Lạc vào giấc mơ của vợ, người chồng đã có một hành động ra tay kịp lúc
Mọi người thường nói đến từ “mộng ảo”, cho rằng những cảnh tượng trong giấc mơ hầu hết đều là hư ảo. Tuy nhiên, rất nhiều cảnh tượng trong mộng lại xảy ra đúng như vậy ở trong đời thực, khiến người ta phải kinh ngạc.
Trong giấc mơ của một số người, họ lại cảm thấy rằng mình đã thực sự nhìn thấy một điều gì đó hay một ai đó, và sau đó mọi chuyện trong mơ cũng xảy ra ở ngoài thực tế; một số người thì thực sự nhìn thấy những cảnh trong giấc mơ ở ngoài thực tế, và sau đó thì chuyện cũng được xác minh.
Các trường hợp như vậy cũng được ghi lại trong các sách cổ, mặc dù chúng kỳ lạ như tiểu thuyết vậy, nhưng chúng có thể mở mang tâm trí của con người từ các góc độ khác nhau, và mang đến ý tưởng khác lạ để khám phá những giấc mơ. “Thái Bình Quảng Ký” đã từng ghi chép một câu chuyện thú vị về giấc mơ như vậy.
Vào thời nhà Đường, có một người ở Biện Châu tên là Trương Sinh. Vì gia đình nghèo khó, anh ta phải đi kiếm sống, nên tạm nói lời từ biệt với vợ mình, và đi làm công ở Hà Sóc. Năm năm sau mới trở về Biện Châu.
Ngày hôm đó, trên đường trở về Biện Châu, trời vừa chập tối. Đến lúc anh ta vừa ra khỏi cổng thành Trịnh Châu để về nhà, thì bầu trời đã tối. Để tranh thủ đi đường, Trương Sinh đã cưỡi lừa đi đường tắt.
Đột nhiên, anh ta thấy một luồng sáng giữa đám cỏ xa xa, và có năm hay sáu người ngồi đó uống rượu. Trương Sinh nghĩ bụng: “Ai mà muộn rồi còn có nhã hứng uống rượu nữa nhỉ?”. Thế là anh ta liền nhảy xuống lừa và đi về phía trước, muốn xem chuyện gì đang xảy ra.
Anh ta bước về trước hơn chục bước, nhìn kỹ hơn, thì thấy vợ của mình cũng đang cười nói vui vẻ với những người đó, bầu không khí rất náo nhiệt. Trương Sinh vội trốn sau cây bạch dương và lén quan sát bọn họ.
Lúc này, một người đàn ông mặt để đầy râu, nâng ly rượu và nói: “Mong phu nhân hãy hát một bài cho chúng tôi nghe”. Vợ của Trương Sinh xuất thân từ một gia đình gia thế, từ nhỏ đã biết đến thơ ca văn học, còn viết qua nhiều áng văn chương đặc sắc nữa.
Cô không muốn hát, nhưng lại không từ chối được lời khẩn cầu tha thiết của những người này. Vì vậy, cô đành phải hát: “Than ôi cỏ cây khô héo, châu chấu kêu râm ran. Phu quân một đi không trở lại, đêm nay ngồi buồn tóc mai như tuyết”.
Người đàn ông để râu kia nói: “Cảm ơn phu nhân đã hát cho chúng tôi nghe, tôi kính cô một ly”. Sau khi uống xong, ly rượu được truyền tay sang một thiếu niên có da mặt trắng, anh này cũng xin vợ của Trương Sinh hát một bài nữa. Vợ Trương Sinh nói: “Hát một bài đã là quá lắm rồi, làm sao mà có thể hát thêm nữa đây?”.
Người đàn ông để râu cầm một đôi đũa lên và nói: “Mang ly rượu lại đây, ai từ chối hát, thì phạt một ly”. Vợ của Trương Sinh hết cách đành phải hát lên: “Nâng rượu mời chàng, chàng không từ chối, hoa rơi quanh nhành cây, nước chảy không trở lại. Đừng cậy mình còn trẻ, thời trẻ được bao lâu?”.
Sau đó, ly rượu lại truyền đến tay một người mặc áo tím, người này nâng ly rượu lên, lại mời vợ Trương Sinh hát. Vợ của Trương Sinh trong lòng không vui, ngập ngừng hồi lâu, mới mở miệng hát: “Trách khuê phòng, mùa thu vẫn chưa tàn. Chàng bặt vô âm tín, đi đến khắp vùng trời”.
