Lần đầu tiên sau Thế chiến II Mỹ rút toàn bộ tàu sân bay về căn cứ
Ngày 30/12/2016, hàng không mẫu hạm Dwight D.Eisenhower đã quay về căn cứ hải quân Norfolk tại Virginia. Như vậy là toàn bộ tàu sân bay của Mỹ đang nằm trong căn cứ và không tuần tra ở bất cứ vùng biển nào.
Ngày 30/12/2016, hàng không mẫu hạm Dwight D.Eisenhower và các tàu sân bay hộ tống đã quay về căn cứ hải quân Norfolk tại Virginia. Trong khi đó tàu thay thế George H.W.Bush chưa được hạ thủy.
Tàu sân bay George H.W. Bush đang trong quá trình đại tu kéo dài đến 13 tháng, lâu hơn dự định rất nhiều, một phần do ngân sách hải quân bị cắt giảm hàng tỉ USD. Dự kiến phải vào giữa tháng 1/2017, tàu này mới có thể được đưa vào hoạt động.
Hãng tin Sputnik của Nga cho biết, các binh lính trên tàu đã hoàn tất công việc tập luyện nhưng vẫn phải chờ các công đoạn trùng tu cuối cùng của tàu.
Theo hãng tin Fox News, các binh lính Mỹ đã tập luyện để giảm khoảng thời gian cất cánh giữa 2 chiến đấu cơ trên tàu George H.W.Bush từ 60 giây xuống còn 40 giây.
Trong thời gian hoạt động, từ Địa Trung Hải và Vịnh Ba Tư nhóm tàu do hàng không mẫu hạm Dwight D.Eisenhower dẫn đầu đã thực hiện nhiều cuộc không kích nhắm vào tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (ISIS) tự xưng tại Iraq và Syria.
Tuy nhiên, tàu thành viên trong nhóm này là Nitze và Mason đã bị tấn công ở Hồng Hải bởi lực lượng Houthi do Iran đỡ đầu tại Hồng Hải.
Đây cũng là lần đầu tiên Mỹ không có tàu sân bay nào tại khu vực Trung Đông. Trong giai đoạn 2011-2013, hải quân Mỹ có đến 2 tàu sân bay tại Vịnh Ba Tư, do tướng James Mattis – người được Tổng thống đắc cử Donald Trump chọn làm Bộ trưởng Quốc phòng – chỉ huy.
Dù vậy, hiện Mỹ vẫn còn binh lực mạnh tại khu vực này với nhiều tàu cơ động, hàng ngàn lính thủy đánh bộ và chiến đấu cơ sẵn sàng cất cánh.
Theo Tuổi Trẻ