Kiên Giang: Cây ATM gạo đầu tiên giúp nhiều người vượt qua dịch virus Vũ Hán
Ngày 20/4 vừa qua, cây ATM gạo đầu tiên ở Kiên Giang đặt tại số 527 đường 3 tháng 2 (P.Vĩnh Lạc, TP. Rạch Giá) đã đi vào hoạt động, tiếp nối mô hình ATM gạo ở Sài Gòn trước đó. Mỗi người dân gặp khó khăn khi đến đây sẽ được nhận miễn phí 1.5kg gạo.
Theo đó, cây “ATM gạo tại Kiên Giang” được Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Thắng (Taxi Nam Thắng) cùng các Mạnh Thường Quân đứng ra tổ chức. Tại cây ATM này, người dân có thể đến lấy gạo phát 2 lần/ngày, từ 8h – 17h hằng ngày.
Quy mô dự kiến sẽ phát khoảng 40 tấn gạo, kéo dài qua hết tháng 4 và có thể lâu hơn, tùy theo tình hình dịch virus Vũ Hán (Covid-19) tại địa phương.
Tại cây ATM, việc sắp xếp vị trí đứng chờ nhận gạo cho người dân cũng như thủ tục nhận gạo được thực hiện tương tự các cây ATM đã đưa vào hoạt động trước đó ở Sài Gòn, Hà Nội, Huế… bao gồm: duy trì khoảng cách tối thiểu hai mét 2m, phải thực hiện đo thân nhiệt, sát khuẩn… và các biện pháp y tế cần thiết.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại “ATM gạo Kiên Giang” người dân đến nhận gạo khá đông, hầu hết là người có hoàn cảnh khó khăn.
Bà Trần Thị Lan (trú tại phường Vĩnh Lạc, TP.Rạch Giá) cho biết, trong thời gian “cách ly xã hội” nhiều người con của bà không có việc làm, gia đình rất đông người lại mất đi thu nhập, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn.
“Tôi rất vui mừng vì trong lúc khó khăn lại được hỗ trợ phát gạo miễn phí. Tôi mong sẽ có nhiều nhà hảo tâm để có nhiều điểm phát gạo miễn phí giúp đỡ cho các gia đình nghèo”, bà Lan chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Lê, một người bán vé số dạo (thuê trọ tại phường An Bình, TP.Rạch Giá) cho biết, 20 ngày nay phải ngừng bán nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn.
Chị Lê Thị Thanh Tiền, cùng mẹ lên TP Rạch giá làm nghề bán vé số dạo (nhà ở huyện Giồng Riềng, Kiên Giang) cho biết, lúc chưa ngừng bán, hai mẹ con mỗi ngày có thu nhập hơn 200.000 đồng, đủ sống.
Tuy nhiên, giờ ngừng bán vé số, mẹ chị lại đang bị bệnh cần tiền thuốc thang, chị tìm việc rửa chén, giặt quần áo, nhưng bữa có bữa không nên gặp rất nhiều khó khăn.
Để giúp người nghèo vượt qua dịch virus Vũ Hán (Covid-19), ngay trong ngày đầu tiên cây ATM hoạt động, anh Nguyễn Trung Chánh, ở phường Vĩnh Lạc, TP. Rạch Giá đã chở 100 kg gạo đến ủng hộ.
Được biết, mặc dù ATM gạo phát miễn phí cho người nghèo, tuy nhiên tình hình phát gạo tại những cây ATM này có nơi người dân đến rất đông, có nơi lại thưa thớt.
Tại những cây ATM gạo ở Sài Gòn người dân đa số đều có kỷ luật và duy trì ý thức cộng đồng. Ngoài ra, người dân đều có tinh thần “nhường cho nhau” nên nhiều địa điểm ATM gạo,… ế người nhận.
Anh Võ Quốc Bình, người thành lập cây ATM gạo ở số 25 đường Hoàng Diệu 2, phường Linh Trung, quận Thủ Đức cho biết, người đến nhận gạo ít đến nỗi phải “khuyến mãi” thêm hai chiếc khẩu trang và phải ra,… tiếp thị, mà người đến nhận gạo vẫn thưa thớt.
“Mọi người lấy nhiều tôi vui, lấy ít tôi buồn”, anh Bình chia sẻ.
Một cây ATM gạo khác tại xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh cũng rơi vào tình trạng tương tự. Anh Hoàng Tuấn Anh, người xây dựng cây ATM gạo này chia sẻ, tại địa điểm này người đến nhận gạo thì ít, mà mang gạo đến chia sẻ thì nhiều.
Mặc dù vậy, cây ATM gạo đầu tiên tại Hà Nội lại xảy ra hiện tượng hàng người đứng đợi nhận gạo kéo dài đến cả trăm mét, và chen lấn, xô đẩy nhau. Tình trạng này cũng xảy ra tại ATM gạo tại Huế và nhiều cây ATM khác.
Từ Thức (t/h)