Lúc này ly rượu được truyền đến tay một người đàn ông có râu mặc áo đen, và anh này cũng yêu cầu vợ của Trương Sinh hát. Vợ của Trương Sinh đã hát liền ba bài liên tiếp, đã không còn hơi nữa, nên cô im lặng không mở miệng nữa.
Người đàn ông để nhiều râu thấy cô từ chối hát, liền đưa cho cô một ly rượu. Vợ của Trương Sinh vừa khóc vừa chậm rãi uống rượu, rồi hát cho người đàn ông da đen nghe: “Gió đêm cuồn cuộn thổi, sương đọng mái đình cỏ ẩm ướt. Người thương đi không trở lại, chỉ còn biết thổn thức khóc trong phòng”.
Khi ly rượu vang truyền đến tay người thiếu niên mặc áo màu xanh lá cây, cậu này nói rằng đêm đã khuya rồi, chẳng mấy chốc phải tạm biệt nhau rồi, hy vọng rằng vợ của Trương Sinh sẽ hát thêm một bài nữa. Cô lại hát một lần nữa: “Đom đóm bay qua cây bạch dương, gió buồn len qua bãi cỏ. Ngỡ rằng đang nằm mơ, buồn lạc mất đường về cố hương”.
Sau đó, ly rượu được chuyển đến tay vợ của Trương Sinh, người đàn ông có bộ râu lớn đã hát một bài: “Hoa vừa hé nụ mới gặp nhau, lúc hoa rơi lại phải tiễn đưa nhau. Cần gì là giấc mơ, cuộc sống cũng giống như một giấc mơ”.
Trong lúc hát, ly rượu đã truyền đến tay của người mặc áo tím, anh ta cũng yêu cầu vợ Trương Sinh hát tiếp, sau khi cô nghe thấy vậy liền cúi đầu không nói gì, người đàn ông để nhiều râu thấy vậy lại phạt cô uống rượu.
Nhìn thấy cảnh tượng này, Trương Sinh tức giận vô cùng, thuận tay nhặt lấy một viên gạch dưới chân, rồi ném vào kẻ có râu kia, trúng ngay vào đầu ông ta. Sau đó, Trương Sinh lại ném một viên gạch khác, nhưng lần này anh ta đã ném trúng vào trán của vợ.
Ngay lúc ấy, tất cả mọi người đều biến mất. Trương Sinh thấy vậy thì hết sức kinh ngạc, anh ta nghĩ rằng vợ mình đã qua đời rồi. Cứ như thế anh ta cứ buồn khóc thảm thiết trên suốt con đường về nhà cho đến khi trời sáng.
Vừa về đến cổng nhà, Trương Sinh đã vội hỏi: “Phu nhân đang ở đâu?” Trương Sinh rời khỏi nhà đã 5 năm, và trong suốt 5 năm không có tin tức gì cả. Người nhà nay đột nhiên thấy Trương Sinh quay về thì đều vui mừng chạy ra ngoài đón.
Người hầu trả lời anh rằng: “Phu nhân đang ở trong nhà, chỉ là tối qua bị đau đầu rất nghiêm trọng, giờ vẫn đang nghỉ ngơi”. Trương Sinh nhanh chóng bước vào phòng và hỏi nguyên nhân vợ anh bị đau đầu.
Người vợ nói: “Đêm qua, em mơ thấy mình đang ở trên bãi cỏ, ở đó có năm hay sáu người, họ thay phiên nhau bắt em uống rượu. Ai nấy đều bảo em hát nữa. Em nhớ mình đã hát tổng cộng sáu hay bảy bài gì đó. Có một tên râu mọc đầy cứ đưa ly rượu, bảo em uống. Em vừa uống đến cốc thứ hai, thì đột nhiên có một viên gạch bay tới, sau đó viên gạch thứ hai thì trúng ngay vào trán của em, vì vậy mà em đã tỉnh dậy. Sau khi tỉnh dậy, thì đầu bắt đầu đau”.
Lúc này, Trương Sinh mới biết rằng, cảnh tượng mà anh nhìn thấy đêm qua thì ra chính là giấc mơ của người vợ.
Trích từ: “Thái Bình Quảng Ký – Giấc mơ thứ 7” Tập 282.
>>> Những giấc mơ ‘xuất hồn’ kết nối chúng ta với thế giới khác
>>> Cảnh trong giấc mơ có quan hệ với vũ trụ song song?
Tuệ Tâm, theo NTDTV