Luật Cơ bản của Hồng Kông chưa có điều khoản quy định rõ về tự do bầu cử Trưởng Đặc Khu thông qua “phổ thông đầu phiếu”, những người ủng hộ dân chủ vẫn còn có hy vọng mọi chuyện có thể thay đổi ở cuộc bầu cử diễn ra vào năm 2022. Tuy nhiên, không có gì đảm bảo tới năm 2022 chính quyền Bắc Kinh lại để yên cho phổ thông đầu phiếu, giống như khi Ủy ban Thường Vụ Quốc hội hôm 31/8 đột ngột tuyên bố phủ quyết tự do bầu cử vào 2017.
Thực tế, bạch thư ra ngày 10/6 thông báo, Hồng Kông chỉ được hưởng quyền tự chủ giới hạn theo những gì Bắc Kinh ban cho. Chính quyền Trung Quốc đã phớt lờ hiệp ước được ký trong hiệp định Trung-Anh, cho phép Hương Cảng được hưởng toàn quyền tự trị cho tới năm 2047. Trước mắt, nếu Hồng Kông không được bầu cử dân chủ vào năm 2017, thì thành phố bán tự trị khó có hi vọng vào “điều xa xỉ” này cho các lần kế tiếp. Những người ủng hộ dân chủ đã sớm nhận ra chân lý đó.
3) “Việc có tính xây dựng nhất hiện nay đó là, Chính phủ Hồng Kông có thể hội đàm với sinh viên, qua đó lắng nghe nguyện vọng của họ để cùng thực thi thỏa thuận trong khuôn khổ quyết định của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị”.
Tuyên bố này của ông Lương cho thấy, tính “xây dựng” mà ông đề cập tới, hoàn toàn không có thực. Về bản chất, ông Lương nói Bắc Kinh là thượng cấp (hay đúng ra là thượng cấp của ông Lương), vậy có lẽ nào ông sẽ thỏa hiệp với mấy cô cậu sinh viên và người dân tham gia cuộc “Cách mạng Ô”, nếu chính phủ Trung Quốc cứng rắn giữ nguyên hiện trạng tại Hồng Kông . Tất nhiên, những người biểu tình ủng hộ dân chủ sẽ sớm thấy được tiểu xảo mới nhất của ông Lương. Tuy nhiên trước hết cần phải xem nhóm biểu tình có được “thương lượng” một cách tự nguyện hay buộc phải làm điều đó nếu vị Đặc khu trưởng vẫn tiếp tục theo phương cách hiện tại gọi là “khôi phục luật pháp và trật tự cho Hồng Kông”.
Thiên Hà, Công Lý – Theo The Epochtimes