Lại nói về bình đẳng: Mọi thứ đều đã ngược lại so với thời xưa
Đó là một buổi hôn lễ mà gần đây mẹ tôi tham dự, câu chuyện này là mẹ tôi kể lại cho tôi nghe. Nó khiến tôi lại nghĩ đến vấn đề bình đẳng trong xã hội này…
Cô dâu chậm rãi bước cùng chú rể lên bậc thềm trước hàng trăm ánh mắt đang nhìn hai người đầy vẻ vui mừng và ngưỡng mộ. Hôm nay là ngày thành hôn, có lẽ là ngày quan trọng nhất trong cuộc đời của cô, cô thật sự rất đỗi hạnh phúc. Nhưng ẩn sau hạnh phúc ấy vẫn có cái không trọn vẹn, gương mặt cô ẩn hiện nỗi buồn, tuy nhẹ nhàng mà sâu sắc, nếu để ý kĩ có thể nhìn thấy dưới đôi mắt cô vẫn còn ngấn lệ…
Ở bên hông khán đài, một người đàn ông lớn tuổi có phần lọm khọm đang vỗ tay mừng thay cho cô vì đã tìm được một chàng trai sẽ bảo vệ và cùng cô đi hết chặng đường đời. Người đàn ông lớn tuổi đó là cha cô, hơn ai hết ông hiểu được nỗi uất ức của con gái, lòng ông rất đau xót, nhưng không có cách gì có thể an ủi cô được.
Mẹ của cô, sau khi cô ra đời chưa lâu đã bỏ cô đi theo người tình mới. Cha cô, đảm nhận luôn cả vai trò của mẹ, vừa nuôi dưỡng dạy dỗ cô nên người, vừa làm lụng kiếm tiền cho cô ăn học. Suốt hai mươi mấy năm qua hai cha con sống nương tựa nhau dưới một mái nhà trọ, mẹ cô chưa hề về thăm cô lấy một lần, dù cô đúng là do bà sinh ra!
Hiện giờ cô đã tìm được chàng trai yêu thương cô và có khả năng cho cô một cuộc sống sung túc, cô kết hôn với anh. Cô không hận mẹ mình, trong ngày cưới cô không mong gì hơn là mẹ có thể đến tham dự hôn lễ của cô, nhìn cô mặc áo cưới, nhìn chàng rể của mẹ, và chúc phúc cho vợ chồng cô…
Cô không quan tâm đến việc mình bị mẹ bỏ rơi, cô đã tìm đến tận nhà “chồng mới” của mẹ để mời mẹ về dự hôn lễ của mình. Nhưng mẹ cô đã không nhìn đến cô, bà cũng không đến tham dự. Cô rất hạnh phúc vì được sống với người mình yêu, nhưng cũng rất tủi thân vì sự vô tình của mẹ đối với mình.
Đó là một buổi hôn lễ mà gần đây mẹ tôi tham dự, câu chuyện này là mẹ tôi kể lại cho tôi nghe. Nó khiến tôi lại nghĩ đến vấn đề bình đẳng trong xã hội này.
Có rất nhiều người cho rằng xã hội này thật bất công với phụ nữ, nam và nữ không bình đẳng, mấy chục năm qua người ta vẫn đang hô hào “đấu tranh” chống lại “hủ tục” ấy. Đôi lúc tôi cũng nghe một số bạn nữ nói những lời như: “Đàn ông họ không sinh con, họ hiểu sao được cảm giác của chúng ta?”, “Con cái là do mẹ mang nặng đẻ đau, chỉ có tình mẹ mới là tất cả, còn người cha chỉ có chút tình thương bề mặt là hết rồi!”,…
Những câu này, tôi nghĩ kĩ lại thì thấy cũng là từ phong trào đấu tranh đòi bình đẳng nam nữ mà ra. Người ta nói như thể người phụ nữ bị đấng tạo hóa ngược đãi, phải mang thai, phải dành nhiều tình cảm cho con, phải gánh vác trách nhiệm làm mẹ,… còn vai trò của người cha chỉ là phụ, có hay không cũng không quá quan trọng.
Câu chuyện về cô dâu bên trên đã thay lời phản biện cho quan điểm đó. Trong cuộc sống hiện thực vẫn có những người mẹ sẵn sàng bỏ rơi con mình để chạy theo hạnh phúc riêng tư, thậm chí khi con đã trưởng thành và cầu xin mẹ nhìn nhận mình mà người mẹ cũng bỏ mặc; và vẫn có những người cha tần tảo nuôi dạy con thành tài, hy sinh cả cuộc đời cho con. Thật ra những trường hợp này không hiếm chút nào.
