Sức hủy diệt của siêu bom GBU-43 Mỹ mới ném xuống Afghanistan
Bom GBU-43 là loại bom phi hạt nhân mạnh nhất của Mỹ được chế tạo nhằm dọn sạch các chướng ngại vật trên một khu vực rộng lớn, sức công phá của nó tạo tâm lý hoang mang và sợ hãi cho đối phương.
Theo CNN, việc máy bay vận tải quân sự Mỹ thả một quả bom GBU-43 vào nơi trú ẩn của phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (ISIS) ở vùng núi Nangahar, miền Đông Afghanistan tối 13/4. Đây là lần đầu tiên loại bom khổng lồ này được Mỹ sử dụng trong thực chiến.
Bom GBU-43 còn có biệt danh là “Mẹ của các loại bom” (MOAB) được Phòng nghiên cứu Không quân Mỹ phát triển từ năm 2002-2003. Nó có chiều dài 9,17 m, đường kính 103 cm, nặng khoảng 10 tấn và được nhồi 8,5 tấn thuốc nổ mạnh H6 gồm hợp chất RDX, TNT và bột nhôm, cho sức nổ tương đương 11 tấn TNT. Vào thời điểm được đưa vào biên chế, nó được coi là vũ khí phi hạt nhân mạnh nhất thế giới.
MOAB đã được thử nghiệm thành công 5 lần ở cơ sở không quân Eglin, bang Florida vào tháng 3/2003 và những cuộc kiểm tra khác giữa tháng 11 cùng năm.
Theo National Interest, GBU-43 không phải là bom xuyên dùng để diệt các hầm ngầm kiên cố sâu trong lòng đất mà được xếp vào dạng bom nhiệt áp, GBU-43 phá hủy mục tiêu bằng sóng xung kích cũng như hút hết dưỡng khí trong khu vực nổ, khiến đối phương trong hang động, đường hầm bị chết ngạt.
Bom GBU-43 được thả từ trên cao, tăng tốc trong quá trình rơi xuống mục tiêu và sử dụng hệ thống dẫn đường GPS để tăng độ chính xác. Khi cách mục tiêu khoảng 1,8 mét, ngòi nổ Tritonal gồm bột nhôm trộn với thuốc nổ TNT sẽ được kích hoạt, tạo ra một đám mây bột nhôm dạng nấm bao phủ bán kính 10 mét quanh điểm nổ.
Chỉ trong vài giây tiếp theo, đám mây bột nhôm này bắt cháy tạo thành quả cầu lửa khổng lồ siêu nóng, thiêu đốt và hút sạch dưỡng khí trong bán kính hàng trăm mét xung quanh, khiến tất cả những người ở trong phạm vi ảnh hưởng gần như bị cháy phổi và chết trong đau đớn. Việc sử dụng bột nhôm giúp tăng uy lực của thuốc nổ TNT lên khoảng 20%.
Ngay sau đó, khối thuốc nổ hơn 8 tấn được kích hoạt, tạo ra sóng xung kích khổng lồ di chuyển với tốc độ âm thanh, làm bốc hơi các sinh vật sống trong phạm vi hơn 900 mét. Sức ép sẽ hủy diệt mọi sự sống trong bán kính 1,6 km, san phẳng nhà cửa, cây cối, phá hủy xe cơ giới hạng nhẹ. Những chiếc xe tăng hay xe tải hạng nặng ở cách điểm nổ 2,7 km cũng có thể bị sóng xung kích thổi bay lên khỏi mặt đất.
Sóng xung kích này đủ sức làm sập các hang động, đường hầm, vùi lấp tất cả những người bên trong. Những người thoát chết từ vụ nổ có thể bị ám ảnh tâm lý cả đời vì sức công phá khủng khiếp của nó.
Bom sử dụng hệ dẫn đường quán tính dựa trên hiệu chỉnh đường bay bằng hệ thống định vị toàn cầu vệ tinh giống các dòng bom thông minh JDAM. Do có kích thước và khối lượng lớn, GBU-43 phải được thả từ các máy bay vận tải hạng nặng như C-130. Mỗi quả bom GBU-43 có giá lên tới khoảng 16 triệu USD.
“Điều ngạc nhiên nhất về MOAB là nó là quả bom mạnh nhất từng được xây dựng và đã thực hiện nhiệm vụ – ngăn chặn kẻ thù – chỉ đơn giản bởi vì họ biết về nó“, Robert Hammack, một trưởng nhóm nghiên cứu về phát triển của bom đã nói.
Ngoài hai quả bom thử nghiệm, Mỹ chỉ chế tạo 15 quả GBU-43 từ năm 2003 đến nay. Một quả được chuyển tới khu vực vịnh Persia vào giữa năm 2003 nhưng không được sử dụng. Tới năm 2007, Nga chế tạo bom nhiệt áp siêu lớn AVBPM, còn gọi là “Cha của các loại bom” (FOAB) với sức nổ gấp 4 lần MOAB.
Theo VNE