Kỳ lạ loài cá nhận diện được mặt người
Một nghiên cứu mới đây cho thấy loài cá cũng có khả năng nhận diện được mặt người, điều chưa từng được ghi nhận trước đây.
Người ta tin rằng các nếp cuộn hình thoi nằm ở vỏ não người là cấu trúc chìa khóa giúp con người có thể phân biệt khuôn mặt người này với người khác. Loài chim cũng có cấu trúc tương tự, nên chúng cũng có khả năng nhận diện khuôn mặt. Với loài cá, vốn có cấu tạo não đơn giản và không có các nếp cuộn hình thoi nên cá chưa bao giờ được ghi nhận có khả năng nhận diện mặt người.
Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây của Đại học Oxford và Đại học Queensland cho thấy một loài cá nhỏ cũng có khả năng đó. Đó là loài “archerfish” – rất nổi tiếng trong thế giới động vật vì khả năng phun nước. Chúng có thể phun nước bằng miệng rất mạnh làm con mồi choáng váng. Có lẽ đây là lý do chúng được gọi là Archerfish (cá cung thủ). Ngoài ra, chúng còn được gọi là cá “toxot” hoặc cá “măng rổ”. Đây là một trong vài loài cá biết sử dụng công cụ. Để huấn luyện cá cung thủ nhận diện mặt người, đầu tiên họ huấn luyện chúng phun nước vào một hình ảnh chạy trên màn hình, sau đó đổi thành những khuôn mặt người, và cuối cùng là hình 1 khuôn mặt nhất định. Sau đó, họ cho chạy lần lượt 44 khuôn mặt khác nhau và bọn cá chọn đúng khuôn mặt cần phun trong 86% trường hợp.
Các nhà khoa học tin rằng các nếp cuộn hình thoi cho phép con người giao tiếp nhau với tốc độ và độ chính xác mà các loài khác không làm được. Nhưng người ta vẫn tranh cãi về việc liệu khuôn mặt con người có phải quá phức tạp hay không; và việc phân biệt khuôn mặt có khó khăn hơn những thứ khác hay không; và để nhận diện khuôn mặt có nhất thiết phải cần đến khu vực kể trên của não bộ hay không. Loài chim, có cấu trúc não tương tự, đã được chứng minh có khả năng nhận diện mặt người.
Nhưng một số nhà nghiên cứu vẫn nghĩ rằng nhận dạng khuôn mặt là một kỹ năng con người cần học hỏi – chứ không phải kỹ năng bẩm sinh – và các nếp cuộn hình thoi chỉ là nơi chúng ta tiến hành xử lý tất cả các thông tin cần thiết. Vì vậy, khả năng mới phát hiện của loài cá cung thủ có thể ủng hộ cho quan điểm thứ hai, vì chúng hoàn không có các nếp cuộn hình thoi hay cấu trúc tương tự trong não.
Qua khả năng mới phát hiện của cá cung thủ, nhiều người cho rằng đã đến lúc cần nhìn nhận lại nghiêm túc những quan niệm khoa học đã xói mòn. Khả năng nhận diện mặt người không chỉ có ở các loài động vật, mà cây cối cũng có khả năng đó. Cựu chuyên gia tình báo Mỹ (CIA) Cleve Backster đã có một khám phá đáng kinh ngạc trong năm 1966. Ông lấy hai cây huyết rồng và nối một cây với máy dò nói dối. Ông cho một người giẫm lên cái cây còn lại. Khi đó, máy dò nói dối cho thấy cái cây chứng kiến sự việc này đã thể hiện nỗi sợ hãi.
Backster tiếp tục tiến xa hơn. Ông thực hiện thêm một thí nghiệm với cái cây đã bày tỏ nỗi sợ hãi. Rất nhiều người bước vào phòng nơi đặt cái cây, bao gồm cả người đã giẫm lên cái cây còn lại. Máy dò nói dối không có phản ứng nào đối với những người khác, nhưng khi người đã giẫm cái cây bước vào phòng, nó lại thể hiện nỗi sợ hãi. Dường như, cây đã nhận ra được người này.
Tự Tâm, Ưu Đàm/Theo Washington Post