Lâm Trịnh Nguyệt Nga lặng im, run rẩy trong buổi đối thoại đầu tiên với người biểu tình
Bên trong hội trường sân vận động Queen Elizabeth, Hong Kong vào tối qua ngày 26/9, cuộc đối thoại cộng đồng đầu tiên giữa những người biểu tình với lãnh đạo chính quyền thành phố sau 4 tháng đầy sự hỗn loạn và xung đột đã chính thức diễn ra.
Đối với những người tham gia cuộc đối thoại mà nói thì đây không chỉ là cơ hội để họ trút cơn giận dữ hay bộc lộ cảm xúc tổn thương mà còn là cơ hội để thể hiện tình yêu thương dành cho thành phố quê hương của mình.
Trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga, người nổi tiếng về sự tự tin cũng phải tỏ ra ngạc nhiên và run rẩy ngay khi những người tham gia bày tỏ sự thất vọng của họ về việc chính phủ không giải quyết được sự khủng hoảng của thành phố, dẫn đến nhiều xung đột gây thương tích và ít nhất là 1.556 vụ bắt giữ.
Cuộc đối thoại của bà Lâm với công chúng được xem là sự khởi đầu cho nỗ lực của bà nhằm xoa dịu đi những căng đã thẳng nổ ra từ hồi tháng 6. Cảnh sát là trọng tâm của nỗi tuyệt vọng sâu sắc trong lòng quần chúng, nếu không nói là sự thù ghét tột cùng.
“Bà đã sai khi đưa lực lượng cảnh sát giải quyết xung đột bà Lâm ạ. Bà không lo lắng rằng sẽ có người bị giết trong các cuộc xung đột hay sao?” Sam Ng, 38 tuổi, chất vấn Lâm Trịnh Nguyệt Nga đang cố làm ra vẻ tỉnh táo. Anh than thở rằng xã hội Hong Kong giờ đây đã bị chia rẽ sâu sắc.
“97% những người tôi biết đang xem xét đến việc di cư. Bà có biết bao nhiêu người đang rất sợ cảnh sát không? Con trai út của tôi hỏi tôi rằng liệu còn có thể tin vào cảnh sát được không,…nó chỉ mới 4 tuổi.”
Đa số người dân tuổi trung niên là những người biểu tình ôn hòa. Họ cũng nói rõ rằng họ không muốn một quốc gia độc lập riêng gì cả. Mong muốn của họ chỉ là chính sách “1 quốc gia 2 chế độ” thực sự có hiệu lực và thành phố được hưởng quyền tự chủ như những điều đã được quy định trong Luật cơ bản.
“Tôi hy vọng chính phủ duy trì được chính sách ‘1 quốc gia, 2 chế độ’ đúng như yêu cầu”, một chuyên gia kế toán ở độ tuổi 50, tên là Cheng cho biết. “Nhận xét trước đó của bà là có một số người biểu tình không có đóng góp gì trong xã hội… Điều đó thực sự gây tổn thương cho chúng tôi.”
Một nữ diễn giả khác nói rằng cô ấy rất yêu Hong Kong và rất buồn khi thấy họ có “một lãnh đạo chỉ biết phản bội công chúng, còn các quan chức thì chẳng có một chút trách nhiệm chính trị nào.”
Khoảng 10% trong số 130 người tham dự cuộc đối thoại có đeo mặt nạ, trong đó một số người cũng mặc trang phục màu đen, màu sắc điển hình của người biểu tình Hong Kong.
Một người đàn ông bực mình với thái độ dửng dưng của bà Lâm, anh nói: “Hãy trả lời câu hỏi của tôi, đừng gọi tôi là bạn.Tôi không có người bạn như bà.”
Một người khác đưa ra ý kiến rằng sự xói mòn của các quyền tự do ở Hong Kong sẽ ảnh hưởng lớn đến ông.
“Tôi vừa kiểm tra Wikipedia, bà sẽ 90 tuổi vào năm 2047 (khi một quốc gia, hai chính sách hệ thống kết thúc), vì vậy thành phố sẽ không còn là vấn đề với bà vào lúc đó. Nhưng bây giờ tôi chỉ 26 tuổi và sẽ 55 tuổi vào năm 2047. Chúng tôi còn có tương lai sau thời gian đó nữa không?”
Trong khi những người tham gia nêu lên ý kiến của mình, thì bà Lâm chỉ biết nhìn chằm chằm vào cuốn sổ nhỏ trong tay bà. Thái độ của bà như thể bà là “túi đấm bốc”, sẵn sàng nhận những cú đay nghiến từ mọi người, giống như cựu chủ tịch Hội đồng Lập pháp, ông Jasper Tsang Yok-sing đã nói trước đó rằng, bà cần phải làm điều gì đó để người Hong Kong trút ra được sự thất vọng của họ.
Bà Lâm hồi tưởng lại khẩu hiệu “chúng ta kết nối với nhau” trong chiến dịch tranh cử chức trưởng đặc khu của bà vào năm 2017.
“Tôi thừa nhận tôi đã không thực hiện tốt nghĩa vụ của mình trong 2 năm qua và đôi khi xảy ra vấn đề mất kết nối với mọi người.Tôi hiểu và biết rất rõ. Tôi hy vọng sẽ cải thiện được”, bà Lâm nói bằng sự khiêm tốn hiếm có.
Tuy nhiên, nhiều lúc bà Lâm vẫn có thái độ phòng thủ khi trả lời các câu hỏi, chẳng hạn bà khẳng định rằng không có chỗ cho sự thỏa hiệp nào về vấn đề bạo lực và chủ quyền.
“Tương lai của Hong Kong nằm trong tay những người trẻ tuổi nhưng có một điểm mấu chốt. Quyền tự trị và tự chủ cho Hong Kong là điều không khả thi,” bà Lâm phát biểu như vậy nhưng bà không đưa ra được giải pháp mới nào để có thể phá vỡ được cục diện bế tắc giữa người biểu tình và chính phủ.
4 bộ trưởng đứng cạnh bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga trên bục vẫn một mực im lặng trong suốt cuộc nói chuyện, thư ký kiệm lời Patrick Nip Tak-kuen, chỉ lên tiếng phát biểu một lần, trong khi giám đốc y tế Sophia Chan Siu-chee thì bật khóc khi một trong các diễn giả đưa ra một loạt câu hỏi chất vấn.
Tệ hơn là người ta còn phát hiện một trong những đại biểu được mời đóng góp ý kiện lại là một cảnh sát giả trang. Một bài đăng trên Twitter tên Kong Tsung gan đã tiết lộ điều này bằng bài đăng cá nhân của mình.
& still #HK govt couldn't resist micro-managing the forum, with a police officer posing as a ordinary citizen who 'feared protesters' & 'felt safe w police'. In spite of this, 23 of 30 speakers were on the side of the protesters & against the government.
https://t.co/cibM6Y5nyc pic.twitter.com/CYm2B1v3ik— Kong Tsung-gan / 江松澗 (@KongTsungGan) September 27, 2019
Cheng cho rằng phiên họp chỉ là “một sự lãng phí thời gian”.
Cô lặp đi lặp lại lời của mình khi nói về bà Lâm “Tôi chỉ thấy giận dữ và thất vọng nhiều hơn. Bà ấy coi thường người dân Hong Kong, và chỉ biết trông chờ vào Tập Cận Bình. Chúng tôi không phải là tầng lớp cặn bã của xã hội. Tôi có học thức và tôi có suy nghĩ hoàn toàn chín chắn”.
Thiện Thành (Theo South China Morning Post)