Còn có những cặp tình nhân hoặc vợ chồng, người phụ nữ khi phát hiện mình mang thai, bèn nói với người đàn ông: “Hiện tại cuộc sống của chúng ta còn khó khăn, đứa bé này nên phá đi!” Ý kiến phá thai là do người phụ nữ đề xuất, trường hợp như vậy cũng không thiếu, thậm chí họ cũng công khai thừa nhận mình muốn phá thai!
Tất nhiên mục đích của tôi khi nói những lời này không phải là để lên án phụ nữ hay bảo vệ đàn ông, không phải tôi đang đấu tranh đòi quyền lợi nào đó cho nam giới. Tôi chỉ muốn đưa ra vài ví dụ để chúng ta thấy rằng: Xã hội này không phải đơn giản như những tuyên truyền bình đẳng giới tính và giải phóng phụ nữ kia nói, nó phức tạp hơn nhiều! Trong xã hội không chỉ người đàn ông bắt nạt phụ nữ, mà cũng có rất nhiều phụ nữ đang bắt nạt đàn ông, tất nhiên giữa những người cùng giới tính cũng đang bắt nạt lẫn nhau.
Nếu bạn trầm tĩnh xuống mà nhìn lại xã hội hiện nay, thì bạn sẽ thấy rằng từ lâu việc phụ nữ bị đối xử bất công đã không còn là vấn đề, mà tình huống hiện nay còn ngược lại. Ngày nay hễ ai nói động đến phụ nữ thì toàn xã hội sẽ công kích người đó, những cái mũ “cổ hủ lạc hậu”, “phong kiến mê tín”, “bảo thủ cố chấp”,… sẽ chụp lên đầu người đó, khiến người đó không biết giấu mặt vào đâu.
Nói ví dụ, hiện nay không phải là gia đình chồng đang ức hiếp nàng dâu, mà trái lại, cha mẹ chồng chỉ sợ mình nói gì đó làm phật ý con dâu! Hễ người mẹ chồng mà quát nàng dâu một tiếng, thì nàng dâu chỉ cần viết vài dòng “bày tỏ tâm trạng” lên mạng xã hội, mẹ chồng sẽ lập tức trở thành tiêu điểm chỉ trích của dư luận, những lời khó nghe nào cũng có thể nhận lấy. Đây chính là điều mà người ta cho là “công bằng” chăng?
Hơn nữa xoay lại mà nói, cha mẹ chồng là những người lớn tuổi, tuổi già thường có cách nghĩ khác với người trẻ, đôi khi tâm trạng khó chịu cáu gắt, lên giọng quát tháo một chút cũng không nhất định là do đang muốn bắt nạt người khác.
Trước đây gần nhà tôi có một người tính cách khá bất hảo, ham chơi biếng làm, chỉ thích rượu chè đánh bạc, lại còn khá hung hãn nên ít người dám động tới. Chỉ có một bà cụ cùng xóm là đặc biệt ghét cay ghét đắng người đó, hễ thấy ông ấy liền mắng té tát, có khi bà cụ còn cầm một cây chổi rượt theo đập bôm bốp vào vai ông ta. Nhưng ông ấy chỉ cười hề hề, không tức giận cũng không phản kháng. Có người hỏi tại sao ông phải nhịn một bà cụ, thì ông ấy đáp: “Bà ấy đủ tuổi làm mẹ tôi, tôi cho bà đánh vài cái thì có đáng gì?”
Một người bị cho là “người xấu” mà còn nghĩ được như thế, lẽ nào chúng ta không thể tôn trọng và nhường nhịn người lớn tuổi được sao? Đây cũng là tiêu chuẩn cần có của một người có văn hóa mà!
Còn một câu chuyện khác nữa xảy ra trong những họ hàng của tôi. Có một cô gái khi còn hẹn hò với bạn trai, cô hay nói với mẹ ruột của mình rằng: “Sau này con lấy chồng rồi, cha mẹ chồng đừng hòng mà nặng nhẹ với con như trong mấy bộ phim mẹ chồng nàng dâu, con sẽ trị họ lên bờ xuống ruộng cho mà xem!” Mặc dù mẹ cô đã khuyên cô không nên nghĩ như vậy, nhưng cô không nghe mà còn quát lại: “Con gái mẹ tuyệt đối không phải hạng người dễ bắt nạt.”
