Khu vườn của Monet – Nguồn cảm hứng cho các kiệt tác nghệ thuật
Bên trong khu vườn của Monet là cả một thế giới các loài hoa, với hoa hồng, hoa súng nước, cúc ngũ sắc, hoa thược dược và còn rất nhiều loài hoa khác…
Từ cái nhìn đầu tiên về ngôi làng Giverny quyến rũ, đại danh họa trường phái ấn tượng Claude Monet ngay lập tức biết rằng đây sẽ là nơi ông muốn ở suốt quãng đời còn lại. Vì vậy, ông đã đi xuống tàu, bước vào quán rượu và bắt đầu hỏi thăm người dân địa phương tìm nơi ở.
May mắn là dân làng có một tin tốt cho ông rằng có một trang trại cho thuê ở Gerviny.
Theo lời giới thiệu, họa sĩ Monet cùng người vợ tương lai Alice Hoschedé và những đứa con riêng của cả hai đã chuyển đến trang trại. Tại thời điểm này, trên người ông không có một xu dính túi.
>>> Vườn hoa “kỳ diệu” giữa sa mạc khô cằn của Dubai
Trong những năm tháng sống tại làng Gerviny, ông đã trở thành một trong những nghệ sĩ thành công nhất thế giới, đạt được danh tiếng quốc tế và kiếm được rất nhiều tiền
Với số tiền mà mình kiếm được ông đã dùng phần lớn vào việc tạo ra các tác phẩm nghệ thuật khác của mình – đó chính là các khu vườn ở làng Gerviny. Ông đã mua lại ngôi nhà mình đang thuê cùng những tòa nhà xung quanh và các khu vườn.
>>> Heligan – “Khu vườn bị quên lãng” đến địa danh du lịch nổi tiếng
Ông nói: “Tất cả những thứ mà tôi kiếm được đều đổ vào những khu vườn. Tôi thừa nhận tôi rất tự hào về công trình của mình”.
Bên trong khu vườn của Monet là cả một thế giới các loài hoa, với hoa hồng, hoa súng nước, cúc ngũ sắc, hoa thược dược và còn rất nhiều loài hoa khác.
Danh họa này đã dành rất nhiều năm tháng tỉ mỉ thiết kế khu vườn với sự giúp đỡ của đội ngũ những người làm vườn và gia đình của mình.
Các khu vườn không chỉ là tác phẩm của Monet mà còn là nguồn cảm hứng cho danh họa. Theo đó, ông đã chuyển nhiều khung cảnh lên tranh, tạo ra một số tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng nhất của mình.
Khi không vẽ tranh, mối bận tâm lớn nhất của Monet chính là thiết kế lại những khu vườn, để nó tiếp tục truyền cảm hứng cho công việc sáng tác của mình. Điều này đã tạo ra một vòng tròn tuần hoàn suốt phần đời còn lại của danh họa tại làng Giverny.
Tuy nhiên, cái chết của người vợ Alice yêu quý vào năm 1911 đã ảnh hưởng sâu sắc đến Monet. Thời điểm đó ông trở nên chán nản và công việc bắt đầu trì trệ. Cho đến khi các dấu hiệu đầu tiên của căn bệnh đục thủy tinh thể phát triển, mọi việc trở nên tồi tệ hơn với danh họa.
Mặc dù căn bệnh đã khiến Monet tạo ra những tác phẩm có hình ảnh mờ nhòe, nhưng ông chưa bao giờ ngừng vẽ tranh. Đồng thời, ông cũng luôn đảm bảo rằng những khu vườn của mình vẫn rực rỡ hơn bao giờ hết.
Monet kiểm soát chặt chẽ từng chi tiết thiết kế của khu vườn, cho đến khi ông qua đời vào năm 1926.
Chính cái chết của ông đã thay đổi mọi thứ. Khi này con trai danh họa và cũng là người được thừa kế tài sản đã có ý định rời đi. Anh không muốn sống ở làng và chăm sóc khu vườn của cha mình với một niềm đam mê tương tự.
Theo đó, những bức tranh quý giá của danh họa đã được rao bán và khu vườn bị bỏ rơi. Một thế giới hoa huyền diệu biến mất nhiều năm và nhanh chóng biến thành một khu rừng nhiệt đới rậm rạp.
Vào năm 1966, con trai của Monet qua đời và kể từ đó khu vườn trở thành tài sản của Viện Hàn lâm Mỹ thuật Pháp (French Academie des Beaux-Arts). Sau đó, một khoản tiền lớn được chi ra để khôi phục những khu vườn, mục tiêu là giúp chúng lấy lại vinh quang ngày trước.
Vào những năm 1970, một dự án phục hồi lớn dành cho khu vườn được bắt đầu. Quá trình này thực sự là một thử thách đối với những người chịu trách nhiệm dự án. Bởi vì cây cối trong khu vườn đã phát triển quá mức và phải mất nhiều năm khu vườn mới được định hình lại.
Một nhóm người làm vườn, bao gồm cả một người từng làm việc với Monet trong việc tạo ra khu vườn, đã lao động không mệt mỏi trong khoảng 4 năm. Kết quả là vẻ đẹp rực rỡ của nó đã được khôi phục.
Mặt khác, khi nói về những khu vườn huyền thoại, ngoài Monet ra còn có một người đàn ông đặc biệt cần được nhắc đến đó là Gilbert Vahé. Ông đã gắn bó với các khu vườn khoảng 35 năm với vai trò là người đứng đầu nhóm làm vườn.
Ông làm việc cần mẫn trong suốt khoảng thời gian từ cuối những năm 1970 cho đến năm 2011, khi James Priest kế nhiệm ông.
Ngày nay, các khu vườn được lấy cảm hứng từ những kiệt tác của Monet đã trở thành điểm thu hút khách du lịch lớn ở Pháp.
Các khu vườn giờ đây là nơi mang đến cho mọi người một thế giới hoa đầy sắc màu và sự trải nghiệm ngọt ngào tại vùng nông thôn Pháp. Nó chưa bao giờ khiến mọi người hết ngạc nhiên về vẻ đẹp độc đáo của mình.
Tú Văn, theo TVN