Lãnh đạo EU gửi tối hậu thư đến Nga về tình hình Ukraine
Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) hôm 31-8 đã nhất trí cho Nga thời hạn 1 tuần để hạ nhiệt cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Nếu không, Moscow sẽ đối mặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn từ khối này.
Chia rẽ vì trừng phạt
Phát biểu tại cuộc họp báo sau khi Hội nghị Thượng đỉnh EU khép lại ở Brussels – Bỉ, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy cho biết: “Hội đồng châu Âu sẵn sàng thực hiện thêm những bước đi mạnh mẽ hơn nữa liên quan đến các diễn biến mới tại Ukraine, đồng thời yêu cầu Ủy ban châu Âu (EC) khẩn trương chuẩn bị những đề xuất mới (về trừng phạt) để được đưa ra xem xét trong vòng 1 tuần”.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu José Manual Barroso (trái) và Chủ tịch Hội đồng châu Âu tại cuộc họp báo hôm 31-8. (Ảnh: Reuters)
Trong khi đó, Chủ tịch EC José Manual Barroso cảnh báo Nga sẽ phải “trả giá đắt” nếu tiếp tục leo thang cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng nhận định việc mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với Nga là không thể tránh khỏi nếu tình hình Ukraine không cải thiện đáng kể. Bà Merkel cho biết các biện pháp trừng phạt mới bao gồm những lĩnh vực mà EC đã thảo luận như năng lượng và tài chính.
Phản ứng trước thông tin nêu trên, bà Caitlin Hayden, người phát ngôn An ninh Quốc gia Nhà Trắng của Mỹ, cho biết: “Mỹ hoan nghênh quyết định của Hội đồng châu Âu – cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, đồng thời chuẩn bị các biện pháp trừng phạt mới được xem xét trong những ngày tới. Mỹ vẫn cam kết hỗ trợ Ukraine tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng”.
Cả Mỹ và Hội đồng châu Âu đều kêu gọi Nga ngay lập tức rút quân cũng như thiết bị quân sự khỏi Kiev và chấm dứt mọi hoạt động hỗ trợ “bất hợp pháp” cho phe ly khai ở miền Đông.
Báo The Guardian (Anh) nhận định EU vẫn đang bị chia rẽ xung quanh vấn đề trừng phạt Nga do những nỗi lo về tác động đối với nền kinh tế của các thành viên. Sự chia rẽ này thể hiện rõ khi Thủ tướng Slovakia Robert Fico tuyên bố sau hội nghị EU hôm 31-8 rằng, các biện pháp trừng phạt Nga là “vô nghĩa và phản tác dụng”. Ông cũng dọa sẽ phủ quyết bất kỳ biện pháp trừng phạt bổ sung nào bị xem là ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của Slovakia.
Ukraine – Nga trao đổi binh sĩ
Trong một diễn biến liên quan, Tướng Aleksey Ragozin, Phó Chỉ huy lực lượng lính dù Nga, hôm 30-8 xác nhận toàn bộ 10 lính dù Nga bị bắt giữ ở miền Đông Ukraine đầu tuần qua đã được Kiev trao trả cho Moscow.
Ông Ragozin cho biết: “Các cuộc đàm phán diễn ra rất khó khăn. Tuy nhiên, tất cả đã kết thúc tốt đẹp. Điều quan trọng nhất là những người lính đã trở về Nga. Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng Moscow sẽ không bao giờ bỏ rơi các binh sĩ của mình”.
Theo đài RT, ông Ragozin cũng chỉ trích việc Ukraine cầm giữ số binh sĩ Nga này quá lâu và việc chuyển họ về Kiev là điều không thể chấp nhận được.
Ông Ragozin cho biết, 63 binh lính Ukraine bị phát hiện trên lãnh thổ của Nga tuần rồi đã được giới chức Moscow đưa đến cửa khẩu Nekhoteevka và trả về Ukraine ngay lập tức sau khi cung cấp cho họ những sự hỗ trợ cần thiết. Những người lính này tìm cách tị nạn tại Nga hôm 27-8 và đã được chuyển đến một khu trại tạm thời ở Rostov.
Theo Nlđ