Sau hôn lễ, chỉ mới hai ba ngày cô đã gây gổ với mẹ chồng một trận! Nguyên nhân vừa đáng cười mà cũng vừa đáng giận: mẹ chồng thấy cô đang giặt đồ, bèn nhờ cô tiện tay giặt giúp mình một bộ, nào ngờ cô đột nhiên nổi cáu lên, nói nào là mẹ chồng đang ức hiếp chà đạp nhân phẩm của mình, nào là coi mình như người giúp việc, nào là u mê phong kiến xem con dâu như nô bộc,… Mẹ chồng bị nói nặng không nhịn được nên cũng đáp trả vài câu, thế là xảy ra xung đột.
Khi anh chồng về nhà gặp tình cảnh như vậy cũng khó xử, thì bạn bè của người vợ lại cùng đến trách cứ anh ta, nói anh ta nhu nhược không biết bảo vệ vợ, thấy vợ bị mẹ đè đầu cưỡi cổ mà chỉ biết đứng nhìn. Rốt cuộc anh ta không chịu được, đành xin cha mẹ bán đất chia cho mình một số tiền rồi dắt vợ ra ở riêng, bỏ mặc cha mẹ già sống một mình trong căn nhà tổ. Người mẹ chồng có khổ cũng chẳng biết nói với ai, kể ra thì người ta nói: “Con dâu bây giờ đều như vậy, bà nên nhịn nó thì hơn.” Câu chuyện này do chính mẹ ruột của người vợ kể lại, bà ấy cũng cảm thấy không thể bênh vực nổi con gái mình.
Xin nhắc lại rằng tôi vẫn chỉ đang đưa ra ví dụ về chuyện người phụ nữ bắt nạt chồng và gia đình chồng, chứ không hề có ý nói tất cả phụ nữ đều không tốt. Cũng như những người tuyên truyền bình đẳng giới kia hay lấy ví dụ về đàn ông vũ phu ra sao hoặc gia đình chồng xem thường vợ thế nào, thì đây tôi đưa vài dẫn chứng ngược lại, để thấy rằng xã hội vốn có cả hai trường hợp trên, chứ không phải chỉ có đàn ông đang đối xử bất công với phụ nữ.
Vấn đề của xã hội Việt Nam và của cả thế giới hiện nay, không phải là giới tính nào đang bắt nạt giới tính nào, hay tầng lớp nào đang ức hiếp tầng lớp nào, mà là đạo đức toàn nhân loại đã trượt dốc, lòng người trở nên bại hoại, dù nam giới hay nữ giới, người già hay trẻ nhỏ, đều đang ức hiếp những người yếu thế hơn mình, mọi người đều đang ức hiếp lẫn nhau. Không phải xã hội bất công, mà là nhân tâm bất chính.
Vào thời xưa đạo đức của con người khá cao thượng, người người đối tốt với nhau, người lớn yêu thương trẻ nhỏ, trẻ nhỏ kính trọng người lớn, vợ chồng có ân có ái, tương kính như tân, gia đình hài hòa, xã hội thịnh trị, mỗi người đảm nhận một vai trò khác nhau, không hề “bất công” như những gì mà tuyên truyền bình đẳng kia nói đến. Tất nhiên đây đó vẫn có một số người vợ phải chịu thiệt thòi ấm ức, nhưng đó là do nhân phẩm của cá nhân người chồng kia không tốt, chứ không phải do quan niệm “phong kiến lạc hậu” nào cả.
Thời hiện đại điều gì cũng đã biến đổi: phụ nữ thì mạnh mẽ, đàn ông thì yếu đuối, thanh niên thì to tiếng quát tháo, người già thì khép nép vâng lời,… Theo học thuyết Chu Dịch của Đạo gia thì hiện tượng này gọi là âm dương đảo chiều, âm thịnh dương suy, mọi việc diễn ra trái ngược lý lẽ thông thường, là dấu hiệu của hỗn loạn và diệt vong. Còn Phật giáo thì gọi đây là biểu hiện của thời mạt Pháp, thói đời sa sút, lòng người bất chính, cuối cùng mang đến tai kiếp to lớn.
Những lời này nói ra không phải để oán trách người khác, tôi và các bạn, mọi người đều đang thêm dầu vào lửa, góp gió thành bão, mới tạo thành cục diện như thế, ai cũng có một phần trách nhiệm. Điều chúng ta cần làm không phải là trách cứ lẫn nhau hay dùng bạo lực để chỉnh trị người khác, mà là quy chính nhân tâm, nâng cao đạo đức và văn minh tinh thần, chỉ khi làm được như vậy thì cái gọi là “bất bình đẳng” mới thật sự biến mất.
Thế Di